Ngô Nhân Dụng – VOA
Nước Mỹ có dân chủ thật sự không? Những vụ gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống có giải quyết được hay không? Liệu có nội chiến không? Bao giờ Tối cao pháp viện Mỹ mới can thiệp? Những câu hỏi, đọc trong email trao đổi giữa một số bạn bè trong nước, cho thấy bà con rất quan tâm đến cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua. Rất lo cho tương lai nước Mỹ. Đa số đều ủng hộ Tổng thống Donald Trump, giống như người Việt ở Mỹ, sau khi thấy ông tung nhiều cú đòn đánh thuế hàng nhập cảng và ngăn chặn các đại công ty từ Trung Quốc.
Trước hết, phải nói rõ như vầy: Cảnh “lộn xộn” sau cuộc bầu cử tổng thống không làm chế độ dân chủ suy yếu. Ngược lại, nó có thể chứng tỏ rằng thể chế này đã cắm rễ sâu bền, đang vượt qua những thử thách nhất thời.
Thứ hai, không ai lo nội chiến. Những người bên ở ngoài chỉ coi tin tức trên ti vi có thể lo xứ Mỹ sắp loạn to. Người Mỹ đã quen với những cảnh đó rồi. Những cuộc biểu tình, có lúc sinh bạo động, vào giữa năm 2020 còn quá nhỏ, và ngắn ngủi, so với những xung đột gây ra trong phong trào đòi dân quyền hồi 1964, và phong trào chống chiến tranh trong những năm 1966-1968.
Ở Mỹ, không dễ gì mà gây nên nội chiến. Có vài chục thanh niên tích trữ vũ khí, bàn nhau đi bắt cóc bà thống đốc Tiểu bang Michigan. Nhưng FBI đã dẹp tan, đang đưa ra tòa xử. Gần đây nhiều người Mỹ đi biểu tình mang theo cả súng AK; nhưng đó cũng là chuyện bình thường, họ có giấy phép mang súng.
Nhưng Tổng thống Donald Trump đã tố cáo liên tiếp rằng ông thua ở một số tiểu bang chỉ vì bỏ phiếu gian lận; vậy hơn 74 triệu người đã tín nhiệm ông họ có chịu ngồi yên hay không? Họ không ngồi yên. Hàng chục ngàn người đã đi biểu tình ủng hộ ông Trump. Họ phản đối kết quả do các tiểu bang công bố.
Nhưng dân Mỹ đã nhiễm một thói quen, là chỉ giải quyết các bất đồng ý kiến hoặc xung đột quyền lợi bằng pháp luật. Đã có mấy chục vụ kiện ở một số tiểu bang đòi hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống. Sau khi tòa đã phán quyết thì người ta có thể kháng án, đưa lên tòa trên. Nhưng không thấy ai tiếp tục chống đối bằng bạo lực. Có người bất mãn đã gửi thư đe dọa một vị quan tòa hay mấy viên chức phụ trách tổ chức bầu cử, nhưng những người đó không ai coi là quan trọng.
Người ta tôn trọng luật pháp, tuân thủ các phán quyết của tòa án. Tại sao các quan tòa được tôn trọng như vậy? Chắc hẳn là vì các thẩm phán thường làm đúng nhiệm vụ của họ, xét xử theo đúng luật. Cũng có những thẩm phán làm sai, nhưng rất hiếm.
Trong một tháng qua, ở các tiểu bang Georgia, Pennsylvania, Wisconsin, và Arizona, nhiều vị thẩm phán đã bác bỏ các đơn kiện đòi xóa bỏ kết quả thắng lợi của ông Joe Biden, nhiều quan tòa do chính Tổng thống Trump bổ nhiệm. Có phiên tòa ba vị thẩm phán đều thuộc đảng Cộng Hòa.
Cũng giữ quan điểm độc lập như các quan tòa, nhiều viên chức thuộc đảng Cộng Hòa đã chứng nhận ông Biden chiếm đa số phiếu, chống lại các áp lực. Tiểu bang Georgia là tiêu biểu. Cả guồng máy lãnh đạo tiểu bang, từ mấy chục năm qua, vẫn gồm những người thuộc đảng Cộng Hòa. Bản thân họ đã bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Trump. Họ đã cho đếm phiếu lại, đếm tất cả bốn lần, để bảo đảm không gian lận. Nhưng cuối cùng họ vẫn công nhận ông Biden thắng. Một số thống đốc và chủ tịch nghị viện ở một số tiểu bang, dù thuộc đảng Cộng Hòa, đã từ chối không cử người cùng đảng vào Cử Tri Đoàn. Họ nói rõ ràng là họ không có quyền làm như vậy.
Tinh thần thượng tôn luật pháp là một nền tảng của xã hội tự do dân chủ. Nhưng tại sao các quan tòa cố gắng xét xử đúng luật pháp? Tại sao các viên chức chính quyền cố thi hành đúng luật lệ? Có thể nói, vì kinh nghiệm cuộc sống đã cho mọi người thấy đó là lựa chọn khôn ngoan nhất, có lợi nhất. Tính về lâu về dài thì hành động theo đúng pháp luật là chiến lược tối ưu cho chính những người phải lựa chọn.
Người ta theo “chiến lược” đó vì địa vị của một thẩm phán, hoặc một viên chức phụ trách tổ chức bầu cử không tùy thuộc một nhà chính trị hay một đảng phái nào cả. Câu tục ngữ Việt Nam “quan nhất thời, dân vạn đại” đúng. Trong chế độ dân chủ, chữ “quan” trong câu tục ngữ này còn mở rộng bao gồm tất cả những người nắm quyền lực.
