Để các chú kiếm bánh mì thịt

- Quảng Cáo -

Nguyễn Nhơn

Cách đây nhiều năm, khi còn khá trẻ-vâng, khi NGƯỜI TA TRẺ-có một đêm, bạn thân tôi rủ sang nhà chơi vào giờ đã khuya. Đoạn đường đó vào ban đêm khá vắng, cũng thường không có cảnh sát giao thông gác nên tôi chủ quan, thay vì phải chạy xe đúng chiều xuống một đoạn rồi quẹo ngược lên để rẽ sang phải thì tôi ngó trước ngó sau rồi phóng cái ét từ bên này sang.

“Cảnh sát cũng là người”

Xui sao, hôm đó lại có hai anh cảnh sát đứng trực ngay đầu ngã ba, y như là để đón lõng những đứa như tôi (khá nhiều).

- Quảng Cáo -

Hai anh vừa tuýt còi một cái là tôi biết hỏng rồi. Mình sai lè lè, sai chính thức ra thế này còn cãi làm sao được. Năn nỉ thì tôi không thích. Thế là đường hoàng như một vị thần, tôi rút dứt khoát một tờ tiền trong túi (lại xui sao, hôm đó trong túi toàn tiền chẵn, không còn tờ lẻ nào) đưa rất đĩnh đạc cho hai anh công an.

Tất nhiên hai anh gật đầu và phẩy tay để tôi đi tiếp ngay lập tức. Nhưng đấy là lỗi rất nhỏ, mà giá trị tờ tiền lớn gấp nhiều lần số tiền bị phạt theo luật, nên trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy rất rõ một tia bàng hoàng trong mắt họ. Họ không thể ngờ được có đứa ngốc như vậy.

Phải nói thêm, thời điểm đó tôi đã bị tác động của những thông tin đọc được trong ngày. Ngày hôm đó, do công việc, tôi phải đọc rất nhiều báo cáo của ngành công an. Tôi đọc khá nhiều vụ việc không được đưa lên truyền thông về những gì cảnh sát giao thông thường gặp phải: sự ngang ngược của người vi phạm có dính tí quyền lực, sự chống đối kháng cự của họ, sự dọa dẫm “Mày biết tao là ai không” đồng thời với hành động rút điện thoại gọi nhờ can thiệp, sự chửi bới, giễu cợt, khiêu khích từ phía không ít người xung quanh.

Bạn bè kể tôi nghe cả vụ một cô hoa hậu cư xử cực kỳ chỏng lỏn. Cô này xuất thân con nhà bình dân, trước khi đăng quang và kết hôn thì cũng không có tai tiếng gì. Nhưng từ khi cô lấy được chồng là con trai một quan chức cao cấp thì tính cách cô con gái nhà nghèo phát lộ những “kỳ tích”. Ví dụ cô lái xe đi ngược chiều vào một con đường, bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Cô đậu xe lại, mở cửa xách ví điềm nhiên đi thẳng không nói một lời, còn xe vẫn cứ đậu nguyên chỗ đó.

Không những không phạt được mà đến chiều đích thân cảnh sát phải lái xe mang đến tận nhà trả cho cô. Chắc chắn phải kèm theo xin lỗi rối rít nữa.

Trên mạng xã hội, chúng ta cũng từng chứng kiến vô số cảnh ngứa mắt của người đi đường. Đây, tháng 2 năm ngoái, lúc 4 giờ chiều là thời điểm giao thông đông đúc trong ngày, một phụ nữ lái chiếc xe 7 chỗ đi tới một ngã tư tại khu vực chợ ở Hà Nội rồi đột nhiên dừng xe ngay giao lộ, trên làn đường ngược chiều (mới kinh chứ), rồi bước xuống… đi chợ.

Tháng 7/2017 thì có vụ phó chủ tịch và giám đốc một đơn vị thuộc một quận (vẫn ở Hà Nội) đậu xe tại đầu đường rẽ vào một khu chung cư, tại đoạn đường không cho phép đậu xe, để ăn trưa.

Cảnh sát giao thông, đặc biệt là cảnh sát giao thông tại Hà Nội thường xuyên gặp những cảnh tương tự. Không chỉ vì Hà Nội có mật độ lãnh đạo dày đặc, mà nếu không phải cán bộ lãnh đạo tự thân vi phạm luật giao thông thì không ít người thân và những người phục vụ của họ cũng rất thường gà cậy gần chuồng, ra đường nghênh ngang như của ông nội mình để lại, không xem người khác là gì cả.

Cứ gặp hoài cảnh đó, máu bốc lên não ấy chứ!

Cảnh sát cũng là người mà!

