Tù nhân chính trị ,có nên nhận tội?

- Quảng Cáo -

Manh Dang

Trong một buổi làm việc tại số 4 Phan Đăng Lưu, trại tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an TP.HCM. Tôi, với tư cách luật sư đã gặp anh B.T., người bị khởi tố về một tội danh chính trị. Trả lời tôi về điều kiện giam giữ, anh cho biết: Trước đây phòng tạm giam có hàng chấn song sắt suốt từ thấp lên cao, nên phòng rất thoáng. Sau đó, một giám thị mới đổi về đã cho xây bít gần kín hết, nên phòng giam rất bí hơi, đến thở cũng còn khó. Trong những trưa mùa hè thì các tù nhân gần như ngộp thở.

Cũng trường hợp anh B.T., anh bị bướu rất nặng. Nhưng cho dù đã báo với giám thị thì anh vẫn không hề được trại tạm giam cho khám chữa bệnh. Chỉ đến khi luật sư biết làm kiến nghị khẩn cấp và thông tin công khai, thì anh mới được cho khám qua loa, chiếu lệ…

Một cựu giám thị trại giam tại một tỉnh miền Đông Nam bộ kể cho tôi nghe: Cán bộ Cục C10 (Cục Quản lý Trại giam thuộc Bộ Công an) được cho đi tham quan tại một nước thuộc khối Asian, học tập kiểu làm cùm của họ. Thay vì cùm làm bằng cọng sắt có tiết diện tròn như truyền thống bấy lâu nay thì đổi qua làm bằng sắt hộp. Cùm bằng cọng sắt tròn thì sự tiếp xúc giữa cùm và cổ chân là ít nhất, bàn chân vẫn có thể cựa quậy được. Nhưng cùm bằng sắt hộp thì vô phương, bàn chân bị cố định hoàn toàn trong suốt thời gian bị cùm.

- Quảng Cáo -

Sau khoảng thời gian bị cùm chân chỉ từ 7 – 10 ngày, thì rất nhiều tù nhân đã thấy xuất hiện tình trạng bị teo cơ chân. Có khả năng gây liệt hoàn toàn hoặc không thể đi đứng lại được bình thường nếu không chịu khó tập đi lại sau đó.

Một thân chủ khác mà tôi đã có dịp bào chữa là anh Lê Chí Thành, một cựu đại úy công an. Thành tố cáo tham nhũng rồi ra khỏi ngành.

Thành vốn là một thanh niên khỏe mạnh và điển trai. Trung tuần Tháng Tư 2021, ngành công an trả đũa bằng cách gài bẫy bắt giữ Thành giam tại Trại Tạm giam Quận 2 (cũ), nay là Thành phố Thủ Đức. Đến trung tuần Tháng Một 2022, Thành bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thành phố Thủ Đức.

Khi Thành xuống xe tù, thì 2 viên cảnh sát áp tải phải sốc nách đưa Thành từ sân tòa án vào khán phòng xét xử. Sau 9 tháng bị tạm giam và không ít lần bị biệt giam, bị tra tấn… Thành trở thành phế nhân, ốm yếu, không tự đi lại được trong ngày hiện diện tại phiên tòa.

Một blogger rất nổi tiếng về khả năng thạo tin, cô L.N.H.T. Cô từng kể về trải nghiệm trong trại tạm giam B34 thuộc Bộ Công An, nơi mà Luật sư Lê Công Định và ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) cũng đã từng bị giam giữ. Theo đó, điều tra viên không cần phải ra tay đánh đập tù nhân. Trong phòng giam, họ chỉ cần một chiếc vòi nước hư hỏng, rỉ từng giọt nước là đủ. Vì lẽ, trong đêm khuya thanh vắng, âm thanh của từng giọt nước không khác gì tiếng búa tạ gõ đinh ngay cạnh tai, tù nhân không thể ngủ được, vì mỗi giọt nước rơi lại một lần choáng óc. Tù nhân chong mắt suốt đêm chờ trời sáng… cũng đã là đòn tra tấn tinh thần đầy tinh vi.

Bà Cấn Thị Thêu, một dân oan Dương Nội, Hà Nội tố cáo Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình dùng nước bẩn chứa trong hồ nước cho tù nhân uống.

2 anh em Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, dân oan Dương Nội, Hà Nội đều tố cáo bị tra tấn dã man bởi các điều tra viên.

