Chủ thuyết “Giày Vừa Chân” của Tập Cận Bình

- Quảng Cáo -

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành – Nghiên Cứu Quốc Tế

Có lẽ vì cho rằng nước mình là một nước lớn nên các tân lãnh đạo Trung Quốc khi mới “lên ngôi” bao giờ cũng đưa ra một chủ thuyết mới khác với người tiền nhiệm.

Đặng Tiểu Bình có thuyết Mèo trắng mèo đen mà người Trung Quốc gọi là Lý luận Đặng Tiểu Bình. Giang Trạch Dân có thuyết Ba Đại diện. Hồ Cẩm Đào có Quan điểm phát triển một cách khoa học. Các thuyết nói trên đều được đưa vào Lời Nói Đầu Hiến pháp Trung Quốc và các văn kiện chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Năm 2012, Tập Cận Bình lên nắm các chức vụ cao nhất ở Trung Quốc: Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương. Vậy ông đưa ra chủ thuyết gì?

- Quảng Cáo -

Trước khi tiếp nhận chiếc gậy quyền lực từ tay người tiền nhiệm, Tập Cận Bình đã có những phát biểu để lộ ý không hài lòng với thói quen của Mỹ và phương Tây hay lên mặt chỉ bảo Trung Quốc nên giải quyết các công việc nội bộ ra sao. Như vậy suy ra sau khi nắm quyền lực tối cao ở đất nước này rồi, dĩ nhiên ông Tập sẽ hành xử một đường lối ngoại giao chịu ảnh hưởng bởi tâm lý bất mãn đó. Nói cách khác, đường lối đối ngoại của Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn thời Hồ Cẩm Đào.

Điều đó dường như đã thể hiện trong thái độ của Bắc Kinh khi xử lý vụ tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật: mấy lần máy bay tàu chiến hai nước suýt “chạm trán” nhau vì Trung Quốc chĩa ra đa ngắm bắn vào máy bay tàu chiến Nhật. Sau đó ít lâu, tàu chiến Trung Quốc đuổi và bắn cháy tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam mà Bắc Kinh lại nói đó là “quyền chính đáng”. Triều Tiên hò hét đe dọa xóa sổ Hàn Quốc và bắn tên lửa tới Mỹ thì Trung Quốc chỉ khuyên “hai bên nên có thái độ kiềm chế”, có người nghi ngờ Bắc Kinh đứng đằng sau Bình Nhưỡng trong vụ này, v.v…

Việc Tập Cận Bình chọn Cộng hòa Liên bang Nga làm quốc gia đầu tiên ông đến thăm sau ngày nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc cho thấy nước này đang cố lôi kéo Nga vào một mặt trận chống lại phương Tây đứng đầu là Mỹ. Nước Nga của Tổng thống Putin cũng thi hành đường lối cứng rắn với phương Tây. Báo chí Trung Quốc gần đây nói nhiều tới “các thế lực ngoài nước”: mọi rắc rối xảy ra ở Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong, chính quyền Trung Quốc đều đổ lỗi cho “các thế lực ngoài nước” có dã tâm hại Trung Quốc. Thái độ lôi kéo Nga cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về những bất ổn nội bộ trong nước.

Trong bài nói chuyện dưới đầu đề “Thuận theo trào lưu tiến lên của thời đại, đẩy mạnh phát triển hòa bình thế giới” tại Học viện Quan hệ quốc tế Matxcơva (MGIMO) ngày 23/3/2013, Tập Cận Bình nhấn mạnh:  Ngày nay bất cứ một quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào cũng không thể đơn phương định đoạt công việc của thế giới nữa; Trung Quốc phản đối sự can thiệp công việc nội bộ nước khác; mối quan hệ Trung Quốc-Nga hùng mạnh là bảo đảm quan trọng cho việc giữ gìn sự cân bằng chiến lược quốc tế.

Dĩ nhiên Mỹ và phương Tây hiểu rõ những lời nói ấy nhằm vào ai. Cùng hôm đó, ông Tập đến thăm Bộ Quốc phòng Nga, trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được thăm Trung tâm Chỉ huy tác chiến, một địa điểm cực kỳ quan trọng và bí mật của quân đội Nga.

Đáng chú ý, trong bài nói tại Học viện MGIMO, khi kêu gọi các nước cùng xúc tiến xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới lấy hạt nhân là hợp tác cùng thắng, nhân dân thế giới cùng đứng lên bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy sự phát triển chung, Tập Cận Bình nói:

Trào lưu thế giới cuồn cuộn trôi, xuôi theo thì thịnh, đi ngược lại thì chết. Muốn theo kịp bước tiến của thời đại thì không thể thân xác đã sang thế kỷ 21 mà đầu óc vẫn dừng lại ở quá khứ, dừng lại ở thời đại cũ rích bành trướng thực dân, dừng lại trong khuôn khổ cũ rích của tư duy chiến tranh lạnh và cuộc chơi có kết quả tổng bằng không [zero-sum game]….

Chúng tôi chủ trương các nước và nhân dân các nước nên cùng nhau hưởng sự tôn nghiêm. Cần kiên trì quốc gia không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu, giàu nghèo phải nhất luật bình đẳng, tôn trọng quyền của nhân dân các nước tự chủ lựa chọn con đường phát triển, phản đối can thiệp công việc nội bộ của nước khác, giữ gìn công bằng chính nghĩa quốc tế. “Giày vừa chân hay không, tự mình đi giày rồi mới biết 鞋子合不合脚自己穿着才知道”. Con đường phát triển của một nước có thích hợp hay không, chỉ nhân dân nước đó mới có quyền phát ngôn hơn cả”.

Rõ ràng Tập Cận Bình muốn gửi một thông điệp đến Mỹ và phương Tây là các người chớ có can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Nga, chớ có ép chúng tôi phải đi theo con đường dân chủ của phương Tây! Chúng tôi có con đường riêng của mình, chúng tôi chọn nó vì nó thích hợp với chúng tôi. Trung Quốc sẽ đi “giày vừa chân mình” để thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”, tuy rằng con đường đó còn không ít trắc trở.

Bản Tuyên bố chung Trung Quốc-Nga công bố hôm 23/3/2013 nhấn mạnh: Hai bên ủng hộ quyền của các nước tự chủ lựa chọn con đường phát triển và chế độ chính trị xã hội của mình, kêu gọi tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

Quan điểm “Giày vừa chân hay không, tự mình đi rồi mới biết” nói trên của ông Tập Cận Bình được giới truyền thông Trung Quốc gọi là “Thuyết Giày vừa chân” 鞋子合脚论.

Truyền thông Trung Quốc nhao nhao hưởng ứng và ủng hộ chủ thuyết mới của lãnh tụ họ Tập, cho rằng thuyết này chẳng những nói rõ nhận thức của tân lãnh đạo Trung Quốc về sự khác biệt trong mô hình phát triển của các nước và chủ trương đối với trật tự quốc tế, mà còn thể hiện lòng tự tin của chế độ chính trị Trung Quốc và niềm tin kiên định thực hiện Giấc mơ Trung Quốc.

Xã luận của Mạng Nhân dân ngày 26/3/2013 viết: Từ “Thuyết Giày vừa chân” hiểu được Trung Quốc phát triển một cách tự tin. “Giày vừa chân hay không, tự mình đi rồi mới biết” — đây là câu nói chất phác nhưng có nhiều triết lý, dễ hiểu nhưng ý vị sâu sắc lâu dài. Câu này ít nhất có hai tầng hàm nghĩa. Thứ nhất, giày to hay nhỏ, chật hay rộng, nên lấy độ thoải mái khi đi giày làm thước đo; giày của người khác dù đẹp hơn chưa chắc hợp với chân mình, mù quáng xỏ giày của người khác là mạo hiểm. Thứ hai, giày như thế nào thì vừa chân — chỉ có chân mới biết rõ nhất, người đi giày là kẻ có quyền phát ngôn hơn cả. “Thuyết Giày vừa chân” thường dùng trong hôn nhân, ví dụ hai vợ chồng sống với nhau ngọt bùi cay đắng ra sao thì chỉ họ mới biết, người ngoài không thể biết được. “Cai trị nước lớn cũng giống như nấu món ăn ngon” [chương 60 Đạo Đức Kinh], là một việc rất khó. Báo cáo chính trị ở Đại hội 18 ĐCSTQ chỉ rõ người Trung Quốc cần phải kiên định ba niềm tự tin lớn: Tự tin đường lối, tự tin lý luận, tự tin chế độ. Nếu nói “Đường lối quyết định vận mệnh” thì chọn con đường nào, đi giày nào để đi đường là việc cần đặc biệt thận trọng.

Theo dân mạng Trung Quốc, Thuyết Giày vừa chân rất thích hợp dùng để hình dung con đường phát triển của nước họ. Việc đưa ra thuyết này có bối cảnh lịch sử phức tạp và có ý nghĩa hiện thực. Trước hết nó nói lên một sự thật: có quốc gia cá biệt nghĩ rằng “giày” của mình là vừa chân tất cả các quốc gia khác và ra sức khuyến khích người ta đi “giày” này. Câu đó rõ ràng nhằm vào nước Mỹ: từ sau ngày kết thúc Thế chiến II, nước này muốn quảng bá khắp thế giới Mô hình Mỹ, lấy “Dân chủ” làm một trụ cột của chiến lược ngoại giao, lấy lý luận “Thị trường tự do” làm liều thuốc hiệu nghiệm để giải quyết mọi vấn đề kinh tế khắp thế giới. Nước nào không theo mô hình Mỹ thì có thể bị chê trách thậm chí trừng phạt. Thứ hai, cố tình, hoặc bị ép phải đi đôi giày không vừa chân thì rất có thể chân sẽ bị đau, đi cà nhắc. Một số nước mù quáng theo mô hỉnh Mỹ, hậu quả làm xã hội rối loạn, kinh tế suy sụp. Khi nước Nga của Tổng thống Putin kiên trì đi con đường của mình, Mỹ đã gây sức ép can thiệp. Thứ ba, các quốc gia cần kiên trì “đi giày vừa chân mình”, tức đi con đường phát triển hợp với mình.

