Miền Tây Nam bộ luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào,… nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn hai thập niên qua cho thấy không là như thế.
Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.
Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.
Nhóm thực hiện đã được ra 15 khuyến nghị như sau:
Một,
Lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL chủ yếu đến từ điều kiện tự nhiên sẵn có (tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái) và di sản đến từ quá khứ (tài nguyên văn hóa, tôn giáo). Thế nhưng các tài nguyên này hoặc đang bị tận khai tới mức thiếu bền vững, hoặc đang đứng trước rủi ro to lớn từ bên ngoài, hoặc đang dần mai một theo năm tháng, hoặc đang bị cơ chế chính sách cản trở không phát huy hết được nội lực phong phú của mình.
Hai,
Tương lai phát triển của ĐBSCL một mặt phụ thuộc vào năng lực nuôi dưỡng các nguồn tài nguyên này cho các thế hệ kế tiếp, mặt khác phụ thuộc vào nỗ lực tìm kiếm và xây dựng những động lực phát triển mới cho vùng. Hai điều này, đến lượt mình, đòi hỏi tư duy và cách tiếp cận mới đối với bài toán phát triển của ĐBSCL, vì chỉ như vậy mới thoát ra được quỹ đạo hiện nay để chuyển sang mô hình phát triển mới cho toàn vùng ĐBSCL cũng như mỗi địa phương trong vùng.
Ba,
Mô hình phát triển mới phải được định hình từ chính thực trạng và phải đưa ra được lời giải cho những bài toán kinh tế – xã hội – môi trường nóng bỏng của ĐBSCL. Ở góc độ rộng hơn, mô hình phát triển mới này cũng phải gắn với bối cảnh kinh tế và thể chế của đất nước, đồng thời thuận theo các xu thế toàn cầu để tận dụng được các cơ hội mới nhờ sự chuyển hướng của các dòng đầu tư FDI, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Bốn,
Là vùng có xuất phát điểm tương đối thấp, không những thế lại đang tụt hậu, có nguồn lực eo hẹp và phụ thuộc nhiều vào trung ương, một cách thực tế mô hình phát triển của ĐBSCL trong thập niên tiếp theo vẫn phải dựa vào các thế mạnh sẵn có nổi trội của mình.
Tuy nhiên, thay bằng việc đi theo lối mòn truyền thống, các tỉnh ĐBSCL cần kiến tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền cùng nhau tìm ra những giải pháp mới, những lối đi mới cho bài toán phát triển của mình, qua đó đóng góp cho sự phát triển của cả vùng.
Năm,
Mặc dù trước mắt nền nông nghiệp truyền thống vẫn là nguồn tạo công ăn việc làm chủ yếu cho đa số nông dân, nhờ đó góp phần giảm nghèo và ổn định xã hội, song trong dài hạn, nông nghiệp truyền thống không thể là nền tảng phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho Vùng.
Vì vậy, ĐBSCL phải chuyển đổi nông nghiệp một cách cơ bản, trong đó then chốt là phải phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho nền sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Cụ thể là: Thị trường hóa hoạt động nông nghiệp, gắn với thị trường để ổn định đầu ra. Công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng. Dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả. Nông nghiệp thích ứng với môi trường và khí hậu để phát triển bền vững
Sáu,
Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững cả về kinh tế và môi trường, chắc chắn phải thay thế các hệ thống thâm canh nông nghiệp – đặc biệt là lúa ba vụ – bằng các hệ thống canh tác hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn.
Nền nông nghiệp cần chuyển sang ưu tiên chất lượng thay cho số lượng, cạnh tranh nhờ giá trị cao thay cho giá cả thấp. Tổ chức và chính sách nông nghiệp cần theo định hướng cụm ngành và chuỗi giá trị thay vì phân tán và cục bộ như hiện nay.
