Vào ngày đầu năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng, ở vai trò thủ tướng nhà nước CHXHCNVN, đã đọc một bản thông điệp với những ý tưởng đáng kinh ngạc.
Thực ra lúc khởi đầu, người nghe đã thấy chán ngay khi miệng ông Dũng lại vang lên những câu phán bất chấp thực tế và lý lẽ.
Nào là: “Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ…”
Rồi cả lời mô tả một đảng mà không ai nhận ra: “Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Và các câu phán ngược hẳn với bản Hiến Pháp mới tinh vừa tái khẳng định kiểu nhà nước XHCN độc quyền của đảng. Ông bảo: “Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân.”
Nhưng chính trên bức tranh nền vẽ đầy những câu nói “bất cần trí óc người nghe” đó mà người ta kinh ngạc khi ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chắc nịch một nguyên tắc tuyệt vời của các chế độ dân chủ khác, đó là: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”
Lập tức, có người đưa sáng kiến rất hay là hãy ghi nhớ các lời nói này để đầu năm 2015 đối chiếu lại xem trí nhớ Thủ Tướng có còn không hay lại chỉ như lời hứa “không dẹp được tham nhũng sẽ từ chức” thuở nào.
Nhưng cũng có người bảo chờ đến sang năm lâu quá và kiểu chờ như thế cũng đúng là điều ông thủ tướng mong muốn. Một năm đủ dài để “lời nói gió bay”. Tại sao không thử nghiệm ngay các tuyên bố quá hùng dũng của Thủ Tướng vì chúng ta đang có nhiều cơ hội trước mặt?
1. Hãy kéo nhau đi biểu tình bày tỏ lòng yêu nước chống xâm lược, đặc biệt nhân dịp tưởng niệm 40 năm các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ đất nước tại Hoàng Sa 1974. Sau đó đến tháng 2 đi biểu tình tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 – 1989. Và đến tháng 3 lại biểu tình tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ Trường Sa.
Nếu lần này công an vẫn đánh, bắt người dân với lý cớ “vì chưa có luật biểu tình” thì họ hoàn toàn ngụy biện, sai trái, và Thủ tướng Dũng có trách nhiệm trừng phạt những kẻ sai phạm đó. Vì chính miệng ông Dũng đã tuyên bố như đinh đóng cột trước cả nước là “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Hiện giờ trong toàn bộ Hiến Pháp và luật pháp của Việt Nam không có chỗ nào ghi là cấm biểu tình cả. Hơn thế nữa, Điều 25 Hiến Pháp vừa được thông qua năm 2013 còn viết như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
Người dân chỉ cần biểu tình trong trật tự, không vi phạm luật lệ giao thông, là đủ. Thử xem ông thủ tướng phản ứng thế nào. Liệu trí nhớ và giá trị lời nói của ông có dài tới 3 tuần không?
2. Hãy kiện ngay những tên côn an đang xách nhiễu, bắt cóc, giam cầm người tùy tiện không cần lệnh bắt giữ. Hãy kiện ngay những tờ báo do các cơ quan nhà nước chủ quản về tội kết án và lăng mạ dân bất cần tòa án. Ông Thủ tướng đã nói: “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Rõ ràng không có luật lệ nào cho phép cơ quan và cán bộ, công chức làm các hành vi kể trên và ông Dũng trong vai trò đứng đầu nhà nước có trách nhiệm phải ngăn chận và truy tố những kẻ sai phạm.
Do đó, lần này các đơn kiện cần được công bố trước công luận, gởi cho các nơi nhận đơn kiện như luật định, nhưng quan trọng hơn nữa là gởi thẳng đến văn phòng thủ tướng với đầy đủ biên nhận bưu điện.
Nếu thủ tướng im lặng thì người dân biết ngay giá trị lời nói và danh dự của “chàng” thôi.
3. Hãy cùng kéo nhau lên mạng tuyên bố ngay các nghị quyết đầy tính hăm dọa và chủ trương xiềng xích các sinh hoạt trên mạng Internet là sai trái, vi hiến, và phải rút lại ngay lại. Lý do rất đơn giản là vì đúng như lời ông Dũng tuyên bố: mọi cán bộ, công chức, bao gồm cả vị trí thủ tướng, không được vi phạm các quyền đã ghi rõ trong Hiến Pháp. Không có luật pháp nào qui định luật trừ – cho phép thủ tướng đạp lên Hiến Pháp
Vì thế chưa cần nói gì đến chuyện thay đổi cơ chế, chỉ cần thực hành đúng những gì đang có trong bản Hiến Pháp mới toanh đây thôi. Liệu ông Dũng dám không?
Ngày tưởng niệm 40 năm các anh hùng dân tộc đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa 19/1/2014 đang tới. Mời bà con cùng thực thi quyền của mình và làm thử nghiệm đầu tiên.
Tuy chỉ vừa mới biết để đọc được bài viết “Hãy Thử Nghiệm Ngay Lời Thủ Tướng” của tác giả Hoàng Trường trên Radio Chân Trời Mới, nhưng phải nhận là quá hay. Cảm ơn tác giả. Những lời đề nghị của tác giả cứ khiến tôi phải bật cười thú vị. Có điều chỉ cười chứ không muốn làm theo những lời đề nghị vì biết rằng rất vô ích. Cái ông Thủ Tướng “năng thuyết bất năng hành” kia là một người CS tận xương cốt thì câu nói để đời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong trường hợp này lại càng là lời khuyên chính xác nhất: “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm!”