Trong 27 thành viên chính phủ mới được thông qua, chỉ có 5 người từ miền Nam và chức vụ mà họ nắm giữ cũng chẳng quan trọng.
Chức vụ quan trọng nhất thuộc về ông Lê Minh Khái, Phó thủ tướng, quê quán Bạc Liêu. Nhưng chức vụ phó thủ tướng có tới 4 ông mà ông Khái chỉ là một. Ông Khái phụ trách chỉ đạo thị trường tiền tệ, chứng khoán vì ông có bằng thạc sỹ kinh tế.
Bốn ông bộ trưởng miền Nam còn lại là các ông:
Lê Minh Hoan, phụ trách Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Nguyễn Văn Thể, phụ trách Bộ Giao thông Vận tải;
Nguyễn Thanh Nghị, phụ trách Bộ Xây dựng;
Huỳnh Thành Đạt, phụ trách Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điểm chung là cả năm ông này phụ trách bốn bộ rất ít có ảnh hưởng. Bốn bộ không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng, ngoại giao, hay ít nhất là giáo dục, vốn là những lĩnh vực quan trọng vốn ảnh hưởng đến vận mệnh hay sự thay đổi cốt lõi của đất nước.
Như vậy, rõ ràng là quyền lực chính trị chủ yếu thuộc về miền Bắc, tức phía ngoài vĩ tuyến 17. Nhưng quyền lực cũng không phân bổ đều, mà chỉ tập trung vào khu vực Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.
Miền Nam, tính từ vĩ tuyến 17 trở xuống, có một tỉ lệ dân số chiếm một nửa đất nước và gồm những tỉnh giàu mạnh, đóng góp hơn một nửa ngân sách quốc gia, đáng lý ra phải có một sự đại diện đáng kể trong chính phủ. Ít nhất họ phải có một nửa bộ trưởng trong chính phủ đương nhiệm. Đó mới gọi là công bằng — đúng như tiêu đề “công bằng – dân chủ – văn minh” mà đảng Cộng sản hay xiển dương.
***
Ở trên là sự phân bố chức vụ ở nước độc tài cộng sản. Vậy còn ở một nước dân chủ thì họ phân bố quyền lực thế nào?
Hãy xem nước Đức, một nước rất đa dạng, cũng có lịch sử chính trị xung đột, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa Tây Đức dân chủ và Đông Đức cộng sản.
Giới ưu tú nước này đã chủ động thực hiện việc hoà giải xung khắc đất nước thông qua các chính sách phân bổ công chức đồng đều cho tất cả các bang trên toàn quốc.
Điều 36 trong Hiến pháp Đức ghi rõ rằng công chức làm việc cho chính quyền liên bang ở cấp cao nhất phải được tuyển từ tất cả các Bang theo tỉ lệ thích hợp.
Người Đức với chế độ dân chủ họ ý thức rằng sự đa dạng là cần thiết nhằm tránh xung đột, tránh phân biệt, và từ đó mới tránh được việc bất hoà bên trong quốc gia, khiến quốc gia suy yếu vì thiếu đoàn kết. Sự đa dạng còn giúp họ mạnh hơn vì nó tận dụng được ưu thế của người từ các miền khác nhau.
Còn những lãnh đạo cộng sản hiện nay thì họ đặt quyền lợi của phe đảng, bè phái, vùng miền, lên trên lợi ích của dân tộc cho nên chừng nào còn chế độ độc tài thì chừng đó người miền Nam chắc chắn sẽ còn là những công dân hạng hai.
Có bạn đọc tới đây sẽ bảo tôi phân biệt vùng miền. Thưa bạn, không đâu. Tôi không có quyền lực gì cả để thể hiện sự phân biệt vùng miền. Mà sự phân biệt vùng miền đó được thể hiện qua cách làm của những người cầm quyền, mà tôi chỉ là người tường thuật một sự thật. Và sự thật là có sự phân biệt vùng miền một cách có hệ thống từ những người cầm quyền của đảng cộng sản đối với người miền Nam.
Người miền Nam, và những người ở các vùng khác của miền Bắc, do đó muốn có một sự đối xử công bằng, tất phải đòi hỏi một chế độ dân chủ. Và lúc đó, việc phân bổ quyền lực và cơ hội, cũng như là quyền phụng sự quốc gia, phải được chia đều cho tất cả người từ khắp các vùng miền của quốc gia từ Bắc xuống Nam./.
Nguyễn Huy Vũ