Ông Tập muốn gì ở Đông Nam Á?

Nguyễn Công Bằng

Các kịch bản thương chiến Mỹ – Trung

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp đến Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Chuyến đi này có thể có lợi cho Bắc Kinh, nhưng Việt Nam và hai nước chủ nhà còn lại phải thận trọng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang diễn ra hết sức quyết liệt.

Ông Donald Trump lên ngôi như một sự khẳng định quyền của người Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh với chính quyền của nhiều quốc gia khác, hình như đối với ông Trump, dường như không có khái niệm các quốc gia đồng minh hay không. Trump biết rằng thương mại với Mỹ là yếu tố sống còn đối với sự thịnh vượng và thậm chí cả sự ổn định của hàng chục quốc gia. Ông nhận thức được rằng sự bảo đảm của Mỹ là nền tảng cho an ninh của phần lớn thế giới. Bằng cách nói với thế giới rằng cả quy tắc thương mại và đảm bảo an ninh chỉ phụ thuộc vào ý muốn của ông, ông đang tập trung lượng quyền lực lớn nhất có thể vào tay mình. Bản chất liều lĩnh và tùy tiện trong biểu thuế của ông nhấn mạnh mức độ dễ bị tổn thương của các bên khác trước các quyết định của ông, đồng thời cho thấy sự thiếu vắng các ràng buộc trong nước đối với quyền lực của ông.

Khi chiến dịch thuế quan của Mỹ đang mở ra một kỷ nguyên mới đầy bất ổn trên toàn cầu, Tập Cận Bình chuẩn bị có chuyến công du Đông Nam Á. Đây là chuyến thăm được giới phân tích cho là đúng thời điểm và mang tính chiến lược nhằm tăng cường quan hệ trong khu vực và củng cố danh tiếng của Bắc Kinh với tư cách là đối tác kinh tế đáng tin cậy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 vừa qua đã đưa ra tối hậu thư, nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế mang tính trả đũa 34%, Washington sẽ tiếp tục áp thêm mức thuế bổ sung 50% đối với hàng hóa của Trung Quốc, khiến dư luận không khỏi quan ngại về nguy cơ cuộc chiến thuế quan Trung-Mỹ rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Kịch bản này sẽ đồng nghĩa với việc Trump ngay đầu nhiệm kỳ 2 đã nâng mức thuế nhập khẩu lên tới hơn 100% đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến nền kinh tế của hai bên phân tách hoàn toàn khỏi nhau.

Trước các “đòn tấn công” thuế của Washington, Bắc Kinh tỏ ra rất cứng rắn và tuyên bố chống trả đến cùng. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố việc gây sức ép hoặc uy hiếp của Mỹ không phải là giải pháp đúng đắn trong phát triển quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng lên tiếng nếu Mỹ vẫn khăng khăng thực hiện theo cách thức riêng của mình thì Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh, nếu Washington có ý định phát động các cuộc chiến thuế quan và thương mại, Trung Quốc sẽ theo đến cùng. Nếu như trong nửa cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ nhất của ông Donald Trump, căng thẳng Trung-Mỹ trong lĩnh vực thương mại chỉ gần chạm mức của cuộc chiến thuế quan, thì trong những ngày vừa qua, cuộc chiến không khói súng này đã được nâng cấp lên tầm của một cuộc “chiến tranh hạt nhân”.

Giới nghiên cứu cho rằng, cuộc chiến thuế quan do Trump phát động có thể sẽ dẫn tới một số kịch bản như sau:

Thứ nhất, thuế quan hà khắc chỉ là cái cớ để Mỹ đưa ra điều kiện đàm phán, nếu các nước chấp nhận và thuận theo yêu cầu của Washington, thuế quan sẽ được cắt giảm hoặc đưa về mức thấp, giúp hệ thống thương mại toàn cầu vượt qua cơn khủng hoảng.

Thứ hai, tất cả các nước đều không chấp nhận thỏa hiệp, áp dụng biện pháp đáp trả cứng rắn, đồng thời hình thành một liên minh chống lại Mỹ khiến cho lạm phát của nước này gia tăng, dân chúng bất bình, xã hội mất ổn định buộc Washington phải thu hồi lại chính sách thuế quan hà khắc.

Thứ ba, một số nền kinh tế có quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại với Mỹ chấp nhận thỏa hiệp, còn một số nền kinh tế lớn lại kiên quyết chống trả và gây áp lực để Washington phải nhượng bộ.

Khó có thoả thuận lớn?

Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam, Malaysia và Campuchia từ ngày 14-18/4. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tập Cận Bình năm 2025 và là chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á kể từ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam tháng 12/2023. Trước đó, Tập Cận Bình đã cam kết tăng cường quan hệ chiến lược với các nước láng giềng thông qua quản lý “thỏa đáng” những khác biệt và tăng cường quan hệ chuỗi cung ứng.

Giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng: “Chuyến công du của Tập Cận Bình rõ ràng được lên lịch để đáp trả quyết định của Trump nhằm áp thuế đối với tất cả các nước, nhất là khi Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc”.

Với 680 triệu dân, Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng đối với lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo kết quả của cuộc khảo sát thường niên mới đây do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak công bố, nhận thức và sự ủng hộ trong khu vực đối với cả hai siêu cường vẫn còn nhiều khác biệt.

Các nhà phân tích đang kỳ vọng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa, đặc biệt là trong thương mại do thuế quan của Trump, dù rất khó có thể hoàn tất hoặc ký kết các thỏa thuận lớn trong chuyến thăm sắp tới của Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình cũng sẽ tìm tiếng nói chung trong chuyến thăm nhằm giảm thiểu tác động do thuế quan của Trump. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng trong khu vực vẫn mở và các rào cản thương mại hiện tại được giải quyết thông qua khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thay vì chỉ tập trung vào việc đưa ra các ưu đãi kinh tế, phái đoàn Trung Quốc có thể quan tâm hơn đến việc tìm hiểu cách cách thức Việt Nam, Malaysia, Campuchia và ASEAN nói chung “lên kế hoạch ứng phó với các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ”.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng căng thẳng do tranh chấp trên Biển Đông, vấn đề này vốn là chất xúc tác cho quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên, với mức thuế đối ứng mới đây của Mỹ, Bắc Kinh hiện có thể nhìn thấy cơ hội để lôi kéo Việt Nam xích lại gần: “Là trung tâm sản xuất, Việt Nam coi thương mại là yếu tố sống còn. Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục cách tiếp cận ‘ngoại giao cây tre’ trong quan hệ đối ngoại (với Trung Quốc)”, đồng thời Hà Nội có khả năng sẽ “tìm cách cân bằng tinh tế giữa Bắc Kinh và Washington để bảo vệ lợi ích của chính mình”.

Ba nước Đông Nam Á tiếp đón Tập Cận Bình cần thận trọng khi tỏ ra “ủng hộ Trung Quốc trong giai đoạn nhạy cảm này” – đặc biệt là với nguyên tắc trung lập lâu nay của ASEAN trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ-Trung./.