Đây là một nền tảng của chế độ dân chủ: “Vua nhất thời, dân vạn đại!” Sau hàng trăm năm sống tự do dân chủ, người dân Mỹ, cũng như các thẩm phán, các viên chức chính quyền ở Mỹ, biết rằng nếu làm đúng pháp luật thì không bị mất chức, không bị thiệt thòi về kinh tế. Làm đúng lương tâm và pháp luật còn bảo vệ được uy tín của mình trong xã hội.
Con người sống như vậy được là nhờ có dân chủ tự do. Trong bất cứ chế độ độc tài loại nào, phát xít, cộng sản, quân phiệt hay tư bản quả đầu, người ta không được lựa chọn làm đúng luật pháp!
Cuộc sống tự do dân chủ tạo điều kiện cho chúng ta chọn sống Thiện. Bởi vì không có một Đảng nào chiếm độc quyền ban phúc giáng họa kiểm soát đời sống tất cả mọi người!
Khi nói đến chữ Đảng, người Việt Nam chỉ có kinh nghiệm về một đảng chuyên chính độc quyền. Các đảng phái chính trị ở những nước dân chủ hoàn toàn khác. Ở nước Mỹ, mỗi người có thể theo đảng Cộng Hòa hay Dân chủ vì đồng ý với các chủ trương, chính sách của họ; nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải tuân hành mệnh lệnh của cấp trên trong đảng.
Cho nên trong khi bỏ phiếu người dân có thể chọn ủng hộ chức tổng thống cho một đảng mà vẫn bầu cho đảng khác vào quốc hội hoặc nghị viện tiểu bang. Cho nên, trong cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 vừa qua ông Biden có thể hơn ông Trump 7 triệu phiếu nhưng đảng Dân chủ vẫn thất bại, mất 6 ghế ở Hạ viện. Ngoài ra phần lớn nghị viện các tiểu bang vẫn nằm trong tay đảng Cộng Hòa, không thay đổi – ngay tại các tiểu bang đang bị thưa kiện vì ghi nhận ông Biden chiếm nhiều phiếu hơn.
Và ở Mỹ ai cũng biết chiến thắng tại nghị viện các tiểu bang năm nay quan trọng hơn cả việc bầu tổng thống. Kiểm soát được nghị viện sẽ giúp cho đảng Cộng Hòa nắm các tiểu bang đó trong 10 năm tới. Bởi vì họ sẽ nắm quyền phân chia địa giới các đơn vị bầu cử, sẽ đem lợi thế cho họ, cho đến khi có cuộc kiểm tra dân số mới năm 2030.
Vậy có gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua hay không? Đồng bào mình ở Việt Nam có thể không biết cách dân Mỹ bỏ phiếu như thế nào. Họ chọn lựa tất cả các chức vụ dân cử, từ chức tổng thống, dân biểu, nghị sĩ, nghị viên thành phố, cho tới thành viên các hội đồng giáo dục, vệ sinh, y tế, vân vân của thị xã. Chọn tất cả, trong cùng một lần bỏ phiếu. Hơn nữa, tất cả được chọn và đánh dấu trên cùng một lá phiếu; trên cùng một tờ giấy khi bỏ bằng thư, hay cùng một màn ảnh khi trực tiếp đánh dấu trên máy vi tính.
Hãy giả thiết có một đảng đã âm mưu qua mặt viên chức các tiểu bang, tạo ra hàng trăm ngàn lá phiếu gửi bằng thư giả mạo, tức là những cử tri không có thật mà vẫn có phiếu bầu. Hoặc giả thiết có một đảng đã lũng đoạn cái máy computer để nó đổi phiếu bầu người này qua cho người khác.
Nếu các giả thiết trên đúng thì người ta phải ngạc nhiên, đặt câu hỏi tại sao những người âm mưu gian lận lại “ngoan” như vậy! Tại sao một nhóm người đã tạo ra hàng trăm ngàn lá phiếu giả mà lại chỉ dùng trong việc bầu cho chức vụ tổng thống không thôi? Tại sao họ không dùng các phiếu giả đó bầu cho các ứng cử viên của họ trong Hạ viện và các nghị viện tiểu bang? Nếu họ chỉ lo bầu tổng thống còn bỏ trống những chức vụ khác, thì tại sao tổng số phiếu bầu các chức vụ thấp vẫn nhiều bằng các phiếu bầu tổng thống?
Máy vi tính cũng vậy. Tại sao kẻ gian không dùng máy để thay đổi các phiếu bầu quốc hội và nghị viện tiểu bang?
Cho đến nay, các vụ thưa kiện về gian lận bầu cử vẫn chưa đưa ra các bằng chứng minh bạch. Chính quyền các tiểu bang, và ông bộ trưởng Tư pháp liên bang đều nói rằng không thấy một âm mưu gian lận nào đến mức làm sai lạc kết quả tất cả cuộc bỏ phiếu.
Vậy nước Mỹ có dân chủ thật sự không? Cứ nhìn vào hành động của các vị thẩm phán, các viên chức chính quyền tiểu bang, liên bang, có thể tin rằng thể chế dân chủ còn bền vững. Người Việt Nam ở trong nước không cần lo lắng cho tương lai nước Mỹ.
#baucutongthonghoaky