Trần Đông A – VOA
Sáng 27/9, Google cho suýt soát 16 triệu kết quả trong vòng 0,45 giây về AUKUS. Hiệp ước ra đời được hai hôm, ngày 17/9, trang ‘Chính sách Quốc phòng’ của tờ The Guardian chạy tít lớn: ‘AUKUS Pact là điềm báo cho một ‘Trật tự Toàn cầu mới’ và định danh ngay lập tức: ‘AUKUS Pact là NATO của châu Á’.
Quân sự, kinh tế và công nghệ
Hẳn nhiên quốc gia đầu tiên tức giận là nước Pháp, do hợp đồng tàu ngầm béo bở với Úc trị giá 90 tỷ đô la Úc trước đó bị huỷ bỏ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi đây là “cú đâm sau lưng đồng minh”. Bà Theresa May, cựu Thủ tướng nước Anh tỏ ra lo lắng. Việc công bố AUKUS, theo bà có thể khiến cho Anh quốc bị lôi kéo vào một cuộc chiến vì tương lai của Đài Loan. Còn Trung Quốc đại lục thì khỏi phải nói, nổi đoá suốt từ hôm ấy đến nay và chắc còn nổi đoá dài dài, gọi đây là hành động của những kẻ ‘vô trách nhiệm’. Tờ “Nghiên cứu Quốc tế”* ở Việt Nam cũng góp vào “dàn hợp xướng” bằng bài viết sớm sủa, đầy đặn từ bỉnh bút TS. Hoàng Anh Tuấn, nguyên là Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao. TS. Tuấn đã đúc kết lại 10 nội dung quan trọng nhất từ sự ra đời của liên minh tay ba nói trên.
Tờ Economist đánh giá, AUKUS sẽ làm biến dạng địa hình chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. AUKUS là khuôn khổ hợp tác đa phương mới nhất mà chính quyền Biden đang thúc đẩy trong bối cảnh Mỹ ngày càng cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trong các lĩnh vực từ quân sự, kinh tế đến công nghệ. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hầu như tất cả mọi người đều cho rằng, những diễn biến dẫn đến việc hình thành AUKUS phần lớn là nhằm đối trọng lại chính sách bành trướng của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Nói như cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear, ông tin rằng Trung Quốc là một phần trong sự cân nhắc của “bộ tam” nhưng chắc chắn không phải là toàn bộ sự cân nhắc của họ.
Về khía cạnh kinh tế, AUKUS một thỏa thuận vũ khí, một thương vụ làm ăn lớn, ít nhất tám tàu ngầm hạt nhân cho thấy giá trị hợp đồng lên tới hàng chục tỷ đô la. Nhưng nhìn từ chiều kích chuyển dịch chiến lược, ý nghĩa của AUKUS còn lớn hơn và bao trùm lên tất cả. Hiệp ước là bước đi quyết liệt, nếu như không nói là quyết liệt nhất của Mỹ chống lại những gì mà nước này và các đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Như Stephen Walt của Đại học Harvard nhận xét, “đây là một động thái được thiết kế để ngăn chặn và cản cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong tương lai đối với tham vọng làm bá chủ trong khu vực”.
Với Biển Đông và ASEAN
Nhìn trên bản đồ khu vực, ASEAN nằm ở vị trí địa-chiến lược quan trọng, ngay tại tâm điểm của AUKUS, Bộ tứ (QUAD), cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (FOIP). Do đó, không ngạc nhiên khi ASEAN được nêu đậm nét trong cả 3 cấu trúc an ninh khu vực mới, đặc biệt là trong “QUAD” và “FOIP”. Các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, không muốn chọn phe trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng quyết liệt. Nhưng đa số đều đón đợi sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ, bởi vì nó mang lại sự cân bằng và ổn định trong việc kềm chế Trung Quốc. Sự kết hợp giữa “QUAD” với “AUKUS” sẽ quyết định sự cân bằng quyền lực tương lai trong khu vực. Điều này giúp cho các bên tranh chấp ASEAN có thời gian để phục hồi sau đại dịch Covid-19 và phát triển nền kinh tế của họ. Có thể nói, từ trước tới nay, Mỹ luôn tuyên bố thực hiện hàng loạt các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và tự do hàng không trên Biển Đông. Với AUKUS, đây có thể được coi là một bước tiến vượt bậc trong chính sách của Mỹ về Biển Đông.
