‘Ý kiến phản biện’: Một tai nghe, một tai hóng…

- Quảng Cáo -

Hoàng Trường – VOA  

Trong một kịch bản xấu hơn, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể bị gán cho là “chơi trội”, thậm chí mang tiếng là “tiếm quyền”. Số người tự nhận là thức thời thì cho rằng, thay vì hoài nghi hay tích cực hưởng ứng, chúng ta cứ nên “một tai nghe, một tai hóng”.

***

Tối 20/4/2021 (giờ VN), VTV1 đưa tin Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14. Cả trong bản tin của Ban Thời sự VTV1 (vỏn vẹn hơn 600 từ) lẫn trong toàn văn Nghị quyết số 45 (dài hơn 4.000 từ), dường như không còn bóng dáng phát biểu của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi thành viên chính phủ hãy lắng nghe các ý kiến phản biện.

- Quảng Cáo -

Chẳng biết đâu mà lần

Trước đó, sáng 15/4/2021, chủ trì phiên họp đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn các thành viên, đọc đến hơn 1/3 bài phát biểu dài xấp xỉ 2.700 từ, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện”. Việc tướng Công an Phạm Minh Chính bật đèn xanh cho “ý kiến nhiều chiều, nhất là ý kiến phản biện” trong bài đít-cua đầu tiên, tại phiên họp ra mắt chính phủ, lan nhanh như một tin nóng: “chạch đẻ ngọn đa”.

Phản ứng đầu tiên của đa số trí thức “trùm chăn” là cảnh giác. “Rung trà cá nhảy đấy mà” – Mẹo vặt của một tướng an ninh muốn phát hiện ý thức chống đối từ trong trứng nước để “tìm và diệt”. Số bán tín bán nghi ít hơn thì phấp phỏng: “Không biết ổng làm gì thế cho tốn công sức. Hồ sơ trong văn phòng tướng Tô Lâm đã có đầy đủ tên tuổi, các phát biểu từ trước đến nay của cả trí thức ‘phản biện lề phải lẫn lề trái’. Một số trong bọn họ đã/đang dính vào “chuyên án”, số khác thì ngấp nghé. Nhưng nếu bắt hết tất cả đám này thì lấy đâu chỗ mà chứa!”

Cũng có người dạn dĩ và lạc quan hơn lại tin ngay rằng, có thể tân Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe và biết đâu sẽ có đối thoại sau khi ông lãnh hội hết các ý kiến phản biện ấy. Dù sao mặc lòng, phải thừa nhận một cách khách quan, ông Chính, dù thật lòng hay chỉ để “diễn”, đang tiệm cận tới “làn ranh đỏ” mong manh. Chưa bao giờ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lẫn cái Đảng của ông cho phép người dân – trí thức lại càng không – đến gần sân chơi có tên gọi khó chịu là “phản biện” hay “đối thoại”.

Trong khi đó, nếu hưởng ứng lời kêu gọi của ông Chính, các trí thức chân chính và xã hội dân sự trong nước có thể sẽ giúp lành mạnh hoá một phần thể chế toàn trị hiện nay. Tuy nhiên, xu hướng lành mạnh hoá ấy có khi lại gây hại cho cái sứ mệnh đứng đầu nội các của ông tân Thủ tướng. Thậm chí trong một kịch bản xấu hơn, ông Chính có thể sẽ bị gán cho là “chơi trội”, thậm chí mang tiếng là “tiếm quyền”. Số trí thực tự nhận là am hiểu thời cuộc thì cho rằng, thay vì hoài nghi hay tích cực hưởng ứng, chúng ta cứ nên “một tai nghe, một tai hóng”.

Đọc “Nguyễn Phú Trọng bật đèn xanh, Nguyễn Văn Nên vờn Lê Thanh Hải” (Ngọc Thảo – Thoibao.de), hoặc “Tình ‘đồng chí’ và chiến dịch ‘đốt lò’” (Jackhammer Nguyễn – Tiếng Dân), lại nữa “Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và “Lằn ranh đỏ mong manh” (TS. Phạm Quý Thọ – RFA)… nghe hình như có “tiếng gươm khua, tiếng trống kêu xé lòng” từ trong các bài viết gan ruột ấy.

