Mỗi người cầm bút thường chỉ có sở trường về một loại đề tài, một loại khung cảnh sống hoặc một loại nhân vật. Rất ít có người dám xông xáo vào nhiều lãnh vực, vì thấy trước sự thất bại. Trường hợp Kiệt Tấn khác hẳn. Anh viết về đủ đề tài, nhân vật, khung cảnh, thay đổi, từ một cô gái quê cho tới một cô tình nhân bụi đời ở kinh đô ánh sáng, từ những kinh rạch bán khai chằng chịt ở quê hương cho tới cảnh đô hội nơi đất khách… ở đâu Kiệt Tấn cũng xông xáo thông thạo như một “thổ công”.
Kiệt Tấn kể chuyện với cái phong cách riêng của ông. Vừa nâng niu hoài niệm vừa hóm hỉnh cợt đùa với chữ nghĩa. Người đọc qua diễn tả của ông như thấy lại một thời thơ ấu của tuổi trẻ ngây thơ ăn chưa no lo chưa tới nhưng hừng hực nhiệt tình đời sống. Một cậu học trò công tử vườn được sống lại trong cái đáng yêu và cái đáng ghét của nó. Chính thị là Kiệt Tấn nhưng cũng có thể là một hình bóng nào của chúng ta của những ngày mới lớn.Cái cảm giác nóng hôi hổi dục tính hay cái lạnh lẽo của cô đơn kiếp người dù rất riêng tư nhưng vẫn có nét gần cận với đời sống ở một phút tiếp cận nào đó của hoài niệm nhớ ve,à của hân hoan chia sẻ. Cuộc đời thường và nghiệp sống văn chương Kiệt Tấn có khi là một nhưng ở trong một bất kỳ chạnh lòng nào đó lại phân hai thành hai thế giới của những chân dung đối chọi nhau của mâu thuẫn nội tâm của những ray rứt có thể từ tâm tính bất định của một cuộc sống mà thực và ảo không chỉ là giản đơn của hư cấu và thực tại. Có một cái gì đó, của một người có lúc cũng xa lạ với chính mình…
Kiệt Tấn cũng là một khuôn mặt tiêu biểu với những tác phẩm truyện ngắn, truyện dài có phong vị riêng của những người sinh trưởng ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Oâng viết về những ngày xa xưa khi con người phải chống trả với nghiệt ngã của thiên nhiên, của thú dữ và chính cái ác độc của con người. Ông cũng viết về thời mới gần đây của xã hội nửa tỉnh nửa quê ở miền Nam, những chuyện tình và những sinh hoạt phong tục của một xã hội có nhiều nét đặc thù dễ yêu của những con người thật thà chân chất…
Kiệt Tấn là một khuôn mặt nổi bật của văn học Việt Nam hải ngoại. Những truyện ngắn của ông xuất hiện trên những tạp chí văn học nghệ thuật của những năm thập niên 80, 90 đã tạo được những hiện tượng văn học ở hải ngoại. Nửa tự truyện nửa hư cấu, với phong cách tự nhiên của người dám sống thực và viết thực, Kiệt Tấn tạo dựng được một thế giới văn chương độc đáo mà trong đó nhân vật là những mẫu người thật sinh động, mà dấu ấn của thời cuộc cũng như cá tính của một người bất bình thường nhưng lại có nét đáng yêu của một nghệ sĩ với những nét lãng mạn riêng.