Chuẩn bị cho đại hội XIV và bầu cử 2026, quá trình cơ cấu nhân sự cho tương lai đang diễn ra do đích thân Tô Lâm và phe cánh kiểm soát chặt chẽ, khiến dư luận có quan ngại, thể chế “tổng bí thư toàn quyền” sẽ không chỉ là tạm thời mà có thể trở thành một mô hình lâu dài.
Hội nghị Trung ương 11, diễn ra từ ngày 10 đến 12/4/2025, được truyền thông nhà nước ca ngợi là một “thời điểm lịch sử” với những “quyết sách đột phá”(1). Thế nhưng, ẩn sau những tuyên bố chính thống đó là một thực tế chính trường nổi bật khác. Đó là sự trỗi dậy không thể phủ nhận của Đại tướng – Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng xu hướng tái cấu trúc mô hình cầm quyền, từ “độc tài đảng trị” chuyển dần sang “độc tài cá nhân hóa.”
Không chỉ là cột mốc trong sự nghiệp tiến lên “ngôi cửu trùng” của Tô Lâm, Hội nghị TW 11 còn hé lộ khả năng hình thành thể chế quyền lực chưa từng có tiền lệ, đặt ra những câu hỏi lớn về tính pháp quyền, kiểm soát quyền bính và vai trò của người dân trong cấu trúc thiết chế mới.
Tô Lâm và bước tiến thần tốc đến vị trí “tổng bí thư toàn quyền”
Nếu có đột phá tại Trung ương 11 thì đó là lần đầu tiên, Tổng Bí thư Tô Lâm điều hướng trực tiếp toàn bộ chương trình của hội nghị với thông điệp “quyết đoán, quyết liệt,” mà không cần mạch liên thông, cho dù vốn chỉ là hình thức, với Chính phủ hay Quốc hội. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của mô hình “nhất thể hóa thực tế” – tức là tập trung toàn bộ quyền lực vào tay một người – trong khi thiếu các cơ chế kiểm soát độc lập, dù chỉ là trên danh nghĩa.
Đáng chú ý, ông Tô Lâm hiện không chỉ đảm nhiệm vai trò tổng bí thư, mà trên thực tế còn đang trực tiếp đảm đương phần lớn chức năng của chủ tịch nước và thủ tướng – đặc biệt trong các hoạt động đối nội và đối ngoại quan trọng. Điển hình là cuộc “giao thiệp vô tiền khoáng hậu” với Tổng thống Mỹ Donald Trump – một bước đi táo bạo, mang lại kết quả tích cực khi phía Mỹ quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam từ 46% xuống còn 10% và dành thêm 3 tháng để đàm phán. Hẳn nhiên, ở đây, ổng cũng “gặp thời,” ra giá lúc Trump “hạ giá” đối với nhiều nước…
Dẫu sao, những dấu hiệu “vượt ngoài mong đợi” nói trên càng củng cố đồn đoán rằng, Việt Nam đang bước vào ngưỡng của mô hình mới: Từ cơ chế toàn trị (cái gọi là “lãnh đạo tập thể” của ĐCSVN lâu nay) chuyển thành “thống trị bởi một cá nhân nổi bật” – hay nói cách khác, từ “độc tài tập thể” sang “độc tài cá nhân hóa.”
Quyền lực tổng bí thư đang vượt khỏi Hiến pháp?
Xưa nay, ĐCSVN lãnh đạo chủ yếu thông qua việc ban hành các nghị quyết, chủ trương và định hướng về đường lối. Các nghị quyết này được thể chế hóa thành luật pháp và các chính sách cụ thể bởi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng. Việc thực hiện các chính sách này do bộ máy nhà nước đảm nhiệm, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của hệ thống chính trị (2).
Nhưng theo giới quan sát, Hội nghị TW 11 vừa qua đã tiệm cận đến ngưỡng mới chưa từng có tiền lệ: Siêu quyền lực đảng của tổng bí thư có xu hướng vượt khỏi những quy định nói trên của Hiến pháp.
Chương trình nghị sự Hội nghị Trung ương 11 cũng không hề đề cập đến cải cách thể chế, phân quyền hay mở rộng không gian dân chủ. Thay vào đó, các quyết định về cải tổ bộ máy hành chính được tiến hành thuần túy trong nội bộ đảng, bỏ qua vai trò của Quốc hội hay bất kỳ cơ chế đại diện nào của nhân dân. Việc này củng cố “quyền lực đảng trị” mà không có sự phản biện hoặc đối thoại từ người dân nói chung và xã hội dân sự nói riêng (3).
Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội XIV và bầu cử 2026, quá trình cơ cấu nhân sự cho tương lai đang diễn ra dưới bầu không khí do đích thân Tô Lâm và phe cánh kiểm soát chặt chẽ, khiến dư luận lo ngại rằng thể chế “tổng bí thư toàn quyền” sẽ không chỉ là tạm thời mà có thể trở thành một mô hình lâu dài.
“Dân chủ hóa có kiểm soát” – Cơ hội ngày càng xa vời
Đã có lúc, giới phân tích kỳ vọng Việt Nam có thể tiến vào một “giai đoạn dân chủ hóa có kiểm soát,” nơi đảng giữ vai trò dẫn dắt trong khuôn khổ pháp quyền, đối thoại và có phản biện xã hội. Tuy nhiên, diễn biến tại Trung ương 11 cho thấy xu hướng ngược lại: Sự co hẹp của không gian dân chủ và sự củng cố quyền lực mà không qua các thiết chế dân cử, dù chỉ là hình thức.