“Gươm khua” loảng xoảng vì nó hao hao các câu chuyện thảo khấu bên Tàu. “Tiếng kêu xé lòng”, vì cả dân tình lẫn doanh nghiệp đều đang “điêu linh” trong mùa Covid Vũ Hán mà các bậc “phụ mẫu” vẫn chưa thôi cơn “can qua” chẳng biết dẫn về đâu. Liên hệ đến các câu chuyện “kiếm hiệp” bên Tàu hàm ý, nói cho cùng, các cuộc đấu đá nội bộ của Hà Nội dầu sao cũng không thể vượt qua vòng kềm toả từ Bắc Kinh.

Có chăng năng lực trực thăng?

Dẫu sao phát biểu nói trên của Phạm Minh Chính đã/đang dấy lên một hiện tượng truyền thông hiếm thấy, nhất là khi Đại hội 13 và Quốc hội 14 đã bị lãng quên dần. Bản thân “cái đuôi” của Quốc hội 14 là ngày hội (hay phường chèo?) của các cuộc bầu cử tréo ngoe, dềnh dàng và tốn kém tiền thuế của dân trong tháng tới, chẳng mấy ai để ý. Vậy thì sau khi châm ngòi, liệu cái pháo “phản biện” của ông Chính sẽ là con pháo “lép” hay chiếc pháo “đùng”?

Dẫu là “lép” hay “đùng”, dư luận đều tập trung vào cái gọi là “năng lực trực thăng” của vị tân Thủ tướng. Lưu Trọng Văn bình luận trên FB: “Lằn ranh của luật pháp Việt Nam không thật rõ ràng giữa phản biện và chống đối. Chính vì không có lằn ranh này, nhiều người dân muốn đất nước tốt lên, chế độ đẹp lên do bức xúc trước hiện trạng của đất nước đã gay gắt, thậm chí có phần cực đoan phê phán cái xấu, cái sai của chế độ, đã bị quy kết là chống chế độ”.

Là tướng an ninh, hẳn nhiên ông Chính biết nhiều công dân đang bị tù đày vì sự nhập nhằng làn ranh pháp lý. Nếu thực sự “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”, ông Chính có dám đề xuất đặc xá đối với một loạt vụ án “bỏ túi” nhân dịp 30/4? Phát ngôn của ông Chính về “ý kiến phản biện” được ghi nhận dường như tương phản hoàn toàn với việc nhà cầm quyền vừa mới bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, blogger thường đăng ý kiến chỉ trích nhà cầm quyền về việc phạt tù giới tranh đấu, chỉ hai ngày sau khi ông Chính tuyên thệ nhậm chức.

Tiếp đó, nhà cầm quyền còn bắt ông Lê Chí Thành, một cựu đại úy công an, người được ghi nhận làm video clip “trái chiều” về cảnh sát giao thông. Các báo ở Việt Nam khi đưa tin vụ bắt giữ cũng cố tình tránh né chi tiết ông Thành là trường hợp thứ ba bị bắt giữ, vì tự ứng cử “đại biểu Quốc hội”. Phải chăng tất cả những chỉ dấu này là sự “phát tiết” ra ngoài cái thần thái “anh minh” của tân Thủ tướng? Chỉ riêng chuyển này thôi, đủ thấy ông Chính có vẻ như sẽ đụng độ với ông Tô Lâm. Nhưng việc khủng bố xã hội dân sự thật ra đâu phải là chủ trương của một mình đại tướng Tô Lâm!

Vậy ông Chính thách thức quyền lực của ai tiếp theo đây? Nói đến vòng đấu tiếp theo với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì xem ra hơi sớm, thậm chí là còn quá sớm. Ông Nguyễn Phú Trọng là người thù dai và rất hám danh. Ông muốn bản thân ông trở thành nhân vật được sùng bái như cố Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều ai cũng thấy. Một chính khách giàu thủ đoạn như ông Chính không thể mắc sai lầm sơ đẳng như thế được.

Phải chăng kêu gọi lắng nghe “ý kiến phản biện” là nói. Trái lại, tiếp tục bắt người có ý kiến trái chiều là làm. Nói và làm là hai việc khác nhau. Không thể đem nhập vào làm một. Tuy nhiên, nếu không vậy thì làm thế nào mà lời của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu thành “chân lý” được: “Đừng nghe những gì cộng sản nói…” Thật vậy “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (Mượn ý ông Hồ Chí Minh phát biểu trong một ngữ cảnh khác!)./.

#PhạmMinhChính

- Quảng Cáo -