Năm 2020 vừa qua, hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đều tung ra những gói tài chính giải cứu nền kinh tế của họ đang suy yếu vì dịch cúm TC (Trung Cộng). Trong đó gói cứu trợ của các nước đại gia Âu Mỹ có vẻ vượt trội, vì các nước chiếu trên này bị cúm TC tàn phá dữ dội nhất.
Người ta thường ví von, khi kinh tế Mỹ nhảy mũi kinh tế thế giới cảm cúm. Năm qua kinh tế Mỹ không chỉ xổ mũi mà còn thở ô xy, thì kinh tế thế giới không cấp cứu hồi sức mới là chuyện lạ.
Trong bối cảnh bi đát ấy, chính phủ Việt Nam vui mừng công bố GDP tăng hơn 2,9%, sánh vai cùng TC, Đài Loan và Ai Cập thành top 4, là top tăng GDP dẫn đầu thế giới. Chính phủ còn vui mừng hơn khi công bố GDP VN vượt qua Singapore, lọt vào top 4 của ASEAN, năng suất lao động toàn nền kinh tế tăng, khoảng hơn 5000 USD/ người/ năm.
Đó là lý do lãnh đạo VN tranh nhau đốt pháo tống, bất kể những thành tựu ấy có đồng nghĩa với cuộc sống người dân được nâng lên tương xứng hay không. Bởi :
– GDP VN vượt qua Singapore phần lớn là nhờ tính lại, vì cách tính trước đây còn để sót. Tỉ như trước đây chưa đưa vào thống kê kinh tế ngầm là lãnh vực đóng góp GDP không nhỏ. Nghĩa là GDP VN vượt Singapore từ lâu rồi nhưng nay tính lại mới biết. Vì vậy, vượt qua GDP Singapore không đồng nghĩa nhân dân VN giàu hơn, chỉ giúp tỷ lệ nợ công giảm, dư địa vay nợ của chính phủ nhiều hơn so với mức trần nợ công mà Quốc hội đã ấn định. Nói cách khác, GDP tăng, tỷ lệ nợ công so với GDP giảm, giới hạn vay nợ công sẽ được nới rộng, vay thoải mái.
– GDP VN tăng hơn 2,9% là nhờ phần lớn vốn đầu tư công và hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, Samsung chẳng hạn. Tăng GDP nhờ đầu tư công sẽ tăng thêm nợ công, Tăng GDP nhờ hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI thì VN chỉ được tiếng, miếng các doanh nghiệp FDI chuyển về nước họ.
Đó là chưa kể, theo các chuyên gia VN, lượng tín dụng năm 2020 xấp xỉ lượng tín dụng năm 2019. Nhưng năm 2019 GDP VN gần 7%, năm 2020 GDP chỉ hơn 2,9%. Vậy lượng tín dụng năm 2020 đi đâu mà không tạo ra GDP gần 7% như năm 2019? Đây chính là điều đáng lo ngại, vì phần chắc là lượng tín dụng năm 2020 đã đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản, tạo ra nguy cơ hình thành bong bóng đầu cơ bất động sản và bong bóng đầu cơ chứng khoán. Đã vậy, hiện các ngân hàng hạ lãi suất huy động mà không hạ lãi suất cho vay, nên có thể dòng tiền sẽ chuyển qua bất động sản và chứng khoán nhiều hơn làm bong bóng phình to rất nguy hiểm.
Dẫu WHO công bố dịch cúm Tàu đang có dấu hiệu giảm dần. Song lâu nay WHO không làm người ta tin tưởng vì những đánh giá thất thường của WHO về dịch cúm Tàu. Hơn nữa cũng chẳng ai biết chắc tình hình dịch bệnh có tốt lên trong tương lai gần, cho nên khó khăn của nền kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự được hoá giải, nhân loại vẫn còn một năm nữa sống trong bất định, kinh tế thế giới có thể thêm một năm trầy trật khó đoán.
Riêng VN, mới đầu năm đã bị cúm Tàu làm cho lên bờ xuống ruộng,thì không biết năm nay sẽ kiết hung thế nào, liệu chinh phủ có tạo được phép màu khi đạt được mục tiêu tự ấn định GDP tăng hơn 6%, một mục tiêu đầy tham vọng ?
Vậy là…Một năm đời đã hết nhưng cuối cùng là…Còn nữa./.
#kinhtếviệtnam2020 #tăngtrưởngGDP