Bảy,
Về cơ cấu nông nghiệp, bên cạnh cơ cấu về chất lượng và giá trị như ở điểm [6], trong dài hạn, ĐBSCL cần chuyển đổi thứ bậc cơ cấu từ lúa gạo – thủy sản – trái cây sang thủy sản – trái cây – lúa gạo, trước tiên thông qua việc thay đổi tư duy về nguồn lực của đồng bằng, trong đó không chỉ coi trọng nước ngọt (phục vụ cho lúa gạo và trái cây) mà phải thấu hiểu nước mặn và nước lợ là các nguồn tài nguyên quý báu không chỉ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trong đất liền mà còn cho việc phát triển các nguồn lợi thủy sản ven biển.
Tám,
Trong ngắn và trung hạn, du lịch chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nền tảng cho phát triển kinh tế của Vùng. Tuy nhiên, du lịch rất quan trọng trong việc cải thiện công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, và hình ảnh của ĐBSCL.
Thay cho phát triển du lịch theo lối mòn truyền thống, các tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, cần tìm ra những mô hình phát triển du lịch mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của dân số tương đối trẻ và ngày một tinh tế của tầng lớp trung lưu đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam.
Chín,
Trong thập niên sắp tới, ĐBSCL đứng trước nhiều cơ hội và sự lựa chọn trong phát triển công nghiệp nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng kết nối, sự lan tỏa hoạt động công nghiệp từ vùng Đông Nam Bộ, lợi thế về đất đai và chi phí của Vùng.
Tuy nhiên, công nghiệp của ĐBSCL nên gắn bó một cách hữu cơ và trở thành bệ đỡ cho phát triển kinh tế nông nghiệp của Vùng. Tất nhiên để phát triển nông nghiệp và du lịch chất lượng cao, ĐBSCL cần hạn chế tối đa các ngành công nghiệp ô nhiễm.
Mười,
Đối với các ngành truyền thống (như lúa gạo, thủy sản, trái cây, du lịch) và các ngành tiềm năng (như năng lượng tái tạo hay logistics), cần áp dụng cách tiếp cận cụm ngành và chuỗi giá trị, hướng đến các chỉ tiêu hiệu quả sau cùng như tạo công ăn việc làm, thu nhập của người lao động và đóng góp ngân sách cho địa phương.
Trong nỗ lực này, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò then chốt không chỉ trong việc tổ chức hoạt động sản xuất mà quan trọng hơn là xây dựng thương hiệu, tổ chức chuỗi giá trị, và đảm bảo thị trường đầu ra.
Chính quyền địa phương đóng vai trò hỗ trợ, đặc biệt là tạo các điều kiện về môi trường kinh doanh và các thể chế hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp có thể liên kết với nhau và để các tác nhân tham gia cụm ngành có thể hợp tác để cùng phát triển.
Mười một,
Cũng như cả nước, ĐBSCL đang gặp phải ba nút thắt quan trọng trong quá trình phát triển.
Nút thắt đầu tiên, quan trọng nhất cản trở sự phát triển kinh tế của tất cả các tỉnh cũng như toàn vùng ĐBSCL nằm ở kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, thay bằng việc mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin trung ương sân bay hay cảng nước sâu cho riêng mình, thì cả 13 địa phương cần đồng lòng kiến nghị trung ương xây dựng bằng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với vùng Đông Nam Bộ.
Phát triển trục đường cao tốc nối liền thành phố Hồ Chí Minh cho đến tận Cà Mau cần phải trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của toàn Vùng trong thời gian tới.
Mười hai,
Kết cấu hạ tầng của ĐBSCL còn yếu kém là do không được đầu tư đúng mức trong một thời gian dài. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là do thiếu đầu tư của trung ương như quan niệm phổ biến hiện nay.
Thực tế là trung ương đã chi rất nhiều tiền để đầu tư vào các dự án khổng lồ như các đại dự án thủy lợi chuyển nước ngọt từ sông Hậu đến Quản Lộ – Phụng Hiệp, hệ thống đê bao ngăn lũ, hệ thống cống đập ngăn mặn, và gần đây là nhiều nhà máy nhiệt điện than v.v.
