Phải làm gì để thủ đô là niềm tự hào của đồng bào cả nước?

- Quảng Cáo -

Diễm Thi, RFA

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu rằng, Đảng và Nhà nước mong muốn thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực hơn nữa để trở thành niềm tự hào của đồng bào và chiến sĩ cả nước như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Tô Lâm, nhìn lại chặng đường 70 năm qua, “chúng ta tự hào vì có Thăng Long – Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng – nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên Giảng viên Bộ môn Lịch sử Trường Đại học Cần Thơ, nguyên Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM chuyên ngành Đông Nam Á học và quan hệ quốc tế, nêu quan điểm của ông:

- Quảng Cáo -

“Bây giờ nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể tự hào là chúng ta góp phần đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới bởi chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi việc về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Mà chuyện độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trong 49 năm qua là của cả dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Hà Nội làm gì để nhân dân cả nước phải học tập, phải tự hào thì phải xem lại.

Tất cả các vùng, miền, các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật ở Việt Nam thì trung tâm nào cũng quan trọng. Trong đó, hai trung tâm quan trọng nhất là Hà Nội và TP.HCM. Dân số ở TP.HCM nhiều hơn Hà Nội; thu ngân sách tính trên bình diện quốc gia thì TP.HCM đứng đầu cả nước. TP.HCM còn rất nhiều việc cần phải làm để cho mười mấy triệu dân sống và phát triển; để thành phố này tiếp tục tạo ra tiền để “cùng cả nước, vì cả nước”, nhưng TP.HCM chỉ được giữ lại 21% ngân sách thu được, trong khi Hà Nội được giữ lại 32% tiền thu ngân sách.

Tôi cho điều đó là không công bằng. Muốn cho người dân cả nước tự hào về thủ đô Hà Nội thì Hà Nội phải công bằng; người Hà Nội phải công bằng; chính quyền Hà Nội phải công bằng trong việc phát triển đất nước. Phải bình đẳng tất cả các mặt, kể cả công sức đóng góp thì mới có thể tự hào. Và cái tự hào đó phải từ tinh thần tự giác và cảm nhận của từng người dân, chứ không phải có một khẩu hiệu và nói cả nước phải tự hào”.

Nghị quyết 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 do Quốc hội thông qua ngày 11/11/2022 cho thấy, ngân sách Hà Nội được giữ lại trong năm 2023 là 32%, gần 63 ngàn tỷ đồng. TPHCM được giữ lại 21%, hơn 51 ngàn tỷ đồng. Theo Nghị quyết 105/2023/QH15, tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại năm 2024 của TP.HCM, Hà Nội tiếp tục là 21% và 32%.

Trong khi đó, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên cả nước ước đạt 1,336 triệu tỷ đồng và TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, ước thu được gần 345 ngàn tỷ đồng.

Với mong muốn của ông Tô Lâm rằng thủ đô Hà Nội trở thành niềm tự hào của đồng bào cả nước, nhà báo độc lập Nam Việt ở trong nước nói với RFA:

“Người cộng sản hay nói mọi thứ mơ hồ và không cụ thể như vậy. Nếu Tô Lâm nói mong người dân cả nước tự hào về thủ đô, thì cần tự hào về điểm gì? bởi cái gọi là thủ đô ấy, cũng có quá nhiều những vấn nạn như là ô nhiễm, ngập nước… và thậm chí là những tệ nạn trong giáo dục hành chính vẫn còn xảy ra hàng ngày trong thủ đô. Và người dân thủ đô là người dân nào? Có trong đó có những dân oan đang nằm kêu oan trước Quốc hội, hay là những gia đình như tù nhân lương tâm, hay ở Đồng Tâm vẫn còn bị rình rập theo dõi bởi công an?”

Anh Trần Anh Quân, một nhà hoạt động dân chủ, cho rằng:

“Khi Tô Lâm nói: ‘Đảng, Nhà nước mong muốn thủ đô là niềm tự hào của đồng bào cả nước’, cho thấy Đảng Cộng sản đang ưu tiên phát triển thủ đô hơn là các vùng còn lại. Mọi nguồn lực sẽ dồn về thủ đô để làm đẹp bộ mặt của nhà nước cộng sản. Nhưng một mặt khác, khi nói “mong muốn thủ đô là niềm tự hào” tức là ông Tô Lâm thừa nhận hiện giờ Hà Nội vẫn chưa phải là niềm tự hào của người dân cả nước.

Cần phải đặt câu hỏi là tại sao sau 70 năm chiếm được Hà Nội mà cộng sản Việt Nam vẫn không thể để thủ đô trở thành niềm tự hào. Bao nhiêu nguồn lực từ khắp cả nước dồn về mà vẫn không tự hào được thì rõ ràng chiến lược xây dựng thủ đô của đảng cộng sản đã không hiệu quả. Con người tha hoá, văn hoá suy đồi, công trình ngàn tỷ thì bị rút ruột, trở thành khối nợ khổng lồ, bây giờ nhắc tới Hà Nội là thấy nhục thì ông Tô Lâm mới nói ra mong muốn được thay đổi để tự hào.

Mà tôi nghĩ, khi nào còn chế độ độc tài thì chẳng có chỗ nào ở Việt Nam có thể thành sự tự hào, có chăng chỉ là tự huyễn hoặc để quên đi cái thực tế thối nát trong xã hội thôi”.

Có ý kiến cho rằng, để Hà Nội là niềm tự hào của người dân cả nước thì Hà Nội phải là tấm gương cho cả nước noi theo về nhiều mặt. Hà Nội không thể là niềm tự hào của cả nước khi số cán bộ bị kỷ luật, tù tội cao nhất nước. Mới hôm 14 tháng 8 năm 2024, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Ngoài ra, các cấp đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Trong khi đó, số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng cao nhất nước là tỉnh Quảng Nam. Thống kê của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, cả nước có 44.253 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó miền Bắc có 15.033 bà, miền Nam có 29.220 bà, tỉnh Quảng Nam có 11.658 bà.

- Quảng Cáo -