Đêm qua, khi đi ăn cơm thì gặp một người tự xưng là giáo sư tiến sỹ từng tham gia cải cách giáo dục. Ông ta nói: “Chào người nổi tiếng!” và chìa tay cho tôi bắt. Tôi cười và bảo: “Tai tiếng thì có!” Ông ta mời cafe và tôi cùng ông sang quán cafe.
Ông nói: “Ông chửi giáo dục nhiều quá! Mà ông đã đóng góp gì cho cải cách giáo dục chưa mà chửi?”
Tôi nén giận và trả lời ôn hòa: “Tôi không chửi mà viết ra điều tôi biết. Có tri thức, có lý luận hẳn hoi. Còn hỏi tôi đóng góp gì chưa thì đó không là câu hỏi của người có học. Nên để dành câu hỏi đó cho đám bò đỏ vô học hoặc học vẹt, ăn theo nói leo. Tôi dạy học gần 30 năm, nỗ lực thay đổi giáo dục, kể cả thay đổi cả chính mình. Ai từng học tôi thì biết. Đồng nghiệp cùng khoa, cùng trường tôi cũng biết tôi đã cống hiến gì….”
Ông ta bào chữa: “Ý tôi là có tham gia cải cách do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều hành mới thấy hết nỗi khổ và sự cống hiến của chúng tôi.”
Tôi cười: “Tôi từng tham gia rồi. Một dự án ngàn tỷ về dạy học modul ở đại học. Tôi làm theo chỉ đạo của dự án và làm theo cách tôi nghĩ. Nhưng chỉ làm một lần rồi cạch. Họ bắt tôi ký khống đến gần 300 triệu, nhưng chỉ trả cho tôi 30 triệu. Tôi không học tập và làm theo gương Thạch Sanh để cho đám Lý Thông hưởng lợi. Sự thật là họ in sách tôi đến lần thứ 9 nhưng không hỏi tôi một câu, vì họ trả lời rằng tôi đã được trả bản quyền. Nhưng họ lại in bản chưa sửa chữa mới đau!”
Ông ta nói: “Chỉ ra cái sai của người khác thì dễ. Điều mà chúng tôi cần là hiến kế theo tinh thần xây dựng. Ý tôi muốn nói như vậy!”
Tôi lại phải bật cười: “Không chừng các anh bảo tôi thù địch, phá hoại cũng nên. Tôi hiến kế đơn giản thế này. Các anh làm cải cách hãy khoan mang giáo dục hiện đại thế giới ra khoe. Riêng loại tri thức này tôi có thừa và đã viết cả loạt bài về sách giáo khoa Cánh Diều, vạch ra sự chộp giật, thiếu hiểu biết của các anh. Bây giờ hiến kế đơn giản thế này. Các anh hãy xuất phát từ nỗi đau của người học đã. Tôi đi học lớp Khởi nghiệp thấy điều này hay, rằng để khởi nghiệp thành công, doanh nhân phải xuất phát từ “nỗi đau của khách hàng”. Một cái tăm tre làm hỏng cái chân răng của khách hàng thì doanh nhân phải nghĩ làm ra cái tăm tre sao cho khách hàng không đau răng. Trong khi các anh chỉ vì sung sướng của mình mà xoáy thêm vào nỗi đau của người học. Người học kêu quá tải thì chương trình và sách giáo khoa càng ngày càng tăng tải bằng cách gia tăng độ khó, ném kiến thức cao siêu từ trên trời rơi xuống. Người học kêu bài tập khó quá, không tự giải được mà phải tra bài giải sẵn thì các anh tạo ra các bài tập vượt quá tiềm năng thực tại của người học để gia tăng học thêm, học vẹt. Các anh sung sướng vì làm chương trình và sách giáo khoa là cơ hội để các anh khoe chữ, khoe danh hiệu. Đó là tôi chưa nói, các anh còn làm đau cho cả đội ngũ thầy cô giáo. Hết cải cách này đến cải cách khác, thầy cô giáo phải quay cuồng từ tập huấn đến học thi các loại chứng chỉ để gọi là đáp ứng cải cách. Chưa hết, bên hành chính thì bịa ra đủ các loại mẫu, từ hồ sơ các loại đến giáo án; để gọi là cải cách, có khi họ chơi trò xáo trộn trật tự một mục nào đó bắt thầy cô phải cuống cuồng thay mẫu để đối phó. Cải cách như vậy thì có làm cho cả thầy và trò loạn não, tức ngu hơn không?”
Ông ta lặng lẽ không nói gì. Tôi nói thêm: “Muốn hiểu nỗi đau của người học thì các anh phải đặt mình vào vai người học. Học cái chương trình và sách giáo khoa do chính các anh tạo ra. Nhớ học hết các môn và buộc phải giỏi tất cả như bọn trẻ đã phải học. Đừng học mỗi môn mình viết ra rồi bảo dễ. Biết làm điều đó thì cải cách thành công. Vậy thôi!”
Tôi hớp hết ly cafe và đứng dậy ra về. Ông ta bắt tay tôi và nói: “Tôi không đồng tình tất cả những điều anh nói. Nhưng tôi sẽ suy nghĩ”. Tôi gật đầu: “Biết suy nghĩ là dấu hiệu hoàn lương đấy!”
Chu Mộng Long