Nếu những khoản đầu tư này được cân nhắc một cách thấu đáo hơn, ưu tiên cho cơ sở hạ tầng giao thông trọng yếu của toàn Vùng hay hệ thống giao thông kết nối từ vùng sản xuất đến đường quốc lộ, thì đến nay Đồng bằng sông Cửu Long đã có một hệ thống đường bộ phát triển, kết nối hiệu quả với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Như vậy, nút thắt hạ tầng giao thông tồn tại không thuần túy là do thiếu nguồn lực tài chính, mà chủ yếu là do nguồn lực này được ưu tiên phân bổ cho các mục đích sử dụng khác thay vì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Mười ba,
Nút thắt phát triển thứ hai ở ĐBSCL là nguồn nhân lực. Là vùng trũng trong cả nước về giáo dục và đào tạo, mô hình phát triển mới của ĐBSCL phải tìm cách tháo gỡ nút thắt quan trọng này bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm từ cấp THCS và PTTH.
Suy đến cùng, động cơ này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tạo lập cơ hội việc làm để người dân thấy rõ lợi ích của kiến thức và kỹ năng, từ đó có động cơ mạnh mẽ để theo đuổi việc học tập, phát triển kỹ năng, nhờ đó tạo sức ép từ phía cầu để kích thích hệ thống giáo dục – đào tạo phát triển theo hướng liên kết với các doanh nghiệp và gắn kết với thị trường lao động.
Mười bốn,
Cơ chế – chính sách là nút thắt thứ ba cản trở sự phát triển của ĐBSCL. Báo cáo này phân tích và đưa ra nhiều khuyến nghị để tháo gỡ cơ chế – chính sách cho ĐBSCL phát triển. Ở đây chỉ nhấn mạnh ba khuyến nghị về đất, về nước, và về cơ chế điều phối vùng.
Về đất, chính sách đất đai cần được thiết kế lại theo hướng tạo thị trường đất linh hoạt hơn, tăng khả năng chuyển dịch đất nông nghiệp trong phạm vi các lĩnh vực và đối tượng sản xuất nông nghiệp, sao cho đất nông nghiệp có thể được sử dụng hiệu quả nhất (nhờ đạt quy mô hiệu quả, lựa chọn các sản phẩm phù hợp, áp dụng phương thức canh tác tiên tiến).
Về nước, coi tất cả các nguồn nước – nước ngọt, nước mặn, nước lợ, nước ngầm, nước mặt v.v… đều là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý, sử dụng, bảo vệ một cách phù hợp.
Cần nói thêm rằng chỉ trên cơ sở bảo vệ được tài nguyên đất và nước thì ĐBSCL mới có thể gìn giữ không gian sinh tồn của mình, nhờ đó phát triển cộng đồng và bảo tồn văn hóa và tôn giáo truyền thống hết sức đặc sắc của vùng.
Mười lăm,
Một trụ cột không thể thiếu được trong mô hình phát triển mới của ĐBSCL là cơ chế hợp tác và điều phối Vùng hiệu lực và hiệu quả, thay cho những cơ chế mang nặng tính hình thức và không có tác dụng hiện nay.
Một thông điệp quan trọng của Báo cáo này là những thách thức lớn nhất ở ĐBSCL như hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém, tụt hậu về kinh tế và giáo dục, môi trường nước ô nhiễm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bất trắc gây ra bởi các con đập thượng nguồn v.v. là thách thức của toàn vùng chứ không của riêng một địa phương nào cả.
Vì vậy, để giải quyết thách thức chung của toàn vùng, nhất thiết phải có một cơ chế điều phối vùng thật sự hiệu lực và hiệu quả. Cụ thể là cần có một cấp chính quyền vùng (dưới cấp quốc gia nhưng trên cấp tỉnh), có quyền lực về tài khóa, quy hoạch, và nhân sự. Khi ấy chính quyền Vùng sẽ ở vị trí và có động cơ theo đuổi lợi ích chung cho toàn Vùng chứ không bị chi phối bởi lợi ích có tính cục bộ của từng địa phương riêng biệt.
Đồng thời, khi ấy Vùng trở nên một đơn vị hành chính đủ lớn để có thể phát triển một kết cấu và hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh và hiện đại.
ĐBSCL đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu mô hình này – bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp – không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi, và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian.
Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó mở ra một tương lai xán lạn cho hơn 17 triệu đồng bào, cũng như những thế hệ con cháu chúng ta sau này./.
#đồngbằngsôngcửulong