Tuy nhiên, liên minh “Bộ Tam” cũng gây ra tranh cãi trên chính trường quốc tế. Một số nước ASEAN bày tỏ lo ngại về khả năng an ninh khu vực bị xáo trộn. Mặt khác, một số luồng ý kiến cũng lo ngại về cam kết của các nước trong AUKUS đối với những khuôn khổ hợp tác khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà ASEAN được cho đóng vai trò quan trọng. Trong thông cáo phát ngày 21/9, Đại sứ Úc tại ASEAN Will Nankervis trấn an khu vực, khẳng định Úc ủng hộ một khu vực thịnh vượng, bao trùm và cởi mở, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.”Cam kết của chúng tôi đối với vai trò trung tâm của ASEAN vẫn kiên định hơn bao giờ hết sau thông báo về việc thành lập quan hệ đối tác an ninh tăng cường giữa Úc, Vương quốc Anh và Mỹ – AUKUS, thỏa thuận cho phép chúng tôi chia sẻ công nghệ và năng lực tốt hơn. Đây không phải là một hiệp ước hay liên minh quốc phòng“, ông viết.
Với thể chế đa phương mới, AUKUS có thể góp phần tạo thế cân bằng mạnh mẽ hơn nữa trên Biển Đông để ngăn chặn tình trạng một thành viên nào của ASEAN có thể “bán đứng” COC cho Trung Quốc. AUKUS cũng sẽ tăng cường độ thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp của Bắc Kinh tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép. Các hoạt động FONOP, hay bay qua các vùng biển quốc tế trên cơ sở tuân thủ Luật quốc tế và Công ước UNCLOS-1982 sẽ là sự hỗ trợ tích cực đối với cuộc đấu tranh của các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về biển đảo. Xem vậy để thấy ASEAN không nên vội vã phản đối sự ra đời của tập hợp “Bộ Tam”. Như Đại sứ David Shear lập luận: “Thỏa thuận về liên minh ba bên tốt cho khu vực. Khu vực cần sự hợp tác mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Vương quốc Anh để tiếp tục ổn định, để các nước Đông Nam Á duy trì nền độc lập của họ. Như vậy, liên minh AUKUS tốt cho Đông Nam Á, tốt cho khối ASEAN, không khác gì việc nó tốt cho Mỹ và Úc.
Việt Nam: Toa tàu hay chiếc thuyền thúng?
Một Hiệp ước mà Mỹ và hai đồng minh “ruột” bí mật chuẩn bị trong vòng 18 tháng và dự định sẽ triển khai trong vòng vài thập kỷ tới thì Việt Nam tiếp tục có giá về mặt địa-chính trị, nếu như Hà Nội xác định được chỗ đứng của mình liên quan đến cấu trúc AUKUS. Đã đến lúc Việt Nam nên có tầm nhìn xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc, chọn bạn mà chơi, không nên giữ lập trường “em chã” như hiện nay đối với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 23/9, khi được phóng viên hỏi về sự ra đời của AUKUS, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến của tình hình trong khu vực. Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Các nước cần có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này”.
