Về quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với doanh nghiệp nước ngoài trong dịch bệnh

Covid-19: Dồn dập thư doanh nghiệp gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính
- Quảng Cáo -

Nguyễn Vũ Bình – RFA

Trong buổi họp trực tuyến với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào ngày 17/9/2021 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu như sau: “…Cái nhà doanh nghiệp Hàn Quốc người ta cứ nói là bây giờ chính phủ phải thế này phải thế kia, lo cho chúng tôi phải sản xuất an toàn, nếu không có thì chúng tôi rút đi”. “Tôi nói luôn, lợi ích thì hài hòa mà rủi ro thì chia sẻ. Lúc mà các anh có lợi ích các anh có đi không, cái lúc anh có lợi nhuận thì các anh không nói, thì bây giờ có rủi ro các anh phải chia sẻ”. Sự an toàn của nhà máy không thể từ trên trời rơi xuống được mà phải có sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, chính quyền, công nhân và người dân, chứ không phải ông cứ đến ông đề nghị chính quyền phải làm thế này chính quyền phải làm thế kia, còn không là tôi đi”.

Đã có nhiều người phân tích và phê phán quan điểm của ông Thủ tướng Việt Nam, liên quan tới những nhận thức về tính chất và mục đích của doanh nghiệp, về chức năng mà chính phủ phải đảm nhận, sự thiếu tế nhị của một thủ tướng với doanh nghiệp nước ngoài… Ở đây người viết đi vào phân tích nội dung thực chất những đòi hỏi của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có chia sẻ rủi ro hay chưa, và cuối cùng là điều gì ở đằng sau phát biểu của ông thủ tướng?

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng thường là các tập đoàn lớn. Khi dịch bệnh xảy ra, bùng phát, họ biết người dân và đất nước nơi họ đầu tư có nhiều khó khăn. Đối với Việt Nam, vào năm dịch bệnh thứ nhất, số người nhiễm và mắc bệnh không nhiều. Nhưng ở Trung Quốc, nơi cung cấp nguồn nguyên, nhiên vật liệu và các nước Âu Mỹ đã trải qua dịch bệnh khốc liệt, với số ca nhiễm và chết người rất lớn. Chính vì vậy mà ảnh hưởng về sản xuất ở Việt Nam tuy không lớn, nhưng ảnh hưởng về nguồn nguyên liệu và các đơn hàng từ Trung Quốc và châu Âu, Mỹ rất lớn. Quá trình sản xuất và vận hành doanh nghiệp của họ đã gặp phải khó khăn. Sang năm thứ hai của dịch bệnh, Trung Quốc và các nước Âu, Mỹ tạm lắng dịu dịch bệnh ổn định dần trở lại, thì Việt Nam lại bùng phát dịch bệnh ghê gớm. Quá trình sản xuất của các doanh nghiệp gặp phải khó khăn rất lớn. Quan sát quá trình chống dịch của Việt Nam, với các biện pháp rất cực đoan và khốc liệt, ngoài việc thiệt hại về nhân mạng cho người dân nước sở tại, còn là sự ách tắc toàn diện trong việc sử dụng nguồn lao động, tới việc lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa gây đứt gãy chuỗi cung ứng cho quá trình sản xuất, vận hành của doanh nghiệp. Chính vì vậy, những đòi hỏi của các doanh nghiệp không gì khác ngoài việc yêu cầu nhà nước Việt Nam nhanh chóng bảo đảm những điều kiện bình thường để doanh nghiệp sản xuất, vận hành. Đó cũng chính là cách chống dịch hợp lý trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm chống dịch của các nước, hủy bỏ những biện pháp cực đoan, khốc liệt trước đây. Tuy nhiên, qua phát biểu của ông Phạm Minh Chính thì dường như nó đã trở thành những đòi hỏi quá đáng, thiếu sự thông cảm.

- Quảng Cáo -

Gần hai năm dịch bệnh, với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa, các doanh nghiệp chắc chắn đã chịu những thiệt hại không nhỏ. Nhưng họ vẫn cùng người dân và đất nước Việt Nam vật lộn với dịch bệnh. Ngoài những thiệt hại này, họ còn tham gia đóng góp vào quỹ Vắc xin của nhà nước Việt Nam, theo một sự kêu gọi hàm chứa những đe dọa của các chính quyền địa phương. Như vậy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã rất hiểu biết, cảm thông và chia sẻ với nhân dân và đất nước Việt Nam, mà đại diện là chính phủ của ông Phạm Minh Chính. Đến nay, các doanh nghiệp vẫn ở Việt Nam và chưa rời đi, đồng thời còn đóng góp vào quá trình chống dịch chung của Việt Nam. Không thể nói là họ không chia sẻ các rủi ro được.

Cuối cùng, điều gì ẩn chứa đằng sau phát biểu của ông Thủ tướng Việt Nam? Với nhận thức và phát biểu của ông thủ tướng, rất khó có một sự xem xét toàn diện phương thức chống dịch của Việt Nam. Đây là điều khiến giới đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lo ngại nhất. Không có sự nhìn nhận lại toàn diện phương thức chống dịch, sẽ không có những thay đổi cốt tử bảo đảm cho việc sử dụng lao động trơn tru, thuận lợi, không có những sự vận hành thông suốt nguyên vật liệu, hàng hóa cho quá trình sản xuất, vận hành của doanh nghiệp… và như vậy, những điều kiện bình thường để doanh nghiệp hoạt động rất khó được thiết lập trở lại. Các doanh nghiệp không quản ngại khó khăn, không ngại chia sẻ cũng như không vì tự ái những phát biểu của ông thủ tướng mà bỏ đi. Nhưng hai năm dịch bệnh sắp qua đi mà điều kiện để trở lại sản xuất, vận hành doanh nghiệp bình thường không có được thì khó có doanh nghiệp nào dám trụ lại, cũng như khó có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực để trụ lại trong một môi trường như vậy. Họ hầu như không còn sự lựa chọn./.

Hà Nội, ngày 24/9/2021

N.V.B

- Quảng Cáo -