Human Rights Watch kêu gọi quốc tế gia tăng áp lực với Việt Nam

- Quảng Cáo -

Human Rights Watch kêu gọi quốc tế gia tăng áp lực với Việt Nam

HRWTrong thông cáo đề ngày 31/01/2014, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi quốc tế tăng áp lực với Việt Nam tại phiên Kiểm điểm định kỳ về nhân quyềndiễn ra tại Genève, Thụy Sĩ ngày 5/2 tới. Đây là tiến trình kiểm điểm bốn năm một lần để đánh giá tình hình nhân quyền của từng quốc gia.

Các báo cáo của Human Rights Watch về thực tế tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đã trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 20/06/2013, cũng như báo cáo thường niên của tổ chức phi chính phủ này về Việt Nam công bố hôm 21/01/2014, đều kết luận rằng nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất và quyền được xét xử một cách công bằng, cũng như bắt giam những người chỉ trích chính sách Nhà nước và các nhà hoạt động dân chủ, kể cả thành viên các tổ chức xã hội dân sự mới được thành lập.

Bà Juliette de Rivero, một nhân vật có trách nhiệm của HRW tuyên bố : « Nhà cầm quyền Việt Nam hứa hẹn rất nhiều về nhân quyền, nhưng thực hiện thì rất ít. Bây giờ là lúc để các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nói rõ rằng tình trạng này là không thể chấp nhận được, và gây áp lực để Hà Nội phải cải thiện đáng kể cách xử sự với người dân ». HRW nhắc lại, trong chiến dịch ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã cam kết tôn trọng các quyền con người thông qua việc thực hiện cụ thể Hiến pháp và các bộ luật đã có. Hôm 07/11/2013, Việt Nam đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn nhưng chưa phê chuẩn.

- Quảng Cáo -

Theo HRW, các công dân Việt Nam kêu gọi cải cách đã bị trù dập thẳng thừng. Nhiều nhóm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền mới được thành lập như nhóm Kiến nghị 72, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã công khai tố cáo việc leo thang trấn áp trong những năm qua. Đặc biệt là ngăn trở các thành viên xã hội dân sự rời Việt Nam để đến Genève tham dự cuộc điều trần UPR.

Bà Juliette de Rivero khuyến cáo : « Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cần đứng bên cạnh các nhà hoạt động dũng cảm, dám thách thức chính quyền độc đảng để chấm dứt các vụ lạm dụng. Các chính phủ cũng nên công khai gây áp lực đối với Việt Nam để cùng với xã hội dân sự thực hiện những nghĩa vụ về nhân quyền, và cho phép người dân Việt đòi hỏi những thay đổi căn bản một cách ôn hòa ».

 

Tây Ninh, Bình Phước hủy gia cầm nhiễm cúm

cumgaTổ chức Thú Y vùng VI thuộc Cục Thú Y VN vừa yêu cầu Chi Cục Chăn Nuôi Thú Y tỉnh Bình Phước khẩn cấp tiêu hủy đàn gia cầm bị nhiễm cúm tại huyện Bù Ðăng.

Văn bản đề ngày 27 tháng 1, 2014 của Tổ chức Thú Y vùng VI cho rằng, đã tìm thấy virus cúm H5N1 cực độc trong đàn gia cầm của ông Triệu Ðình Tha, ngụ tại xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng. Kết quả xét nghiệm được xúc tiến trước đó mấy ngày cho thấy, đàn gia cầm của ông Triệu Ðình Tha bị nhiễm virus H5N1 đang đe dọa bùng phát ổ dịch mới tại địa phương.

Hiện đã có một bệnh nhân chết vì nhiễm virus H5N1 tại xã Bình Minh, tỉnh Bình Phước hôm 21 tháng 1. Ông tên Hoàng Văn Minh, 52 tuổi, ngụ cùng thôn với ông Triệu Ðình Tha. Ông Hoàng Văn Minh được coi là người chết đầu tiên vì nhiễm cúm H5N1 từ đầu năm 2014 đến nay, và cũng là ca tử vong đầu tiên vì H5N1 tại Việt Nam kể từ 8 tháng qua.

Chi Cục Chăn Nuôi Thú Y tỉnh Bình Phước cũng đã được yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tại các thị xã Phước Long, Ðồng Phú ở sát huyện Bù Ðăng.

Trong khi đó, tỉnh Tây Ninh cũng đã mở một đợt càn quét, tịch thu và tiêu hủy hai đàn gia cầm lên đến hàng ngàn con nhiễm virus H5N1. Hai vùng đang được coi là nguy cơ bùng phát dịch cúm H5N1 gồm huyện Châu Thành và huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Theo báo Pháp Luật, huyện Bến Cầu nằm ở vùng giáp giới Cambodia, lâu nay là điểm nóng đe dọa bùng phát dịch cúm gia cầm. Riêng trong năm 2013, ít nhất 5,000 con gà, vịt đã bị tiêu hủy tại tỉnh Tây Ninh. Tại huyện Bến Cầu năm qua, xuất hiện đến bốn ổ dịch cúm gia cầm.

