Dân chủ và quyền lực

- Quảng Cáo -

Triệu Tử Long – (VNTB) – Đời người có hạn và ai cũng có riêng tư, lòng tham, sự thiên vị, nể nang… Lấy cái gì bảo đảm rằng người này “liêm khiết”, lấy “đức” trị dân ?

Lấy con chuột ra khỏi bồ lúa…

Có ý kiến: công tác “luân chuyển cán bộ” trong Đảng, với góc nhìn đa chiều, có thể là lấy con chuột này ra khỏi bồ lúa, vì con này đã mập ú rồi, sau đó bỏ con chuột khác vào thay thế (!?). Do vậy, nếu không có cơ chế nào kiểm soát được quyền lực của nơi đưa ra quyết định “luân chuyển cán bộ”, thì dễ tạo đối kháng giữa yêu cầu “dân chủ” và “quyền lực” của phe nhóm trong chính nội bộ đảng chính trị.

Cụm từ “quyền lực quốc gia”, hay còn gọi là “quyền lực nhà nước”, thuộc về nhân dân. Người dân trao “quyền lực” này cho những người đại diện lãnh đạo họ, trong một nhiệm kỳ thời gian đã xác định trước, qua một thể thức bầu cử tự do. Quyền lực như vậy vừa “chính danh”, vì được sự ủy thác của người dân, vừa bị “kiểm soát” bởi chính người dân, bằng lá phiếu của họ, cũng như bằng các định chế quyền lực khác như lập pháp, tư pháp cấu thành quyền lực quốc gia.

Ở Việt Nam có khác biệt: Đảng đưa ra danh sách những người sẽ là đại diện và người dân cũng như các đảng viên cứ vậy mà “trao quyền lực”. Đơn cử ở đại hội đảng cấp tỉnh, thành đã diễn ra trong nửa cuối năm 2020, tất cả các người ‘đắc cử’ chức vụ Bí thư đều là sự nhất trí của ‘danh sách một’ để ‘bỏ phiếu chọn một’.

Nhìn từ Hiến pháp 1980

- Quảng Cáo -

Sau tháng tư, 1975, bản Hiến pháp mới – Hiến pháp 1980 – được ban hành. Cần nói ngay rằng, bản Hiến pháp này đã không hoàn toàn kế thừa tinh thần dân tộc dân chủ rộng rãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, bởi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng giáo điều, duy ý chí về xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), trong đó có vấn đề dân chủ.

Hiến pháp 1980 đã hoàn toàn xác lập nền tảng của chế độ dân chủ kiểu mới – dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) dưới hình thức chuyên chính vô sản.

Bản Hiến pháp này khẳng định: “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt; xoá bỏ chế độ người bóc lột người; đập tan mọi sự chống đối của bọn phản cách mạng trong nước, mọi hành động xâm lược và phá hoại của kẻ thù bên ngoài; xây dựng thắng lợi CNXH, tiến tới chủ nghĩa cộng sản; góp phần củng cố hoà bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”.

Những nguyên tắc như Đảng Cộng sản lãnh đạo; làm chủ tập thể; liên minh công nông; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; tập quyền XHCN trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; tập trung dân chủ là những đặc trưng của nền dân chủ XHCN đã được Hiến pháp 1980 xác lập.

Hiến pháp 1980 xác định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản, mà không nói nhà nước dân chủ, mặc dù về lý luận thì chuyên chính vô sản là hình thức của dân chủ XHCN – dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản như Lê-nin nói, nhưng với liên minh công nông làm nền tảng thì cơ sở xã hội của nền dân chủ này đã bị thu hẹp, nó không còn mang tinh thần dân chủ rộng rãi của đại đoàn kết toàn dân.

Đặc biệt là toàn bộ Hiến pháp 1980, kể cả Lời nói đầu, không có chỗ nào nhắc đến chữ “dân chủ”.

Như vậy có thể nói, Hiến pháp 1980 đã nhấn mạnh tính chất giai cấp công nhân chứ không phải là tính chất “dân chủ rộng rãi”như Hiến pháp 1946, cũng không thấy “nền tảng dân chủ” mà chỉ thấy nền tảng chuyên chính giai cấp. Tư duy giáo điều, duy ý chí này là một trong những nguyên nhân đưa đến những chính sách sai lầm trong quản lý kinh tế – xã hội, dẫn đến khủng hoảng, làm mất lòng tin của nhân dân, không huy động được sức mạnh và tài năng của nhân dân và thực chất là đi ngược lại tinh thần dân chủ.

Đây là thời kỳ chứng minh hùng hồn rằng, không có dân chủ thì cách mạng không thể thành công, dân chủ là cái gốc của mọi thắng lợi. Tóm lại, Hiến pháp 1980 là bản Hiến pháp ít nhiều bị suy giảm về tinh thần dân chủ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, là bản Hiến pháp phức tạp, khó hiểu, ít gần gũi với nhân dân, sản phẩm của tư duy giáo điều, duy ý chí.

Dân chủ vẫn là xa xỉ?

Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) là một giai đoạn mới của lập hiến Việt Nam.

Hiến pháp 1992 xác định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhưng không trực tiếp ghi rõ tính chất dân chủ của chính thể nhà nước.

Hiến pháp 1992 tuy nói “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng không nói nhân dân là ai, có phải là tất cả con cháu Lạc Hồng để từ đó “không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” như Hiến pháp 1946 quy định hay không. Hiến pháp 1992 xác định nền tảng của quyền lực nhà nước là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, như vậy cũng không còn là dân chủ rộng rãi nữa.

Cũng như Hiến pháp 1980, toàn bộ Hiến pháp 1992, kể cả Lời nói đầu, không có chỗ nào nhắc đến chữ “dân chủ”. Thay vào đó, Hiến pháp 1992 lại xác định tính chất pháp quyền của Nhà nước ta chứ không phải là tính chất dân chủ, mặc dù về bản chất nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ. Hiến pháp đã dùng cụm từ Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thay cho khái niệm dân chủ.

Hiến pháp 2013 có đề cập khái niệm dân chủ, song vẫn dùng cụm từ Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thay cho khái niệm dân chủ.

Bản chất của nhà nước pháp quyền thể hiện trước hết ở tính dân chủ, nhưng nói nhà nước pháp quyền, thì chủ yếu vẫn là nhấn mạnh đến việc bảo đảm các quyền và tự do của con người, nhấn mạnh mối quan hệ ràng buộc trách nhiệm của nhà nước bởi pháp luật, nói đến cách thức hoạt động của nhà nước.

Nếu chỉ nói nhà nước pháp quyền không thì thường chỉ đưa đến cách hiểu mơ hồ, hoặc đơn giản là pháp trị, pháp chế, tức nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, và pháp luật đó trong từng giai đoạn khác nhau, có thể không nhằm đến “dân chủ rộng rãi” nữa.

Lịch sử có rất ít, nếu không muốn nói là không có, những nhà độc tài vẫn hiền hòa và sáng suốt trong thời gian dài. Thêm nữa, có ít bằng chứng cho thấy các chế độ chuyên chế thì đạt thành tích tốt hơn về tư duy và kế hoạch dài hạn so với chế độ dân chủ.

Có lẽ với Việt Nam, mọi chuyện vẫn phải trông chờ ai sẽ là tân Tổng bí thư vào đầu tháng hai, 2021 này.


- Quảng Cáo -