Lập trường của Bộ Ngoại giao quá trung tính. Khác xa với tầm nhìn của ngay giới nghiên cứu ở trong nước. Có lần, báo chí đã nêu câu hỏi về khả năng hình thành liên minh “NATO ở Đông Nam Á” và vai trò của Việt Nam trong liên minh ấy. Thiếu tướng Công an Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, thuộc Tổng cục Tình báo – đã phát biểu, vấn đề không phải là có nên tham gia hay là không, mà vấn đề là Việt Nam cần chủ động thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực, vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng ta lâu nay còn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ cân đong đo đếm có tham gia hay là không. Theo ông Cục trưởng, việc hình thành các hiệp ước, khối an ninh hay thỏa thuận quân sự có tính đa phương và ràng buộc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia. Nếu nhìn vào lịch sử thì sự ra đời của NATO hay một số tổ chức an ninh, quân sự đa phương đều có những lý do để kiểm soát tình hình ở những điểm nóng.
Cách tiếp cận của ông Cục trưởng hoàn toàn phù hợp với tính thời cơ trong các mối liên hệ giữa Mỹ với Việt Nam. Sự ra đời của AUKUS giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn động lực đằng sau các chiến dịch “ngoại giao con thoi” của chính quyền Biden đối với Việt Nam từ đầu mùa hè đến nay. Washington muốn dành cho Hà Nội và Singapore một cơ hội để tiếp cận với “sự chuyển dịch địa tầng” do tập hợp “Bộ Tam” mang lại. Tiếc rằng, Việt Nam lại lỡ cơ hội một lần nữa. Từ chối việc nâng cấp “quan hệ đối tác toàn diện” lên “quan hệ đối tác chiến lược”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cảm nhận ngay được “hiệu ứng mất đà” trong bang giao song phương. Đã không có bất cứ một cuộc tiếp xúc cấp cao nào ở DC, mặc dù Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã vận “nội công” mức cao nhất để lobby một cuộc gặp như vậy.
Cho đến bây giờ, chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong đầu đề bài báo của nhà báo “lão thành” David Brown. Chuyến công du “bí ẩn và diệu kỳ” của bà Kamalas Harris có sứ mệnh báo cho Hà Nội biết, chính sách can dự vào châu Á không đáng tin cậy của chính quyền Trump đã kết thúc với việc Joe Biden được bầu làm Tổng thống. Bà Harris tái khẳng định thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Austin đưa ra trong chuyến dừng chân ngắn ngủi ở Hà Nội trước đó. Washington muốn Hà Nội hiểu rằng, Hoa Kỳ có ý định trở thành một đối tác đáng tin cậy trong toàn bộ các cam kết song phương của mình. Một số nội dung của thông điệp sẽ xuất hiện nay mai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hà nội dường như đã không nắm bắt được thông điệp ấy.
Nhưng kịch bản xấu nhất vẫn còn ở phía trước. Ngày 25/9 mới đây, báo chí Mỹ đã củng cố các tin tức chồng chéo và phức tạp nhưng theo hướng “Joe Biden và Trung Quốc đang trên một tiến trình dẫn tới thông đồng và thoả hiệp”. Mẩu tin trích dẫn, nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam vẫn chung chiêng như một câu hỏi trong bài viết trên RFA, thật không khỏi giật mình: “Khước từ nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam ngả về hướng nào?” Hỏi là trả lời: Trên thực tế, sự cân bằng của Việt Nam chỉ thể hiện trên lời nói, còn thật sự, Việt Nam đang nghiêng về phía Trung Quốc. Liệu “Ngoại giao con tin” trong vụ trả tự do cho “công chúa” Huawei những ngày này có lặp lại quỹ đạo “Ngoại giao bóng bàn” cách đây 40 năm có lẻ? Và điều gì sẽ xẩy ra nếu Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt tay nhau sớm hơn dự kiến? Lúc bấy giờ Mỹ có còn tha thiết cử Phó Tổng thống Harris sang Hà Nội lần thứ hai để thuyết phục Việt Nam nâng cấp quan hệ? Cơ hội để Việt Nam trở thành một “toa tàu” trong đoàn tàu khu vực dường như xa dần. Trong khi hình ảnh người nông dân loay hoay với chiếc thuyền thúng trên Indo-Pacific trông thật cám cảnh.