Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông lại lỗi hẹn lần thứ 9

Share on print Đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang nằm ga "chờ ngày khai thác thương mại." Ảnh: Báo Lao Động
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Việt Nam trong thời gian qua, khi nói tới công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông người dân gọi mỉa mai đó là “công trình thế kỷ,” một biểu tượng của sự trễ hẹn, hay một hình ảnh độc đáo của tình hữu nghị Việt -Trung.

Nếu tính từ năm 2011 là năm mà nhà thầu Trung Quốc bắt đầu thi công công trình đường sắt này thì đến năm nay, nó đã trải qua 10 năm xây dựng. Đây là một khoảng thời gian khá dài so với chiều dài 13,5 km của tuyến đường từ Hà Nội về Hà Đông. Còn so với số tiền đã bỏ ra, các viên chức cao cấp của chính phủ càng làm nổi bật sự tiêu tiền hoang phí của mình.

Việc thi công cũng đạt một thành tích hiếm có là đã trải qua 3 đời bộ trưởng Giao Thông Vận Tải: Đinh La Thăng, Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Văn Thể. Đáng lẽ công trình được đưa vào khai thác thương mại vào năm 2015 theo dự kiến của lãnh đạo Hà Nội nhưng bất thành, và việc xây dựng tiếp tục kéo dài từ năm này sang năm khác trong sự im lặng của chính quyền cộng sản.

- Quảng Cáo -

Nhiều cuộc hứa hẹn đã diễn ra kể cả một lần vận hành thử nghiệm năm 2018, Cát Linh  – Hà Đông vẫn lỗi hẹn và gần như trở thành đường sắt treo trên đầu thủ đô Hà Nội để thách thức lòng kiên nhẫn của người dân. Sau đợt kiểm tra của công ty tư vấn Pháp (ACT) vào ngày 28 tháng Tư, 2021 vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải hớn hở thông báo đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã được cấp giấy chứng nhận an toàn, sẽ ra mắt công chúng và đưa vào khai thác thương mại từ ngày 1 tháng Năm. Nhưng 2 ngày sau, bộ này lại cho biết chưa thể vận hành đúng ngày và mong nhân dân “thông cảm!” Đây là lần đầu tiên mà người dân, “người làm chủ tập thể” được nhà nước xin thông cảm vì những việc làm đầu voi đuôi chuột của mình.

Cũng cần nhắc lại, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có mức đầu tư ban đầu là 8,7 ngàn tỷ VND tương đương 552,86 triệu USD, trong đó có 400 triệu là vay của ngân hàng Trung Quốc dưới hình thức ODA. Sau nhiều lần điều chỉnh, cuối cùng mức đầu tư tăng tới hơn 868 triệu USD, phần vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD. Tổng thầu (EPC) được phía Việt Nam giao cho Tập Đoàn Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc với thỏa thuận tất cả 13 đoàn tàu và thiết bị liên quan đều mua từ Trung Quốc. Sự ràng buộc này cho thấy việc thực hiện đường sắt này hoàn toàn nằm trong tay tổng thầu và Cục Đường Sắt cũng như Bộ GTVT đã vui vẻ đâm đầu vào bẫy nợ của Trung Quốc để chịu sự khống chế.

Đường sắt này cũng đánh dấu sự kéo dài qua 3 nhiệm kỳ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2011 (đại hội XI), đến năm 2016 (đại hội XII) và năm 2021 (đại hội XIII). Đến nay, chưa giới chức nào trong chính quyền dám xác định ngày đoàn tàu lăn bánh. Dĩ nhiên vì lý do an toàn công cộng mà đường sắt chưa đáp ứng được nên chưa thể vận hành thì mọi người đều hiểu an toàn cho người sử dụng là số 1. Nếu có trễ vài năm nữa cũng chẳng sao, vì người ta không đi đường sắt thì đi xe gắn máy cũng tốt. Bởi lẽ trong suốt 10 năm qua, người ta chỉ ngắm “đường cong mềm mại” của Cát Linh – Hà Đông để lên tinh thần, với niềm hy vọng một ngày nào đó Hà Nội có con đường sắt uốn lượn trên bầu trời, xứng đáng là một thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên vấn đề của “công trình thế kỷ” này đặt ra 3 câu hỏi:

Thứ nhất, tại sao một công trình xây dựng suốt 10 năm, liên tục trễ hẹn, đội vốn nhiều lần mà chính phủ không chính thức xử phạt công ty xây dựng Trung Quốc theo đúng hợp đồng ký kết giữa hai chính phủ? Hà Nội sợ điều gì đến nỗi phải nhiều lần chịu sự bắt chẹt của tổng thầu Trung Quốc?

Thứ hai, ai sẽ là người phải trả tiền lời của việc vay vốn ODA từ Trung Quốc nay lên gần đến 700 triệu USD. Trong khi đó đường sắt Cát Linh – Hà Đông nếu khai thác được, liệu có tạo ra được đủ tiền để trả nợ vốn lẫn lời. Hay lại lỗ chổng cẳng vì không có người dân nào dám đem thân mình ra làm vật thử nghiệm an toàn cho công trình của chuyên viên Trung Quốc.

Thứ ba, những cán bộ thuộc Cục Đường Sắt Việt Nam và Ban Quản Lý Đường Sắt Đô Thị Hà Nội có bị tội “làm thất thoát tài sản nhà nước” như trong các vụ đốt lò của ông Trọng đang phanh phui hay không? Vì xét ra, nếu không có sự a tòng của cán bộ nhà nước, tổng thầu Trung Quốc cũng khó tung hoành trong việc nâng giá công trình vô tội vạ, buộc Việt Nam phải tiếp tục làm con nợ của ngân hàng Trung Quốc.

Ba câu hỏi này rất cần được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ và trả lời trước người dân. Ông không thể đánh bài lờ như trong suốt 10 năm qua, vì chính ông cũng có phần trách nhiệm rất lớn trong việc để cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tục chậm trễ và đội vốn. Lý do, nếu ông không dựa quá nhiều vào đàn anh Trung Quốc bất chấp thiệt hại cho đất nước thì đâu ra nông nỗi này!

Ông Nguyễn Đình Cống, giáo sư chủ nhiệm khoa của trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội đã về hưu, nhận định như sau về công trình thế kỷ này: “Dự án Cát Linh – Hà Đông chứa đựng nhiều gian dối, lừa lọc, tham nhũng đúng như lời đại sứ Trung Quốc nói với ông Vương Đình Huệ rằng nó tiêu biểu cho tình hữu nghị Trung – Việt, một quan hệ đầy rẫy gian dối, lừa lọc của Trung Quốc và sự khuất phục, lệ thuộc của Việt Nam. Dự án này cũng làm thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng đem lại lợi nhuận rất lớn cho chủ thầu Trung Quốc, đem đến nhiều béo bở cho một số quan chức Việt Nam nhờ sự đút lót của chủ thầu”. (RFA)

Nhận định của GS Nguyễn Đình Cống tưởng cũng đủ diễn tả tình trạng khuất tất của một công trình với đủ loại âm mưu gian trá mà cuối cùng đem công nợ đổ lên đầu người dân Việt.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -