Lưỡng bại câu thương

Phạm Nhật Bình

Nếu không có vốn liếng và kỹ thuật của Hoa Kỳ và Tây Phương, Trung Quốc không bao giờ tự giải quyết nổi miếng ăn cho cả tỷ người dân, đừng nói tới phát triển khoa học kỹ thuật. Đặng Tiểu Bình biết như vậy và với chủ trương “giấu mình chờ thời”, trong khi Trung Quốc xử dụng chính phương tiện của tư bản chủ nghĩa để phát triển kinh tế trong 30 năm để trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới.

Nhưng thời kỳ Tập Cận Bình thì khác. Tập đang ở địa vị một hoàng đế không ngai, không cạnh tranh với Hoa Kỳ trong cương vị cường quốc hạng nhì mà nhắm tới vị trí số một thế giới. Chính sách can dự tích cực của Mỹ muốn tạo ra ở Trung Quốc nghèo đói một nền kinh tế mang màu sắc thị trường, từ đó thành phần thị dân mới giàu lên tạo thành đòn bẩy cho đất nước dân chủ hóa. Nhưng thực tế trong những năm qua cho thấy chính sách ấy thất bại. Nói cách khác Hoa Kỳ mắc bệnh chủ quan với suy nghĩ tích cực của mình. Ở lục địa các phong trào dân chủ như những điểm sáng lẻ loi bị dập tắt không nương tay và đời sống chính trị bị siết chặt hơn bao giờ hết. Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ chẳng những bằng quy mô nền kinh tế phát triển mà còn thách thức về quân sự trên eo biển Đài Loan, trên vấn đề Biển Đông. Bóng dáng của Tập Cận Bình xuất hiện trên vấn đề Ukraine, môi giới cho bang giao Iran – Arab Saudi ở Trung Đông, thọc tay vào Châu Phi và mọi nơi trên thế giới với Sáng kiến Một vành đai, Một con đường. Tham vọng của Tập Cận Bình không chỉ chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực, xóa sổ vĩnh viễn Trung Hoa Dân Quốc mà còn là đẩy lùi lực lượng Hoa Kỳ, làm bá chủ Biển Đông.

Nhưng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn tham vọng đó và trong tương lai xung đột quân sự khó tránh khỏi với điểm nóng đang âm ỉ là vấn đề Đài Loan. Nhiều lần Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan khi Bắc Kinh rêu rao dùng vũ lực “thu hồi” Đài Loan. Câu hỏi thực tế được đặt ra là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan tới mức độ nào nếu chiến tranh bùng nổ? Hoa Kỳ một mặt vẫn tuyên bố tôn trọng chính sách “Một Trung Hoa” một mặt duy trì chiến lược mơ hồ khiến chính Bắc Kinh cũng đắn đo nếu phải đưa ra quyết định trong những năm sắp tới. Nhưng một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng biến thành cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân, sẽ lôi kéo nhiều quốc gia khác tham gia. Và không có gì bảo đảm họ không tung ra những đòn quyết định bằng thứ vũ khí giết người hàng loạt để thủ thắng. Đó là một thảm họa cho chính Trung Quốc và Hoa Kỳ, trước khi là thảm họa của nhân loại. Do đó cả ông Tập và bất cứ tổng thống Mỹ nào đó đều phải biết câu “Lưỡng bại câu thương” là gì.

Sách chép rằng “Vào thời kỳ chiến quốc, có một người tên là Thuần Vu, là người rất thông minh, gặp chuyện gì đều có thể nghĩ ra cách hay để giải quyết. Lúc ông biết được vua Tề Tuyên đang tập hợp binh mã chuẩn bị tấn công nước Ngụy, liền đến gặp nhà vua để thuyết phục Tề Tuyên đừng đánh nước Ngụy nữa.

Ông kể cho vua Tề Tuyên nghe một câu chuyện về Hàn Tử Lư và Đông Quách Thoan. Hàn Tử Lư là một con chó săn hung dữ, còn Đông Quách Thoan là một con thỏ gian xảo. Một ngày nọ, Hàn Tử Lư đuổi theo Đông Quách Thoan, muốn bắt nó và ăn thịt. Đông Quách Thoan phía trước chạy bạt mạng, Hàn Tử Lư ở phía sau cũng bạt mạng đuổi theo. Rượt đuổi một hồi lâu, cả hai mệt đến mức không thể chạy nổi nữa, cùng gục chết dưới chân núi. Vào lúc này, một người thợ săn tình cờ đi ngang qua, anh ta mang chúng về nhà và cho chúng vào lò mà không cần tốn nhiều công sức.

“Vua Tề Tuyên nghe vậy liền nói: “Ta không hiểu ngươi kể câu chuyện đó với ta so với việc bây giờ đi đánh nước Ngụy có liên quan gì với nhau?”. Thuần Vu bèn nói: “Đại Vương bây giờ đi đánh nước Ngụy, trong thời gian ngắn như vậy thì không thể đánh thắng được. Trước mắt cả hai bên đều sẽ làm cho đời sống dân chúng nghèo đói, tiền của nhà cửa tiêu tan, không những vậy đất nước cũng lầm than, binh lực cũng sẽ chịu nhiều tổn thất. Nếu như nước Tần và nước Sở nhân cơ hội đánh chúng ta , không phải là nước Tề và cả nước Ngụy sẽ mất sao?” Vua Tề Tuyên nghe thấy Thuần Vu nói như vậy, cảm thấy rất có lý, liền dừng kế hoạch tấn công nước Ngụy lại.”

“Lưỡng bại câu thương” là thành ngữ dùng để chỉ hai đối tượng có năng lực ngang nhau, tranh đấu lẫn nhau, đều sẽ nhận lấy tổn thất, chẳng ai có được lợi ích gì.

Trở lại chuyện Trung Quốc muốn vươn lên vị trí số một thế giới, tất yếu chiến tranh sẽ xảy ra. Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ gần 6.000, của Trung Quốc chưa tới 2.000 nhưng không vì thế mà Trung Quốc không quyết định đánh phủ đầu lược lượng Mỹ ở Thái Bình Dương và ngay trên đất Mỹ. Lúc đó lãnh thổ hai nước sẽ lãnh những hậu quả tàn phá chưa từng có về sinh mạng và sức mạnh vật chất, giống Hàn Tử Lư và Đông Quách Thoan kiệt lực cùng chết dưới chân núi. Lúc đó gả thợ săn là Nga ung dung tóm thâu Ukraine và một số quốc gia nhỏ ở Châu Âu mà NATO đành chịu bó tay. Hơn thế nữa, Nga sẽ thừa cơ chiếm những vị trí đất đai trên biên giới Nga – Trung kéo dài trên 4.300 km, nơi mà năm 1969 gần 700.000 quân Liên Xô đối đầu với 800.000 quân Trung Quốc. Đây là cơ hội bằng vàng của Putin mở rộng đế chế Nga mà không tốn nhiều công sức như hiện nay.

Trong nghề võ, khi hai đối thủ ngang tài cùng tung ra đòn quyết tử cuối cùng thì sẽ không ai thắng ai, mà cả hai đều tử thương. Ý nghĩa của câu “lưỡng bại câu thương” đơn giản chỉ có vậy.

Giờ đây, trong tình thế gay cấn của một cuộc chiến tranh thương mại leo thang từng ngày, bàn cờ đang trong tay Bắc Kinh và Washington. Tùy vào sự phán đoán và cân nhắc sáng suốt của các nhà lãnh đạo hai nước đối với câu chuyện “lưỡng bại câu thương”, nếu họ không muốn cùng đại bại.

Phạm Nhật Bình