Phạm Phú Khải – VOA
Tháng Tư này, tôi được đọc hai bài liên quan đến tương lai Việt Nam, thấy lý thú nên muốn chia sẻ vài ý kiến.
Bài đầu tiên, viết cách đây vài hôm, là từ tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc tổ chức BPSOS, tựa đề “Làm sao để tạo phong trào dân chủ?”. Ts Thắng khẳng định là công thức đã có sẵn, vấn đề là bắt tay thực hiện.
Công thức đó là: Theo nghiên cứu, cần 3.5% tổng dân số người dân nhập cuộc, tức 3.5 triệu người dân đối với trường hợp Việt Nam. Muốn được 3.5 triệu thì cần có 7 nghìn cộng đồng nhỏ, mỗi cộng đồng 500 nhân khẩu. Muốn huy động 100 người thì cần có đội ngũ 35 nghìn người có khả năng và kinh nghiệm (*). Để đào tạo có được con số 35 nghìn người lãnh đạo cơ sở như vậy thì cần đào tạo 1 nghìn người ở cấp 1, mỗi người ấy lại đào tạo thêm 5 người ở cấp hai (thì 1 nghìn ban đầu giờ thành 6 nghìn), rồi tiếp tục như thế với cấp 3, thì sẽ được 36 nghìn. Nếu mỗi cấp mất 2 năm đào tạo, thì tổng cộng mất 6 năm để đào tạo ra 36 nghìn lãnh đạo cơ sở. Ts Thắng cho rằng để huy động được con số như thế thì phải nhắm đến hậu dân sinh, tức phải thực dụng và nhắm đến nhu cầu thực tiễn của cộng đồng đó. Sau đó phải nối kết các cộng đồng phong trào lại với nhau, dựa trên nguyên tắc nối kết và hợp tác. Ts Thắng cũng nhận định rằng chế độ tất nhiên vẫn muốn duy trì vị thế độc tôn, nên sẽ có các phương thức khác nhau để đối phó. Nhưng nếu người Việt biết “đoàn kết” vì cùng chung mục đích, thì sẽ chung vai xây dựng được phong trào dân chủ.
Ts Thắng xác nhận rằng trong những năm qua, 300 người được BPSOS đào tạo dài hạn và gần 1600 người được đào tạo ngắn hạn.
Ts Thắng kết luận: “Đấy là công thức tạo phong trào quần chúng không cần lãnh tụ mà dựa trên đội ngũ lãnh đạo cơ sở giỏi, có bản lĩnh, có kinh nghiệm và đi sát với quần chúng…”
Một người bạn của tôi, rất quan tâm đến tình hình Việt Nam và phong trào dân chủ, nhận định rằng công thức này rất thực tiễn và có thể áp dụng mọi nơi.
Sách lược tuy khả thi, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề có lẽ phức tạp hơn thế.
Câu hỏi cần đặt ra là bao nhiêu người Việt hiểu sâu về dân chủ? Bao nhiêu người thật sự muốn dân chủ? Bao nhiêu người sẵn sàng cam kết và dấn thân để có dân chủ? Muốn, và dấn thân, không nhất thiết là một. Khoan bàn tới việc có bao nhiêu người có tinh thần và văn hóa dân chủ sẵn trong họ.
Bài thứ hai, viết vào đầu tháng Tư, tựa đề “Giới trẻ châu Á đang dấn bước vào lịch sử, giới trẻ Việt Nam thì không?” của Jackhammer Nguyễn trên Tiếng Dân được nhiều người đọc và chia sẻ. Từ nhận định trong bài của giáo sư Nicholas Farrelly “Giới trẻ Á châu nổi dậy”, điển hình là từ Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện, Jackhammer Nguyễn phân tích tình hình Việt Nam, nhất là từ các biến cố 2007 cho đến 2016. Jackhammer cho rằng, phần lớn người dân tham gia các cuộc biểu tình xuống đường đều để chống Trung Quốc, kể cả sự kiện chống công ty Formosa và Luật Đặc Khu vào năm 2016. Các cuộc biểu tình về môi trường, luật an ninh mạng, hay dân oan đòi đất đai, tuy có, nhưng không nhiều và không đông đảo bằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Điều này cho thấy động lực đấu tranh của người dân Việt rất khác với tinh thần chống độc tài cổ võ dân chủ như tại Miến Điện, Thái Lan, Hồng Kông (tuy HK có yếu tố TQ).
Jackhammer đặt câu hỏi “Phải chăng Việt Nam vẫn là quốc gia của các ‘bô lão’, từ Hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ 13, cho đến các cụ già của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13? Giới trẻ Việt Nam từ chối tham gia vào lịch sử?”
Đây là một nhận định đáng suy ngẫm, và câu hỏi đáng được tìm hiểu và trả lời.
Về hiện tượng này, có lẽ có hai cách nhìn.
Một, phải chăng động lực đằng sau phần lớn các cuộc biểu tình từ năm 2006 đến 2016 chủ yếu là tinh thần chống ngoại xâm, đặc biệt là Trung Quốc, hơn là đòi quyền hay đấu tranh cho dân chủ?