Rồi những lúc kẹt xe kinh khủng khiếp. Nếu thấy bóng cảnh sát giao thông, rõ ràng yên tâm hơn hẳn. Biết thế nào đường cũng sẽ được thông thoáng sớm thôi.

Có những lúc như thế thì có những lúc trái tim nhầm chỗ để trên đầu, hối lộ hẳn tờ tiền to cho hai anh cảnh sát mà lòng cứ nghĩ nhẹ nhàng rằng thôi mình chia sẻ thu nhập cho người ta chút xíu không sao.

Nghĩ lại thì ừ, ấu trĩ dễ sợ, anh hùng rơm nữa. Cho dù xuất phát từ một ý định nguyên sơ là tốt nhưng hành vi hối lộ cảnh sát thì rõ ràng là sai. Hơn nữa, nó chỉ có tác dụng khuyến khích hai anh cảnh sát chăm làm “anh hùng núp” nhiều hơn nữa. Nghĩa là hoàn toàn không tạo ra được giá trị gì cho cả hai anh lẫn công lý xã hội cả.

Huống chi, việc hối lộ cảnh sát giao thông để được bỏ qua lỗi nhỏ, không xé giấy phạt, giảm mức phạt tiền hay không giam xe, giam giấy tờ… là cái việc mà dân Việt Nam làm quen tay đến thành thục. Hở cái là dúi tiền cho cảnh sát thôi, nhưng phi về đến nhà là lao ngay lên mạng làm một bài dài đầy phẫn nộ chửi bọn cảnh sát ăn của người dân không chừa thứ gì!

Dân hối lộ quen tay thì cảnh sát giao thông cũng vậy. Họ cũng mặc nhiên xem đó là một khoản bù đắp cho đồng lương thấp và áp lực công việc cao.

Kết luận: Bất cứ xuất phát từ động cơ mục đích gì, hối lộ cảnh sát giao thông đều là hành vi tầm bậy.

Nghịch lý là không ai muốn mất tiền, cũng không ai muốn mất việc, thế nhưng quy trình trao-nhận vẫn cứ đều đều diễn ra và ngày càng lên tầm cao  mới.

Nguyên nhân sâu xa của nó xin bàn trong một bài khác.

Một bước tiến, bảy bước lùi

Mục đích chính của việc người dân muốn ghi hình cảnh sát giao thông không phải chỉ để hạn chế thái độ hống hách, mà là để chặn đứng hành vi đòi hối lộ của họ.

Cách đây năm năm, cuối cùng người dân cũng được Bộ Công an cho phép ghi hình cảnh sát giao thông. Nó là kết quả sau một thời gian dài đấu tranh của xã hội sau nhiều lần bị cảnh sát giao thông làm tiền, hoạnh họe và vòi vĩnh. Nó được xem là hành vi giám sát xã hội với lực lượng cảnh sát giao thông, vốn được trao rất nhiều quyền lực và từ lâu đã có tiếng xấu trong cách hành xử với người tham gia giao thông ở Việt Nam.

Thời điểm đó, Bộ Công an nói việc này góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn chặn hành vi tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.

Dĩ nhiên rồi, khi đối mặt với chiếc camera ghi lại tất cả hành động lời nói của mình, bất cứ cảnh sát giao thông nào cũng phải tăng cường kiểm soát bản thân, vì nếu hách dịch, thô lỗ, ứng xử sai, hoặc nặng hơn là hạch sách vòi tiền, họ sẽ rất nhanh chóng bị kỷ luật, thậm chí bị đuổi khỏi ngành. Hệ thống giám sát này của người dân hoạt động nhanh chóng và hiệu quả hơn bất kỳ bộ phận thanh tra nội bộ nào.

Ai mà ngờ đâu, lúc ấy Bộ cho tiến một bước thì giờ Bộ bắt (cả nước) lùi lại bảy bước.

Sau năm năm, Bộ lại nói ngược lại, rằng có người lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội khiến một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nảy sinh tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh cảnh sát giao thông. Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối đã xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông” (trích).

Khoan nói về logic của lý do kể trên. Ta xem xét về tính hợp pháp của nó trước.

Thông tư mới của Bộ đã đi ngược các bộ Luật hiện hành về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Tiếp cận thông tin quy định mọi công dân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Người dân chỉ bị cấm và hạn chế trong các trường hợp:

-Thông tin thuộc bí mật Nhà nước chưa được giải mật.

-Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác.

-Hạn chế trong trường hợp liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được chủ thể đồng ý.

