GS Nguyễn Văn Tuấn
Trong hội nghị văn hoá gần đây, Gs Trần Ngọc Thêm nói thẳng rằng cần phải bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong học đường, bỏ đi khái niệm “Trồng người.” Một đề nghị táo bạo, và gây ra nhiều tranh cãi. Cái khổ là nhiều khái niệm và khẩu hiệu ở Việt Nam không được định nghĩa và giải thích rõ ràng, nên ai muốn hiểu sao cũng được. Chẳng hạn như khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” có thể hiểu nhiều cách khác nhau qua các thời kỳ. Và, nếu theo cách hiểu “Hồng hơn Chuyên” thì tôi đồng ý với Gs TNThêm.
Thời Khổng Tử
Tôi nghĩ để hiểu một chút về câu “Tiên học lễ, hậu học văn,” chúng ta phải quay ngược thời gian tìm hiểu Khổng Tử. Lý do là khái niệm Lễ xuất phát từ Khổng Tử*.
Khổng Tử xuất thân là một thầy cúng tế. Năm 19 tuổi ông thành hôn và được bổ nhiệm làm quan phụ trách thuế vụ và cúng tế ở nước Lỗ. Ông làm tốt công việc cúng tế đó, nên năm 30 tuổi ông được gởi đi ‘du học’ ở kinh đô nhà Chu để nghiên cứu thêm về cúng tế. Tuy làm ‘good job’ cúng tế và thu thuế, nhưng vương triều nước Lỗ không tin dùng ông. Sau 10 năm trời lang thang và chu du qua nhiều nước (vì chẳng có vương triều nào tin dùng ông), ông đành quay về cố quốc (nước Lỗ), dạy học và chép sách. Ông soạn được 5 cuốn sách gọi là ‘Ngũ Kinh’: Kinh Dịch (bói toán), Kinh Thư (văn kiện của các vua quan), Kinh Thi (các bài thơ ca), Kinh Lễ (các nghi thức về cúng tế và hội họp) và Kinh Nhạc.
Khổng Tử rất coi trọng cái gọi là “Tam Cương, Ngũ Thường.” Tam Cương là 3 tiêu chuẩn của kẻ sĩ với nhà vua: Trung thành với vua, hiếu với cha mẹ, và thủy chung với vợ. Còn Ngũ Thường là 5 chuẩn của người quân tử: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.” Nhưng ông không định nghĩa rõ ràng thế nào là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, mà chỉ nói chung chung và có khi… lăng nhăng. Cuối cùng thì ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Khái niệm Lễ và Văn có thể hiểu trong bối cảnh thân phận của Khổng Tử. Chữ Lễ thời đó được hiểu là nghi lễ vì như nói trên Khổng Tử xuất thân là một thầy cúng tế, nên ông xem trọng Lễ. Nghi lễ là cách thức để nể phục các thế lực siêu thiên nhiên, thần thánh mà chúng ta không thấy mặt họ. Lễ do đó bắt chúng ta phải tuân phục một thế lực vô hình! Còn Văn thời đó tôi đoán là học chữ (vì làm gì có khoa học như chúng ta hiểu ngày nay thời Khổng Tử).
Thời Việt Nam Cộng Hòa
“Tiên học lễ, hậu học văn” là một khẩu hiệu đã có từ thời VNCH. Câu đó thật ra có ý nghĩa đẹp.
Chữ “Lễ” ở đây phải hiểu theo nghĩa Nho giáo, tức là đạo đức. Học lễ có nghĩa là học đạo đức để trở thành người có những đức tính đẹp nhằm phụng sự xã hội.
Còn “Văn” dĩ nhiên không có nghĩa là văn chương, mà là tri thức. Học văn có nghĩa là học các định luật tự nhiên (kể cả khoa học và kỹ thuật) và văn hóa để có kiến thức. Do đó, khẩu hiệu đó nó hàm ý tốt.
Tôi cũng là người lớn lên từ nền giáo dục VNCH, nhưng thú thật tôi chẳng khi nào quan tâm đến khẩu hiệu đó. Thực tế quan trọng hơn khẩu hiệu. Có vài người kể lể dài dòng về kỷ niệm của họ với khẩu hiệu đó, nhưng tôi thì thấy khẩu hiệu đó tuy nó đẹp nhưng chẳng có tác động gì đến cá nhân.
