Tất Thành Cang vô lò cuối năm

Tất Thành Cang, cựu Phó Bí Thư thành ủy TP.HCM bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 16/12/2020. Ảnh: Báo Nhà Đầu Tư
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Cuối cùng vào ngày 16 tháng Mười Hai, 2020 vừa qua, ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí Thư thành ủy Thành Hồ đã  bị công an khởi tố, bắt tạm giam. Tin này loan ra không làm dư luận ngạc nhiên nhiều, vì nó chỉ xác nhận những lời đồn đại lâu nay. Tất Thành Cang đã bị kỷ luật từ tháng Mười Hai, 2018 vì dính đến 4 cái gọi là sai phạm: 1/Vi phạm pháp luật về đất đai và quy chế làm việc; 2/Sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm; 3/Bán rẻ đất công ở khu dân cư Phước Hiệp; 4/Giúp cho Nguyễn Kim thu tóm công ty Sadeco.

Tất Thành Cang bị truy tố và bị bắt giữ liên quan đến sai phạm thứ tư, trong vụ bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, một cổ đông lớn của Công ty Phát Triển Nam Sài Gòn (Sadeco), làm thiệt hại nhà nước đến… 150 tỷ đồng. Không biết là trong thời gian tới, Tất Thành Cang có bị khởi tố tiếp ba vụ còn lại hay không trong đó những sai phạm ở khu đô thị Thủ Thiêm có liên quan đến Lê Thanh Hải.

Thế là đúng hai năm sau bị kỷ luật Tất Thành Cang mới bị đưa vào lò trong lúc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang tham dự và chỉ đạo hội nghị trung ương 14 khoá 12 tại Hà Nội.

- Quảng Cáo -

Trong suốt gần 10 năm (2006-2016) Lê Thanh Hải nhân vật được gọi là “lãnh chúa Sài Gòn” làm bí thư thành ủy, dưới tay là những đàn em thân tín hợp thành “bộ tứ gian manh” Hải-Quân-Đua-Tài cùng với Phó Bí Thư thành ủy Tất Thành Cang tung hoành như chỗ không người, nhất là trong vụ án cướp đất Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Chúng a tòng nhau thủ tiêu bản đồ quy hoạch gốc năm 1966, vẽ lại bản đồ mới đưa đất 3 phường Quận 2 vào diện giải toả, hô biến 160 ha đất dành tái định cư thành đất dự án của hàng chục công ty thân hữu. Hậu quả sau hơn 20 năm, 16 ngàn gia đình Thủ Thiêm còn sống tản lạc trong đau khổ trong khi những lời hứa giải quyết của thanh tra chính phủ và đám quan chức Thành Hồ chỉ là hứa lèo, hứa cuội.

Nhưng lần này Cang không bị bắt vì tội ác gây ra ở Thủ Thiêm mà bị bắt vì vụ bán cổ phiếu ở Sadeco gây thiệt hại tài sản nhà nước. Dư luận cho rằng bắt Tất Thành Cang trong lúc này là quá trễ vì sự lạm dụng quyền lực  của Tất Thành Cang là những sai phạm có hệ thống ngay từ lúc giữ chức vụ chủ tịch UBND Quận 2, điám đốc Sở GTVT rồi leo dần lên phó chủ tịch UBND thành phố và phó bí thư thành ủy, trước khi bị lột mọi chức vụ năm 2018.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao ông Trọng không đưa Tất Thành Cang vô lò từ nhiều năm trước, hoặc sau khi có kỷ luật cách chức bí thư thành ủy đối với Lê Thanh Hải. Mà phải chờ đến hôm nay, đúng vào thời điểm hội nghị trung ương 14 bàn và quyết định nhân sự cấp cao cho 5 năm tới?

Chuyện này cho thấy tuy ông Trọng mang danh lú nhưng lại khá thâm. Ông ta cho Cang vô lò đúng lúc trung ương 14 diễn ra chính là để răn đe đám trung ương một điều quan trọng. Đó là nếu cần chọn những nhân sự quá 65 tuổi được miễn quy định quá hạn tuổi ở lại, thì phải chọn ông Trọng và Trần Quốc Vượng như cặp bài trùng không thể thiếu. Thông điệp không còn gì rõ ràng hơn: tổng bí thư tuy bị bệnh nhưng trong tay vẫn còn nhiều quyền lực, sẵn sàng cho vô lò những ai dám làm trái ý mình.

Đó là ẩn ý đầu tiên. Ý thứ hai của ông Trọng là muốn giáng một đòn vào phe nhóm đang tích cực ủng hộ Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc lên làm tổng bí thư. Đây là nhóm muốn dùng thế lực của Phúc để chuyển hướng kinh tế trong tình hình mới, trong khi nhóm Trọng và Vượng muốn kiên định lập trường Mác-Lê, ưu tiên giữ chặt đảng CSVN tồn tại lâu dài.

Té ra vụ chần chừ cho Tất Thành Cang vô lò, quả thật ông Trọng đã có tính toán cho quyền lợi phe nhóm mình hơn là cho hư danh chống tham nhũng. Như thế mới thấy những cán bộ cao cấp vô lò như Đinh La Thăng trước đây và bây giờ là Tất Thành Cang không phải do sự ngẫu nhiên. Mà đây là sự xếp đặt, đi từng bước của ông Trọng nhằm mục đích tóm thu quyền lực mọi phía vào tay phe nhóm mình.

Thế nhưng sau vụ bắt giam Tất Thành Cang, một quan chức đã về hưu của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương lên tiếng ca ngợi vụ bắt Cang là tín hiệu của quyết tâm chống tham nhũng mà ông Trọng từng nói: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền.” Vậy chờ xem, sau Tất Thành Cang, lò ông Trọng có đốt nổi loại củi to cỡ Lê Thanh Hải, Nguyễn Tấn Dũng hay không?

Phạm Nhật Bình

#tatthanhcang

- Quảng Cáo -