Xem ra không phải mọi người Trung Quốc đều vừa lòng với chủ thuyết của tân lãnh tụ. Họ mượn chuyện bàn về chủ thuyết đó để nói lên suy nghĩ của mình về chế độ chính trị nước họ.

Một dân mạng tự hỏi: “Trong một nước nhân dân còn thiếu cả tự do ngôn luận mà nói chuyện giày vừa chân, phải chăng là quá xa xỉ ?”

Nhà báo Trịnh Hiện Lợi ở Tuần báo phương Đông viết: “Giày có vừa hay không dĩ nhiên chỉ cái chân mới biết. Đã như vậy thì hãy để cho tất cả mọi đôi chân đều đứng ra công khai, tự do phát biểu cảm tưởng của mình đối với đôi giày. Không thể chỉ cho phép một số chân cảm thấy vừa giày mới được quyền phát ngôn mà áp chế, ngăn chặn những đôi chân khác nói ý kiến của họ. Có như vậy thì mới có được thông tin hoàn chỉnh đúng đắn về chuyện giày vừa chân hay không và dựa vào đó để sửa chữa giày. Nếu không thì trong tiếng tung hô tán dương a dua theo phong trào, tất nhiên sẽ làm cho các đôi chân khác cảm thấy ấm ức.”

Một dân mạng lập luận: “Lý lẽ của thuyết giày vừa chân rất đúng. Vì thế khi vào hiệu mua giày dĩ nhiên tôi đều thử xỏ chân xem nếu giày không vừa chân thì chọn đôi khác, hoàn toàn không quan tâm tới chuyện đôi giày ấy có nhãn hiệu gì. Nếu cứ cố chấp chỉ chọn một nhãn hiệu thôi, thì khó mà chọn được giày vừa chân.”

Một nhà bình luận viết: “Ai bỏ tiền mua giày thì người ấy nói thế nào cũng được. Dân chúng nộp thuế rồi thì có quyền nói giày có vừa chân hay không. Mua giày rồi còn đòi hỏi có dịch vụ hậu mãi, cũng đòi có quyền đổi giày. Bản thân giày không có tư cách nói nó có vừa chân hay không mà thông thường đều là cái cùm chân lại có tư cách nói chuyện ấy.”

Lại có người phịa ra chuyện này: “Một anh chàng thấy giày mình đi không vừa chân bèn chuẩn bị đổi đôi khác. Có người bảo, cá nhân anh không thể đại diện cho nhân dân; nhân dân cảm thấy đôi giày này rất vừa chân. Anh kia nói, thế thì đem ra biểu quyết toàn dân đi, xem mọi người nhận xét về đôi giày ấy như thế nào. Rốt cuộc anh ta bị xử tù vì câu nói đó.”

Có người đặt câu hỏi: Nếu giày không vừa chân thì sao ?

Trên mạng Trung Quốc có mấy ý kiến đại để như sau:

– Giày không vừa chân mà cứ cố đi, như thế mới là chuyện đau khổ nhất.

– Giày không vừa chân thì nên đổi giày cho tôi hay là đẽo chân tôi cho vừa giày ?

– Muốn thử đi giày mới hả? Xem giày có vừa chân hay không chứ gì? Dù thế nào đi nữa, nhân dân cả nước cảm thấy đôi giày hiện nay rất bó chân.  鞋子很咯脚

Có lẽ “giày vừa chân” là nói cái gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Thuyết Giày vừa chân  của Tập Cận Bình có thể làm vừa lòng những người ủng hộ chế độ chính trị không đi theo trào lưu dân chủ tự do và các giá trị phổ quát của thời đại. Cách đây ít lâu, Lý Quang Diệu — một người châu Á hiểu cả Mỹ và Trung Quốc hơn ai hết — từng nói: “Trung Quốc sẽ không trở thành một nước tự do dân chủ… Nếu bạn tin rằng Trung Quốc sẽ xảy ra một kiểu cách mạng dân chủ nào đấy thì bạn đã lầm. Để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ sẽ thử dùng mọi cách, trừ thế chế dân chủ, chế độ đa đảng mỗi người dân một phiếu bầu.”

Chính quyền Trung Quốc vốn có thói quen nói một đằng làm một nẻo. Nói tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nước khác nhưng lại quyết bằng bất cứ giá nào đòi chủ quyền biển đảo theo Đường 9 đoạn lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một số nước Đông Nam Á. Nói giữ hòa bình thế giới nhưng lại cho tàu chiến đuổi theo bắn cháy tàu ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển quen thuộc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng Thuyết Giày vừa chân chỉ phục vụ lợi ích của nhà cầm quyền Trung Quốc mà thôi.

Tham khảo:

- Quảng Cáo -