Hoạt động của cảnh sát giao thông trên đường phố có phải là bí mật Nhà nước hay bí mật đời sống riêng tư không? Các hành vi hống hách, đòi hối lộ (nếu có) của họ có gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng hay an ninh quốc gia không? Rõ ràng không phải. Hành vi xấu bị phát hiện sẽ giúp trong ngành chấn chỉnh và kiểm soát nội bộ để luôn giữ gìn được hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát vì nhân dân phục vụ.

Còn nếu sợ rằng hình ảnh đưa lên mạng sẽ có nguy cơ bị đào ra những thông tin cá nhân như hình ảnh địa chỉ gia đình cha mẹ vợ con… của người cảnh sát giao thông, thì lại xem thường nền pháp luật Việt Nam và tài năng của công an Việt Nam quá. Việt Nam có thể thiếu gì ấy chứ nào có thiếu luật? Hành vi đó rõ ràng là phạm luật rồi. Các chú công an cứ việc mời họ ra phường uống trà, xử phạt nhẹ nhàng dăm bảy củ. Một TikToker vui miệng tám với người theo dõi về cái đầu ít tóc của cựu chủ tịch nước mà còn bị xử lý ngay đến đầu đến đũa, thì việc xử lý những kẻ phạm luật khác có khó gì mà không làm được?

Đối chiếu với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở-một bộ luật nền tảng cung cấp các quyền dân chủ cho mọi người dân thì còn rành rành hơn nữa.

Luật này quy định người dân được “thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của hiến pháp và pháp luật”. Quyền và trách nhiệm của cả hai bên được quy định rất rõ. Ví dụ điều 9 “nghiêm cấm gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng thời cũng “nghiêm cấm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở (…) xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (…) xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực…”

Túm lại, cứ theo luật thì (trong trường hợp này), cả hai bên cảnh sát giao thông và người dân, nếu bên nào xuyên tạc, vu khống, cản trở bên kia trong việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp hoặc quyền đi lại của mình, thì cứ yên tâm chịu bị xử phạt. Phạt hành chính hay phạt tiền là tùy mức độ vi phạm.

Như vậy rất công bằng.

Thì cứ cho cảnh sát ghi hình ngược lại đi

Vả lại, nếu yếu đuối đến mức chỉ bị người dân công khai ghi hình mà đã nảy sinh tâm lý ngại làm việc, thì phía cảnh sát giao thông cũng hoàn toàn có quyền đặt máy quay để ghi hình lại những người dân có thái độ chống đối, khiêu khích, bạo lực… Về phía mình, ta cứ chọn các anh cảnh sát đẹp trai sáng láng, cho dù đối diện với điện thoại của vô số người dân vẫn thuộc lòng điều lệ và luật giao thông như cháo chảy, đứng nghiêm như cổ thụ trước gió xuân, không quát nạt, không vòi vĩnh. Đảm bảo hiệu quả tuyên truyền oanh liệt gấp bội những kiểu cũ kỹ mà tốn kém như dắt cụ già qua đường hay nhặt trái cây giùm anh bán rong bị ngã xe.

Việc cho phép ghi hình còn thúc đẩy giáo dục xã hội rất mạnh. Rõ ràng chỉ những người vừa không có ý định hối lộ cảnh sát giao thông, vừa thuộc luật giao thông như cháo và hoàn toàn tự tin mình chạy xe rất đúng luật mới có gan cầm điện thoại quay lại hết cuộc đàm thoại với cảnh sát giao thông và đưa lên mạng. Cảnh sát muốn không bị mất mặt hoặc mất việc thì vui lòng làm việc thật khách quan trung thực. Cả hai bên đều phải tự hoàn thiện mình.

Nói qua nói lại, việc ghi hình cảnh sát giao thông đang làm việc tại nơi công cộng là cái việc thiên kinh địa nghĩa như trái đất vậy, chẳng có lý do gì để cấm cản.

Mong Bộ Công an nghĩ lại mà sửa cái thông tư kể trên. Chứ bọn xấu nó cứ nỉ non rằng Bộ cấm dân ghi hình cảnh sát giao thông chỉ nhằm để thuận tiện cho các chú kiếm bánh mì thịt đó, nghe phẫn nộ dễ sợ…

______________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/bo-quy-dinh-nguoi-dan-duoc-giam-sat-canh-sat-giao-thong-bang-thiet-bi-ghi-am-ghi-hinh-20241005165821788.htm

https://www.baogiaothong.vn/nu-pho-chu-tich-quan-giai-trinh-chi-tiet-viec-do-xe-an-trua-192217110.htm

https://thanhnien.vn/nu-tai-xe-do-xe-nguoc-chieu-giua-nga-tu-de-di-cho-dan-mang-ngao-ngan-185230228132138508.htm

- Quảng Cáo -