 

Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo quyết định sẽ có 207 ngành ngưng hoạt động

daotaoMột văn bản chính thức của Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo CSVN cho hay, sẽ đóng tổng cộng 207 ngành đào tạo bậc đại học, đã làm rúng động dư luận tại Việt Nam. Văn bản này do thứ trưởng Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo CSVN, ông Bùi Văn Ga ký ban hành ngày 25 tháng 1, năm 2014. Quyết định liên quan đến hoạt động của 71 cơ sở đào tạo trình độ đại học tại Việt Nam. Trong số này, có nhiều trường đại học lớn như trường Ðại Học Khoa Học Tự Nhiên; trường Ðại Học Khoa Học-Xã Hội và Nhân Văn thuộc Ðại Học Quốc Gia Sài Gòn; Ðại Học Sư Phạm Hà Nội; Ðại Học Y Dược Sài Gòn,…

Trong một loạt các ngành bị chấm dứt việc tuyển sinh kể từ năm học tới, có nhiều ngành được biết đến thời gian qua, như ngành Hải dương học; Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Hán nôm, Ngôn ngữ Ý của trường Ðại Học Khoa Học Tự Nhiên; Toán học, Văn học, Hóa học, Sinh học, Tâm lý học, Giáo dục công dân, Sư phạm mỹ thuật, Công nghệ thông tin của trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội; ngành Kỹ thuật y học, Kỹ thuật phục hình răng, Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng thuộc trường Ðại Học Y Dược Sài Gòn… Ðặc biệt, trường Ðại Học Hà Tĩnh có đến 14 ngành tuyển sinh bị ngưng hoạt động kể từ niên học 2014-2015 tới. Quyết định này có thể dẫn tới việc phải đóng cửa luôn trường Ðại Học Hà Tĩnh.

Theo báo Tuổi Trẻ, giáo dục bậc đại học và cao đẳng tại Việt Nam hiện có tổng cộng 242 cơ sở với khoảng 3,600 ngành đào tạo.

Theo dư luận, quyết định trên của Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo CSVN dù muộn nhưng được coi là cần thiết. Dư luận cho rằng, thời gian qua, có quá nhiều ngành học khiến sinh viên tốt nghiệp “chẳng biết ứng vào công việc nào.”

 

Các nước yêu cầu Trung Quốc làm rõ quy định mới về đánh cá

PhilippinesBộ Ngoại giao Philippines vừa lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ thông tin tỉnh Hải Nam nước này ra quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép khi đi vào vùng biển của tỉnh này quản lý. Điều gây quan ngại cho Philippines và các nước trong khu vực là chính quyền Hải Nam đòi áp dụng đạo luật trên vùng biển mà bao gồm phần lớn ở khu vực Biển Đông.

Cần nói thêm là đến giờ Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bản đồ chỉ ra cụ thể của khu vực áp dụng bộ luật mới và trong bộ luật chỉ ghi là phần biển của đảo Hải Nam quản lý chứ không nêu chi tiết. Trung Tân xã của Bắc Kinh nói phần biển Hải Nam quản lý bao gồm 2 triệu km2 vùng biển ở biển Đông (trên tổng diện tích khoảng 3,5 triệu km2). Theo Reuters, hành động này nếu áp dụng trên diện rộng sẽ gây căng thẳng với các nước trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói Manila đã yêu cầu sứ quán tại Bắc Kinh lấy thêm thông tin về đạo luật có hiệu lực từ ngày 1-1.

Theo Reuters, quy định của tỉnh Hải Nam không đưa ra mức phạt nhưng các điều kiện thì tương tự như luật từ năm 2004 của Trung Quốc, trong đó nói tàu vào vùng biển có thể bị thu ngư cụ và chịu án phạt tới 500.000 nhân dân tệ (83.000 USD).

Hiện các quan chức của Hải Nam chưa có phản hồi về chuyện làm rõ thông tin đạo luật, còn người phát ngôn của Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng việc quy định về sử dụng nguồn thủy sản trên biển là hành động bình thường.

Một quan chức hải quân của Philippines nói bộ luật chỉ có hiệu lực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc: “Tôi không biết dự luật sẽ được triển khai thế nào nhưng chỉ có hiệu lực trong vùng 200 hải lý từ đảo Hải Nam thôi (vùng EEZ theo luật).” Theo ông, những phần bên ngoài nếu áp dụng là vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói chính quyền Philippines cũng sẽ áp dụng quy định đối với đánh cá trên vùng EEZ của nước mình.

Báo Global Post hôm 9-1 ở Đài Loan tuyên bố không thừa nhận quy định của tỉnh Hải Nam. Phát ngôn chính quyền Đài Loan mô tả đây là “hành vi đơn phương” và kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, không có những hành động phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang xác minh các thông tin trên, sau đó sẽ có phản ứng.

Theo báo chí Trung Quốc, từ ngày 1-1-2014 tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định về việc “thực hiện Luật ngư nghiệp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Qua đó, người nước ngoài, tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan thuộc Chính phủ Trung Quốc. Đây là quy định được thông qua ở tỉnh Hải Nam hôm 29-11-2013.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here