Tô Lâm hô hào đao to búa lớn nhưng lại tạo điểm nghẽn giao thông khổng lồ

- Quảng Cáo -

Dân Trần (VNTB)

Sau nghị định 168, TPHCM và Hà Nội đã không còn kẹt xe ở nhiều điểm nữa, mà toàn thành phố đều kẹt.

Lâm vừa có phát biểu đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP lên tới 2 con số tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, ngày 08/01. Ngoài việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng trên trời thì Tô Lâm cũng liên tục tự sướng khi khoe rằng đảng CSVN đã hoàn thành cả 15/15 chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024, tăng trưởng GDP trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới, xuất siêu đạt kỷ lục gần 24,8 tỷ USD… (1)

Con số không biết nói dối, nếu đó là con số chính xác và được sử dụng đúng nơi đúng chỗ. Trong khi tình hình doanh nghiệp Việt Nam phá sản như rạ thì không loại trừ khả năng CSVN đã làm giả các chỉ số báo cáo để đạt chỉ tiêu. Chuyện quan chức cộng sản báo cáo láo vốn đã không lạ gì với người dân Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới cập nhật thì trong năm 2024 có 197.861 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 50,6%). Tức là mỗi ngày có hơn 540 doanh nghiệp đóng cửa. Chỉ tính riêng tháng 12 có 26.418 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Với con số này mà nói GDP Việt Nam tăng trưởng 7% thì thật khó tin.

Hô hào hứa hẹn đưa “đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” mà chỉ dựa vào các báo cáo láo thì Tô Lâm đang tự lừa mình và lừa cả đất nước.

Ngoài việc ảo tưởng về các số liệu trên trời thì các chính sách mà Tô Lâm và đảng cộng sản ban hành gần đây cũng có thấy nhiều nguy cơ thất bại trong việc dậy nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông từ nghị định 168 mới đây.

Một số người nhắc lại câu chuyện chống ngập ở TPHCM ngày trước để so sánh với việc xử lý kẹt xe ngày nay. Trước đây dân TPHCM thường xuyên than trời vì cứ mưa xuống hoặc thuỷ triều lên là ngập nặng ở nhiều điểm như Gò Vấp, Thủ Đức, quận 6, 7, 8…  Sau đó nhà nước lập dự án hàng chục ngàn tỷ để chống ngập, cuối cùng thì tất cả gộp lại một điểm ngập duy nhất là toàn bộ TPHCM.

Nay thì sau nghị định 168, TPHCM đã không còn kẹt xe ở nhiều điểm nữa, mà toàn thành phố đều bị kẹt. Nhìn rộng ra, từ chủ trương khai thông điểm nghẽn, chỉ sau nghị định 168, cả nước Việt Nam đều bị nghẽn. Từ chuyện chống ngập thì ngập nặng hơn, chống kẹt xe thì càng kẹt hơn, có thể thấy trước tương lai của chủ trương “khai thông điểm nghẽn”, “tinh gọn bộ máy”; có khi càng tinh gọn càng nghẽn.

Ngoài ra, có một nghịch lý nữa, là ngoài đường thì kẹt xe là vậy, nhưng trong sân bay thì vắng khách. Facebook Lê Tiến Dương có bài viết mô tả về cảnh ế ẩm tại sân bay Đà Nẵng, bài viết được hơn 4.500 lượt tương tác với gần 700 lượt chia sẻ bày tỏ sự đồng thuận. Theo đó, anh Dương kể lại chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng thì thấy cả hai sân bay đều vắng khách “cả máy bay còn trống phải một nửa. Thậm chí chuyến hôm nay mình bay tính cả phí mới chỉ quanh quẩn 1tr đồng, chưa bằng một bữa ăn Fine Dining của giới trẻ bây giờ”. (2)

Ở phần bình luận anh cũng cho biết “Nhưng nếu nhìn toàn cục thì các bạn bật app Traveloka, chọn lịch bay thì sẽ thấy, ví dụ ở đây mình chọn chuyến Sài Gòn Đà Nẵng, 28/1 là Tết nhưng mà ngày 26-27 giá vé vẫn rẻ, chỉ có ngày 24-25 là đắt còn lại giá vé không nhỉnh lên là bao, không có khó tìm vé như nhiều năm trước. Ngoài ra thử đi các khung giờ thấp điểm và ở các sân bay không phải trung tâm sẽ thấy không khí ảm đạm đến mức nào. Cuối cùng, việc sân bay vắng/đông chỉ là một trong nhiều hiện tượng ảm đạm mà mình muốn chia sẻ, thực sự năm qua khó khăn, năm nay có vẻ còn khó hơn”.

Thông thường, thời điểm gần tết là lúc sân bay hoạt động nhộn nhịp nhất, vì nhu cầu du lịch, thăm gia đình của người dân tăng cao. Sân bay cũng là nơi có thể quan sát được diễn biến kinh tế, vì có tiền thì người dân mới bay nhiều. Còn khi những sân bay lớn nhất cả nước mà còn ế thì phải hiểu tình trạng kinh tế khó khăn thế nào.

Đã khổ mà còn dính thêm nghị định 168, thế là đang khó lại thêm kẹt. Mức phạt giao thông tăng, kẹt xe nhiều thì thời gian di chuyển sẽ tăng, chi phí logistics cũng tăng theo, giá cả hàng hoá tăng, lạm phát tăng, nhưng nền kinh tế thì suy yếu, thu nhập của người dân thì giảm. Có lẽ những con số báo cáo đã làm mờ mắt Tô Lâm, hoặc Tô Lâm cố tình lờ đi những vấn đề này, để rồi đảng và nhà nước cứ gân cổ lên tự hào, ngạo nghễ, còn dân đen thì chịu cảnh “sống chết mặc bây”.

_____________________

Tham khảo:

(1) https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-chinh-phu-va-chinh-quyen-dia-phuong-102250108155900992.htm

(2) https://www.facebook.com/share/p/15zEQA2AL4/?mibextid=wwXIfr

- Quảng Cáo -