Các nhà quan sát cũng cảnh báo rằng: Nếu quyền lực tập trung nhưng thiếu minh bạch, thiếu cơ chế phản biện, thì nguy cơ dẫn tới bất ổn dài hạn vẫn chưa thể hoàn toàn bị loại trừ (4). Nguy hiểm hơn là việc thiếu “tính chính danh xã hội” sẽ làm suy yếu nội lực quốc gia trong đối phó với các khủng hoảng, một khi có sức ép từ ngoại bang, ở đây là sức ép từ Trung Quốc.
Dư luận xã hội – Một sự đồng thuận do mệt mỏi
Dù vậy, bộ phận lớn người dân trong nước dường như lại đang tích cực ủng hộ hình ảnh Tô Lâm – như một nhà lãnh đạo quyết đoán, dứt khoát và hiệu quả. Điều này đến từ tình trạng mỏi mệt trong toàn xã hội trước sự trì trệ trong điều hành của mô hình lãnh đạo tập thể và nay khao khát có một “người đứng ra chịu trách nhiệm.”
Tầng lớp doanh nghiệp, giới trẻ và trung lưu đặc biệt kỳ vọng vào sự ổn định và kết nối quốc tế dưới bàn tay Tô Lâm, nhất là mong đợi kết quả đàm phán thành công với Hoa Kỳ. Trong mắt họ, TBT Tô Lâm không chỉ là một chính trị gia, mà còn là biểu tượng của một Việt Nam tự tin hơn trên trường quốc tế, chứ không “nghiêng ngả” như cành tre trước gió (5).
Từ nay đến đại hội XIV: Dự báo và kịch bản
Còn 8 tháng nữa đại hội XIV mới chính thức diễn ra, nhưng xu hướng hiện tại cho thấy gần như chắc chắn ông Tô Lâm sẽ tiếp tục duy trì vị thế “hạt nhân quyền lực.” Dự báo từ các quan sát độc lập cho rằng trong giai đoạn tới, các bước sau sẽ được triển khai:
- Củng cố bộ máy theo hướng nhất thể hóa, có thể hợp nhất tổng bí thư và chủ tịch nước.
- Tái cấu trúc đảng với các nhân sự trung thành tuyệt đối (6).
- Tăng vai trò công an, an ninh chính trị, đặc biệt trong giám sát thông tin và kiểm soát xã hội dân sự.
- Hạn chế truyền thông ngoài luồng và thiết lập các “làn ranh an toàn” cho báo chí chính thống.
Mô hình “tổng thống toàn quyền” cùng với các viễn cảnh và rủi ro
Một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là: Liệu Việt Nam sẽ có mô hình “tổng thống chế” trong tương lai gần, dẫu có thể dưới các danh xưng khác nhau? Và nếu vậy, thì đâu sẽ là cái lợi – cái hại của dạng tập trung quyền lực này?
Lợi ích:
- Tăng tính hiệu quả trong điều hành, tránh hiện tượng “khoảng trống quyền lực” giữa các cơ quan nhà nước.
- Củng cố quá trình tiến tới hình ảnh một “lãnh đạo minh quân” trong nội trị, ngoại giao và chiến lược an ninh khu vực. Nếu thiếu một “quyền lực minh quân” rất khó đạt được “thống nhất trong đa dạng” này.
- Định hình chính sách quốc gia nhanh và mạch lạc, không bị chi phối bởi sự chia sẻ quyền lực trong “bộ tam” hay “bộ tứ” truyền thống.
Rủi ro (7):
- Nhưng “tổng thống chế” cũng tiềm ẩn các nguy cơ: Mất cơ chế phản biện, dẫn tới lạm quyền hoặc sai lầm chính sách mà không có cơ hội sửa sai.
- Tăng nguy cơ cá nhân hóa quyền lực, dẫn tới mô hình “lãnh tụ” mà trong nhiều trường hợp xã hội không kiểm soát được.
- Gây xói mòn tính pháp quyền, làm suy yếu hệ thống tư pháp và báo chí độc lập, vốn là những khâu yếu trong tương quan quyền lực ở Việt Nam.
Kết luận: Cơ hội hay ngã rẽ nguy hiểm?
Hội nghị Trung ương 11 có thể được nhớ đến như một khoảnh khắc bản lề trong lịch sử chính trị Việt Nam – nơi một mô hình lãnh đạo tập thể đang chuyển mình thành cá nhân hóa quyền lực. Nhưng nếu không đi kèm với cải cách thể chế, thì đây cũng có thể là ngã rẽ dẫn đến bất ổn nội bộ và suy giảm chính danh quốc tế.
Xu hướng phân tích lạc quan cho rằng, đây là “cơ hội lịch sử để dân chủ hóa có kiểm soát.” Trong khi cái nhìn bi quan là: Liệu Tô Lâm và các nhà lãnh đạo khác trong Bộ Chính trị ĐCSVN có đủ bản lĩnh để biến quyền lực tập trung thành công cụ cải cách toàn diện, hay sẽ tiếp tục đóng kín hệ thống và đánh mất cơ hội cuối cùng?
Vũ Quốc Sách
—
Tham khảo:
(5) https://www.voatiengviet.com/a/quyen-luc-to-lam-lon-co-nao-/7687713.html
(7) https://www.thongluan.blog/2025/04/con-uong-tong-thong-che-la-lua-chon.html