Hai, phong trào đấu tranh cần phải “mượn gió bẻ măng”, vì thật sự ra họ cũng muốn chống lại sự nhu nhược và thất sách của nhà cầm quyền, và đấu tranh để mở rộng không gian xã hội dân sự, nhưng vì nếu công khai chống chế độ thì có nguy cơ bị dập tắt ngay?
Dù gì đi nữa, khi mục tiêu đấu tranh, và lòng mong muốn, cho dân chủ không đủ rõ ràng và mãnh liệt, kết quả tất nhiên sẽ khá khiêm nhường.
Quan sát giới hoạt động tại Việt Nam trong vài năm qua, đặc biệt các phản ứng qua cuộc bầu cử Mỹ cuối năm vừa rồi, tôi nhận thấy rằng yếu tố “dân chủ” hiện hữu nhưng còn mù mờ lắm. Rõ ràng họ muốn có tự do hơn, như tự do ngôn luận, lập hội, công/nghiệp đoàn v.v… Sinh viên Trung Quốc đấu tranh tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp năm 1989 không phải vì họ muốn dân chủ, vì lúc đó họ chưa hiểu dân chủ là gì. Nhưng họ muốn có sự thay đổi để dễ thở hơn, không bị không khí ngột ngạt của chế độ độc tài toàn trị lấn chiếm mọi không gian công và tư của họ. Nhưng cần hiểu rằng, ngay cả khi có các quyền này thì không có nghĩa là đã có dân chủ. Hiện tại, dường như đa số người dân Việt Nam cũng chỉ mong muốn ăn nên làm ra, muốn có công ăn việc làm tốt v.v… Hiểu sâu về dân chủ, và mong muốn để có dân chủ, chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Còn đại đa số dường như không quan tâm bao nhiêu đến xã hội thế nào, các giá trị công bằng, bình đẳng, công lý có nghĩa gì. Họ chỉ muốn mình hơn người khác, bất chấp biện pháp ra sao. Họ không muốn bị thua thiệt quá. Họ thấy bất công đầy dẫy trong xã hội, nhưng ở đâu cũng thế. Có quyền lực có tiền bạc là giải quyết được hầu như mọi vấn đề, dù tạm thời. Những suy nghĩ thực tế và suy tính thực dụng của đại đa số người Việt là cản trở rất lớn để gỡ bỏ độc tài, tiến đến dân chủ.
Điển hình nhất cho tâm lý của người Việt về dân chủ hay không, là qua cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2020. Đa số người Việt ủng hộ ông Trump trong kỳ bầu cử vừa qua, ngay cả những người ở hải ngoại, cho thấy họ bất cần dân chủ, miễn sao ông Trump thắng bằng mọi giá (bất cấp phiếu phổ thông, phiếu cử tri đoàn, phán quyết của tòa án hay kiểm phiếu cử tri đoàn tại quốc hội). Đối với họ, chỉ có Trump mới có thể đối đầu hoặc đánh bại Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp đang muốn nuốt sống Việt Nam. Chống Trung Quốc vẫn là yếu tố quyết định để phần lớn người Việt ủng hộ, hay không, một lãnh đạo hay một chính sách nào đó. Đây là tư duy chính trị thực tiễn nhất, realpolitik, bất cần đạo đức hay triết lý gì cả, miễn sao tiếp tục nắm được quyền lực trong tay. Tóm lại, phần lớn vẫn là tư duy chiến đấu để sống còn của dân tộc Việt Nam trước hiểm họa phương Bắc, không phải để xây dựng những nguyên tắc, giá trị nền tảng cho nhân quyền và dân chủ.
Nếu phần lớn xã hội là thế, thì làm sao có thể xây dựng phong trào dân chủ, dù phương thức Ts Thắng của BPSOS đưa ra có vẻ thực tế và khả thi (tuy rằng khi áp dụng thì tất nhiên sẽ có vô số vấn đề và khó khăn thực tiễn, nhưng đó là điều hiển nhiên)?
Trong bài trước, tôi nói về cần bao lâu để thay đổi chính mình? Tu thân, 10 năm thôi. Khỏi cần mỗi năm thay đổi 5 thói quen tật xấu, mà chỉ cần 1 thói quen, thì 10 năm 10 thói quen. Chọn những thói quen nào bất lợi cho độc tài, có lợi cho dân chủ, để tu thân thì càng tốt. Chấp nhận khác biệt trong tinh thần đa nguyên, thay vì chỉ có nhất hay nhị nguyên, là bước căn bản. Tư duy phản biện/Critical thinking, để phân biệt được đâu là tin giả tin thật để không phát tán nó, cũng là bước tiến quan trọng góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho dân chủ. Tóm lại, nếu muốn thì có vô số việc cần thiết và khả thi mà mỗi cá nhân có thể góp phần, chỉ là mức độ cam kết và quyết tâm thôi.
—
(*) Ghi chú: CTM hiểu câu viết này của tác giả như sau: “Để huy động được 3,5 triệu người dân thì cần phải có 35.000 người và mỗi người có khả năng huy động được 100 người dân”.