Nguyễn Nam –(VNTB) – Hiện tại thì các ứng viên hẹn rằng nếu họ trúng cử, họ hứa sẽ thực hiện bằng được các cam kết như… vừa hứa trước đại diện cử tri.
Bà Nguyễn Thị Nga, trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu trên bục hôm tiếp xúc cử tri xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn hồi trung tuần tháng 5-2021, rằng bà đã ghi nhận đầy đủ ý kiến của cử tri và cho rằng các ý kiến mà cử tri nêu lên đều rất xác đáng.
“Cử tri còn quan tâm, ủng hộ thì mới nói lên tiếng nói của mình và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến các ứng viên đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ các tâm tư, nguyện vọng của cử tri nên trong thời gian tới, ứng cử viên nào trúng cử sẽ chuyển tải các vấn đề cử tri nêu lên Hội đồng nhân dân Thành phố, đồng thời, tiếp tục đeo bám, đôn đốc, theo dõi để giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của cử tri, cũng như sẽ tiến cử các giải pháp, các kế sách mà cử tri nêu để Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét thực hiện”, bà Nga cam kết.
Cũng theo bà Nga, việc đeo bám, đôn đốc giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của cử tri, người lao động cũng chính là một trong những mục tiêu chính đã được bà đề ra trong chương trình hành động của mình khi ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X.
Thật ra ở đây các đại diện cử tri không hề đưa ra yêu cầu gì ‘đao to búa lớn’ cần phải tới mức phải ‘đeo bám, đôn đốc’, mà đó là những việc hoàn toàn là phần việc đương nhiên của nhà chức trách, như quy hoạch đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân và thái độ ứng xử của đội ngũ nhân viên y tế…
Tất cả những yêu cầu của cử tri đều nằm trong điều chỉnh của luật pháp tương ứng, như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám chữa bệnh, Luật Viên chức, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…
Nếu như với hành lang pháp luật khá chặt chẽ đến như vậy mà trong thực thi phải cần đến sự ‘đeo bám’, ‘đôn đốc’ hóa ra khác nào đúng như nhận xét lúc sinh tiền của bà luật sư Ngô Bá Thành, “Ở Việt Nam có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng” – ý bà muốn nói về sự phức tạp và tính tuân thủ kém của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bà Ngô Bá Thành (1931 – 2004) tốt nghiệp tiến sĩ luật Đại học Paris và Barcelona; phó tiến sĩ luật đối chiếu Đại học Columbia, New York; phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, X…
Nhận xét với kiểu chơi chữ về ‘rừng luật – luật rừng’ của bà Ngô Bá Thành coi như là đúc kết ngắn gọn, dễ hiểu nhất về thời gian mà bà hoạt động trên chính trường.
Bà Ngô Bá Thành đã rất đúng khi ai cũng thấy ghi rành rành trong Hiến pháp 2013 là “Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, ghi tại Điều 4.2, nhưng mãi đến nay trách nhiệm ấy cụ thể ra sao thì không ai rõ. Bởi, một nền luật pháp mà quan tòa khi xét xử phải nói “tôi chịu nhiều áp lực”, thì đó là một nền luật pháp không minh bạch.
Một nền luật pháp mà người dân luôn nơm nớp lo sợ không biết mình đang làm đúng hay sai là một nền luật pháp yếu kém. Thay đổi điều đó không quá khó, nhưng cần tâm và tầm – nói theo Điều 4, Hiến pháp, điều đó tùy thuộc người đứng đầu Đảng.
Liệu có ông, bà nghị nào dám hứa với cử tri là sẽ ‘đeo bám’ để Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm đúng như những gì ghi ở Hiến pháp?
N.N.