Trên 100 ngàn cử nhân ra trường không tìm được việc
Tại một cuộc họp diễn ra ở Sài Gòn sáng ngày 22 tháng 1, 2014, Ông Mạc Văn Tiến, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học Dạy Nghề thuộc Tổng Cục Dạy Nghề, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN cho biết, gần 50% trong số 1 triệu người bị thất nghiệp trong năm 2013 thuộc độ tuổi lao động, từ 16 đến 24, trong đó có xấp xỉ 100.000 là người tốt nghiệp đại học.
Một số chuyên viên tham dự cuộc họp cho rằng, việc hướng nghiệp được đặt ra ở các trường trung học, giao trách nhiệm cho các thầy cô giáo, nhằm giúp học sinh theo học các ngành, nghề có thể tìm được việc làm sau này. Các chuyên viên này nói rằng, vì các nhà giáo hướng nghiệp không được đào tạo bài bản, cũng không có kinh nghiệm nên không làm tốt phận sự của mình. Vì vậy, học sinh tiếp tục giẫm vào vết xe đổ: học thì cứ học, thất nghiệp vẫn cứ thất nghiệp dài dài…
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Lộc, cựu phó viện trưởng Viện Khoa Học Giáo Dục của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN cho rằng, Việt Nam vẫn còn đang loay hoay với việc hướng nghiệp cho học sinh.
Ông Nguyễn Lộc khuyến cáo nhà cầm quyền CSVN thành lập một ban chỉ đạo hướng nghiệp từ trung ương đến địa phương. Ông này cho rằng, việc hướng nghiệp học sinh trung học hiện nay thiếu khoa học, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực.
Phó giám đốc Sở Giáo Dục Sài Gòn cho hay, đang soạn thảo dự án hướng nghiệp học sinh cấp trung học cơ sở. Theo dự án này, học sinh vừa xong lớp 9, có thể theo học các trường dạy nghề để lấy bằng cao đẳng trong vòng 5 năm sau.
Dù tốn nhiều giấy mực để nói về vấn đề dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh, dư luận vẫn lo rằng, tương lai không mấy sáng sủa cho lớp học sinh tốt nghiệp trung học và đại học tại Việt Nam sẽ còn kéo dài.
Nạn nhân thứ 3 chết trong tay công an đầu năm 2014
Dù chưa hết Tháng Giêng năm 2014, nhưng đã có 3 nạn nhân bị chết trong tay công an CSVN.
Nạn nhân mới nhất là ông Nguyễn Văn Hải, 44 tuổi, đã bị công an huyện Thanh Hà, Hải Dương bắt giam chiều ngày 17/1/2014 điều tra về “tàng trữ chất ma túy”.
Báo Kiến Thức thuật lời ông Lê Minh Hoàn, phó trưởng công an huyện cho biết ngày 20/1,điều tra viên đã dẫn ông Hải từ nhà giam giữ lên tầng 2 phòng điều tra ma túy để lập danh chỉ bảng với mục đích làm hồ sơ khởi tố. Sau đó, anh Hải xin đi vệ sinh. Lúc ra khỏi cửa nhà vệ sinh khoảng 2,5m thì ông Hải đã lao xuống sân bê tông và bị thương ở vùng mặt.
Ông Hoàn được tờ Kiến Thức thuật tiếp lời là “Ngay sau đó, công an huyện đã đưa đi cấp cứu, đến bệnh viện thì kíp trực làm một số thủ thuật để cứu chữa nhưng ông Hải đã tử vong. Công an huyện với chức năng đã báo cáo lên công an tỉnh. Công an tỉnh cử đoàn công tác thành lập đầy đủ hội đồng và khám nghiệm theo đúng pháp luật”. Điều đáng nói, gia đình nạn nhân chỉ được thông báo qua điện thoại là người nhà của mình đã chết. Khi làm “khám nghiệm pháp y” thì họ không được chứng kiến thi hài trước khi mổ. Sự vội vã này là chủ ý của công an huyện Thanh Hà muốn đưa ra một bản báo cáo pháp y dối trá theo ý mình để che đậy tội tra tấn chết người.
Ông Cao Ngọc Lan, phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương nói với báo chí là “cơ quan chức năng kết luận ông Hải tử vong do nhảy lầu tự tử”.
Tuy nhiên theo báo Kiến Thức thuật lời anh Phạm Thế Vương, 26 tuổi, con trai ông Hải cho biết: “Vào hồi 9h30 ngày 18/1, tôi nhận được cuộc gọi của một cán bộ công an huyện Thanh Hà nói là bố tôi bị bắt, bảo gia đình mang quần áo và đồ ăn vào. Khi tôi đến gặp bố tại trụ sở công an huyện thì thấy bố tôi mặt mũi đã sưng bầm tím, ngực và sau lưng sưng tấy và bố tôi nói với tôi là bị đánh.”
Hàng chục người gồm thân nhân của nạn nhân và những người hàng xóm đã kéo đến trụ sở Công an huyện Thanh Hà đòi hỏi điều tra nguyên nhân đúng của cái chết. Họ không tin ông Hải chết vì “nhảy lầu tự tử”. Vì bất cứ nghi can nào vào tay Công an, khi bị giam giữ, không bao giờ người ta được thả cho lơi lỏng một giây phút.
Dù nhà cầm quyền CSVN ký tên vào Công Ước Chống Tra Tấn, nhưng sự hung bạo tàn ác của công an có dấu hiệu còn tệ hại hơn. Số người chết trong tay công an hai tháng qua nhiều hẳn lên và nguyên nhân cái chết đều có những dấu hiệu của nhục hình. Tuy nhiên, không thấy có cá nhân Công an nào bị điều tra và truy tố.
Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần
Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu lãnh tụ sinh viên từng bị kết án tử hình thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân, vừa từ trần vào tối ngày 22.1.2014 tại Sài Gòn, thọ 70 tuổi.
Luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ông cũng đã từng phê phán nhà cầm quyền CSVN là vi phạm nhân quyền khi trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh .
Ông là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.
Trong bài viết ngày 12.8.2013 với nhan đề: „Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh“ ông nhận định « chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết », « đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh ». Ông còn mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, « vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này ». Ông cho rằng « một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị ».
Vào ngày 04/12/2013 ông Lê Hiếu Đằng ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Là đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983), ông nhận định, đảng Cộng sản « đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc ».
Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng hiện đang được quàn tại chùa Xá Lợi, quận 3 Sài Gòn. Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng.