“Cái gì doanh nghiệp & người dân làm được, làm tốt hơn thì nhà nước dứt khoát không làm!”
Tôi phải dụi mắt mấy lần, xem lại mấy lần thông tin này! Không một chút đùa cợt nào cho sự kiểm chứng này, vì nguyên một thời gian rất dài từ khi Chính phủ thành lập (1945) đến nay đã 79 năm, thứ mà chúng ta thấy rất rõ là sự độc quyền của nhà nước trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Quản lý nhà nước chỉ tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế, chính sách, kiến tạo phát triển.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp. Nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Không “ôm” việc lên Trung ương, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Phải phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.”
Đây là kết luận phiên họp của Thủ tướng chiều 29/12, tại Trụ sở Chính phủ, về chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Để người dân và doanh nghiệp “được làm” hoàn toàn không mới với các quốc gia phát triển nhưng nó quá mới mẻ với Việt Nam, ngay khi còn ở dạng thông điệp.
“Nói và làm” ở thời ông Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư) và ông Phạm Văn Đồng (Thủ tướng) khi chấp nhận hình thức khoán đã “tiến hóa” ở mức cao hơn rất nhiều ở thời ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính với việc gửi thông điệp bỏ độc quyền nhà nước, để doanh nghiệp và người dân làm “nếu làm được và làm tốt hơn”.
Dù 26 năm làm báo, 21 năm chú ý về chính trị và kinh tế và có nhiều bài báo liên quan (ngoài lĩnh vực môi trường), tôi vẫn dụi mắt 3 lần khi đọc thông điệp này. Mất ngủ cả đêm qua và 4 giờ 30 sáng đã rời nhà để qua café sớm với một lão bằng hữu cũng vì thông điệp này!
Một thông điệp có tính bước ngoặt lịch sử đối với quốc gia, dân tộc!
Nhưng nó cũng là một áp lực chính trị rất rất rất lớn đối với toàn thể các Đảng viên và các cán bộ Nhà nước. Càng là siêu áp lực mang tính lịch sử với cá nhân ông Tô Lâm (đại diện Đảng) và ông Phạm Minh Chính (đại diện Nhà nước) vì nói không đi đôi với làm hay nói được không làm được thì nhân dân sẽ “ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” thay vì vinh danh hai vị này!
Tôi đi hết Việt Nam từ sớm! Càng chu du thiên hạ càng học được nhiều bài học rùng mình vì gặp được rất nhiều người giỏi. Giỏi đến mức Đảng và Nhà nước không công nhận họ thì quốc tế vẫn trân trọng họ vô cùng. Có người chẳng phải là “giáo sư vẹt” đi ca công tụng đức “tấm gương” nào đó đến mức cuối đời nghiệp quật vì ca ngợi thứ ma tăng mua bằng tiến sĩ; mà có mấy chục bài báo khoa học quốc tế. Điều mà tuyệt đại đa số tiến sĩ quốc doanh không làm được! Nói thẳng, nhiều năm qua, người giỏi không được trọng dụng đúng mức.
Tiền nhân từng nói về năm nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham những tràn lan; năm, sĩ phu ngoảnh mặt.” Những biểu hiện đó chỉ có thể mất đi khi nhà nước bỏ độc quyền! Bỏ độc quyền thì nhà nước mới có nhân tài cống hiến, nhân dân cởi được “vòng kim cô lo sợ” không thể cạnh tranh với các công ty, tập đoàn nhà nước lấy thuế dân, đất dân đi kinh doanh rồi tạo nợ công để nhân dân gánh.
Xin nhắc lại, đây là một thông điệp đổi mới có tính chính danh của người đứng đầu Chính phủ-Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tương tự như Nghị quyết 57 của người đứng đầu Đảng-Tổng Bí thư Tô Lâm. Chúng ta đã thấy hai chính trị gia này “nói” và cần thời gian để chứng kiến họ “làm” và “làm cùng” họ để kiểm chứng.
Nếu làm được, lịch sử đất nước này sẽ có vị trí trang trọng dành cho ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính. Trong đó, vai trò của ông Tô Lâm là rất lớn vì Chính phủ chịu sự chỉ đạo của Đảng.
Lần nữa, hãy nhìn nhận khách quan về bước ngoặt lịch sử này ở góc độ… thông điệp chính trị. Hãy quan sát các quyết sách chính trị nối tiếp sau thông điệp chính trị. Vì quyết sách chính trị mới nói lên được tầm vóc chính trị gia chứ không phải các thông điệp dân tuý.
Hy vọng ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính nói được thì cũng làm được!
MAI QUỐC ẤN