Thời Việt Nam XNCH
Những năm sau 1975 thì khẩu hiệu này biến mất. Bẵng đi một thời gian dài, nó lại xuất hiện và được đề cao. Nhưng người ta không giải thích câu đó có nghĩa là gì. Ai cũng hiểu lờ mờ rằng câu đó có nghĩa là học đạo đức trước rồi mới học để có tri thức. Nhưng đạo đức thời sau 1975 là gì? Không ai biết rõ. Có lẽ là khái niệm ethics trong tiếng Anh.
Sau 1975, người ta đưa vào khái niệm “Hồng hơn Chuyên.” Hồng ở đây có thể hiểu theo nghĩa giác ngộ chánh trị (tức theo Mác Lê Mao) và chủ nghĩa giai cấp. Do đó, mới có tiêu chuẩn đạo đức mang tính áp đặt rằng “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa.” Còn chuyên ở đây có nghĩa là năng lực chuyên môn.
Cái thứ tự Hồng – Chuyên, do đó, có thể hiểu là đạo đức chánh trị phải được ưu tiên hơn là chuyên môn. Cái thứ tự hồng – chuyên này cũng giống như cái thứ tự của Lễ – Văn thời xa xưa vậy.
Thành ra, thể chế mới rất thích khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn,” bởi vì nó vừa chứng tỏ họ duy trì truyền thống vừa là cách để hợp thức hóa kiểm soát tư tưởng. Người ta cũng có thể giải thích Lễ theo nghĩa phải kính trên nhường dưới, phải tuân phục người có chức quyền. Theo đó, ông Tổng đã nói là phải nghe, không được chất vấn, không được phản biện?
Cần phải có một phương châm mới
Ở nước tôi ở (Úc) không có khẩu hiệu trong trường học, hay nếu có thì mỗi trường mỗi khác. Tôi thấy ở Mỹ (nơi tôi hay lui tới) cũng thế. Ở những nước này, người ta có những khái niệm như Vision (Tầm nhìn) và Mission (Sứ mệnh) cho mỗi ngành nghề và mỗi trường học. Từ Tầm nhìn và Sứ mệnh, người ta có thể đúc kết thành một phương châm. Ví dụ như Đại học NSW (UNSW Sydney) có phương châm “Scientia Manu et Mente,” có nghĩa nôm na là ‘Tri thức bởi trái tim, khối óc và bàn tay,’ hay Đại học Sydney với phương châm “Sidere mens eadem mutato,” có nghĩa là “Vật đổi sao dời, tri thức vĩnh viễn.”
Tôi nghĩ giáo dục Việt Nam cần một phương châm mới. Không có cái gì là bất biến. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không mới mà cũng không cũ, nhưng nó có thể bị các thế lực chánh trị lợi dụng (vì sự mù mờ trong ý nghĩa) để kiềm chế sáng tạo của học trò và duy trì sự thống trị của thể chế. Vả lại, khái niệm Lễ và Văn là có từ thời Khổng Tử, nó không còn phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ. Thời đại này đòi hỏi một chuẩn mực đạo đức (ethics) khác thời Khổng Tử. Cái khẩu hiệu đó trói buộc chúng ta vào cái khuôn vàng thước ngọc của Tàu.
Việt Nam chúng ta cần phải thoát Trung, như Nhật Bản đã từng thoát Trung. Tôi không rõ ở Nhật có khẩu hiệu kiểu “Tiên học lễ, hậu học văn” hay không, nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ đến một Tầm nhìn và Sứ mệnh mới cho nền giáo dục, và nếu cần, một phương châm mới. Phương châm đó phải được giải thích rõ ràng (như trước đây thời VNCH giải thích triết lý Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng). Tôi thì nghĩ đến một phương châm như “Lifetime learning for wisdom and virtue” (học suốt đời vì trí tuệ và đức hạnh), nhưng cần phải suy nghĩ kỹ hơn nữa.
—
*) PS: Viết xong cái note này, tôi đọc được một ý kiến cho rằng chữ Lễ ở đây không phải có từ thời Khổng Tử. Nhưng tôi thấy cách giải thích lòng vòng không thuyết phục. Tuy nhiên, chủ đề của cái note này không phải xuất xứ câu khẩu hiệu đó mà là bản chất của nó.
Nguồn: Blog Nguyễn Văn Tuấn