Chuyện cô hoa hậu mang bài “Cô gái vót chông” đi đánh ở Mỹ không biết là vô tình hay cố ý. Ở ta đi thi hoa hậu ở nước ngoài là phải qua Bộ Văn – Thể – Du chứ không tự ý đi được.
Nhưng dù lý do là gì thì chuyện này cũng bẽ bàng cho một giá trị được tôn sùng và tôn vinh ở ta nhưng khi ra nước ngoài lại trở nên lố bịch hoặc gây tranh cãi hay ít thiệt hại nhất thì chẳng ai quan tâm. Chuyện này du học sinh và những ai sống ở nước ngoài chắc đều ít nhiều trải qua, khó mà tránh được.
Bỏ qua chuyện cô hoa hậu, có những chuyện cực kỳ to tát ở ta nhưng ra nước ngoài lại chẳng ai quan tâm, nhất là những thứ liên quan đến chủ nghĩa dân tộc.
Tỉ dụ như chuyện Hoàng Sa – Trường Sa, ở ta nó là một trong những đề tài lớn nhất, nhưng mang sang Tây nói thì không có thằng Tây nào thèm nghe. Tây nào đi quan tâm tới chuyện mấy nước ở một góc nào đó trên thế giới tranh nhau ba cái đảo hay tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam.
Chuyện đánh Pháp đánh Mỹ một thời lừng lẫy vậy nhưng giờ cũng hết đát rồi, mấy ai còn nói ba cái chuyện từ đời nào.
Đó là chuyện dân tộc, sang những chuyện có tính phổ quát như nhân quyền cũng chẳng mấy ai quan tâm. Ta coi mấy vụ bắt bớ, bỏ tù nhà hoạt động, hay mấy vụ bố ráp giết nông dân ở ta là kinh khủng lắm, thực ra cũng kinh khủng thật. Nhưng so với nạn giết chóc, diệt chủng ở Trung Quốc, Miến Điện, hay mấy nước châu Phi, hay so với chiến dịch giết mấy chục nghìn người nghi là buôn ma túy ở Philippines mới đây thì mấy vụ của Việt Nam không thể thu hút sự chú ý bằng.
Lãnh đạo một tổ chức nhân quyền quốc tế lớn từng than thở mới đây rằng “bây giờ rất khó để đưa được vấn đề nhân quyền Việt Nam ra thế giới”.
Trong bối cảnh tất cả các nước phải cạnh tranh nhau để được chú ý trên thế giới, Đài Loan nổi lên như một kẻ cực kỳ tinh khôn.
Tinh khôn ở chỗ họ không chỉ tận dụng vị thế địa chính trị trời cho của mình để mặc cả với các anh lớn (Việt Nam hiện đang dùng bài này), mà còn tự lực cánh sinh phát triển được một nền kỹ nghệ khiến cả thế giới phải dựa vào (chính là ngành công nghiệp bán dẫn – mấy hãng sản xuất chip của Đài Loan mà tèo thì thế giới điêu đứng).
Chuyện này có được là nhờ ngay từ những năm 70, nhận thấy Mỹ không còn mặn mà với việc bảo vệ Đài Loan, chính phủ đã dốc tiền đầu tư cho nghiên cứu kỹ nghệ để phục vụ quốc phòng, sau cùng biến Đài Loan thành nhà sáng chế và chế tạo thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới.
Xa hơn thế, việc Đài Loan dân chủ hóa từ cuối những năm 80 lại giúp gắn kết nước này với hệ giá trị dân chủ được cả thế giới thừa nhận, tạo ra thêm một lý do vô cùng lớn nữa để thế giới nên nghĩ đến chuyện bảo vệ Đài Loan trước nước độc tài Trung Quốc. Con người thường chơi với những kẻ giống mình. Khi chia sẻ những giá trị dân chủ chung với các nước lớn thì tự khắc từ người dân cho tới chính phủ sẽ nghĩ tới việc bảo vệ mình.
Như vậy, Đài Loan cho thế giới tới ba lý do rất lớn để bảo vệ mình và kết thân với mình: vị trí địa lý, ngành công nghiệp bán dẫn, và nền dân chủ.
Việt Nam hiện nay chỉ có một lý do để Mỹ và phương Tây đoái hoài tới: vị trí địa lý. Gần đây ta phát triển được ngành hoa hậu nhưng không ăn thua./.