Trại tạm giam Công an Thành phố Hà Nội làm ngơ trước yêu cầu khám chữa bệnh cho cô Phạm Đoan Trang khi cô ấy bị rong kinh kéo dài. Không chỉ thế, họ còn cho nữ tù nhân là “đầu gấu” bên ngoài vào ở chung phòng giam để gây sự…

Trong phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm, khi tôi hỏi: “Những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay?”. Có 10 cánh tay giơ lên. Nhưng vẫn có đến 19 cánh tay còn lại vẫn giữ xuôi theo người và họ là những người bị Công an Điều tra Thành phố Hà Nội tra tấn. Cũng trong vụ án này, một nữ phạm nhân nhắn tin cho tôi biết, chúng lột truồng đổ nước bẩn vào vùng kín của bà…

Không chỉ với tù nhân, Điều tra viên Cơ quan Điều tra An ninh tại Sài Gòn đã tự tiện bắt giữ, hành hung, bỏ đói người mẹ già và em trai của người quản lý trang “Nhật Ký Yêu Nước”, một trang tranh đấu trên mạng xã hội, dù cả 2 không liên quan gì đến việc làm của con trai mình cả. Trong đó, tên điều tra viên hung ác đã đạp thẳng vào lưng bà cụ, khiến bà té sấp mặt, hộc máu mồm, chấn thương nội.

Tra tấn tù nhân cũng là nguồn gốc phát sinh ra vô số bản án hình sự oan tày trời, như: Vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Lê Bá Mai, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải… Mà trong đó, chỉ mới có số ít vụ được giải oan. Vì nếu nói không có tra tấn, thì sẽ không giải thích được lý do có hàng chục bản ghi nhận tội của tù nhân, kể cả diễn án trong thực nghiệm điều tra y như thật. Cho dù người nhận tội và diễn án không phải là thủ phạm (vụ Nguyễn Thanh Chấn)…

Tra tấn không chỉ xảy ra trong trại giam, mà còn xảy ra ngay tại trụ sở công an phường, xã, ấp… với hàng vài trăm trường hợp “Chết ở đồn công an” đã từng được ghi nhận… Tuy chính quyền hoặc công an có chối tội, nhưng những dấu tích tra tấn, dùng nhục hình vẫn hiển hiện rõ ràng trên thi thể người chết, gồm cả vỡ xương sọ, gẫy xương sườn, tứ chi tím bầm, lục phủ ngũ tạng bị dập nát.

Thậm chí, đến cả nhà sư tu hành cũng không thoát. Trong vụ án mất trộm 7 pho tượng cổ ở Bắc Giang. Để ém nhẹm đi sự bất lực của cơ quan công an không thể phá án, các cơ quan tố tụng đã bắt 9 người, gồm các nhà sư và cư sĩ tu hành để đổ tội. Trong đó, có sư thầy trụ trì là Hòa thượng Thích Đức Chính. Do sư thầy đã lớn tuổi, nên sau khi bị tra tấn đã tắt thở ngay trong trại giam. Những người còn lại bị tra tấn, dùng nhục hình rất dã man, bị treo ngược lên, hành hung vào hạ bộ…

Trong một thống kê chính thức vào năm 2015 gây sửng sốt dư luận. Chỉ trong 3 năm trước đó, ghi nhận có đến 226 người đã chết trong quá trình giam giữ. Sau đó, những con số thống kê tương tự không còn được công bố công khai nữa.

Lực lượng an ninh điều tra không thiếu những đòn hiểm dành cho các tù nhân, kể cả những mánh khóe hoặc tác động vào thân nhân của tù nhân. Thật ra, chúng được huấn luyện để thực hiện tất cả những điều đó với mục đích để khuất phục tù nhân.

Cho dù năm 2013, chế độ Cộng sản ký kết Công ước chống tra tấn Liên Hiệp quốc. Thế nhưng, như hầu hết các Công ước quốc tế văn minh, nhân đạo mà Việt Nam từng ký kết để “làm màu”, giả nhân, giả nghĩa với cộng đồng quốc tế, thì việc buộc họ thực hiện những Công ước ấy cũng khó như hái sao trên trời.

Thế nên, tình trạng tra tấn tù nhân xảy ra phổ biến như cơm bữa. Khiến cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc và các tổ chức theo dõi nhân quyền hoặc chính phủ Hoa Kỳ, khối EU… thường xuyên phản ánh chúng trong các kỳ kiểm định nhân quyền quốc tế hoặc đối thoại nhân quyền song phương.

Hầu hết, các bạn dấn thân tranh đấu đều hiểu sự hà khắc của tù đày Cộng Sản. Cho nên, không ít người dấn thân tranh đấu đã phải băn khoăn về lựa chọn cách hành xử như thế nào khi phải sa vào vòng lao lý của Cộng Sản?

Lựa chọn hành xử như thế nào cũng có tính cách 2 mặt:

  1. Giữ trọn khí tiết thì đòn tra tấn sẽ tàn độc, thâm hiểm hơn. Giai đoạn tạm giam là khoảng thời gian địa ngục trần gian sẽ bị kéo dài hơn. Thân nhân không được thăm gặp cho đến khi xét xử xong. Án tù dài hơn. Nhưng đổi lại, công chúng “hài lòng”.
  2. Nhanh chóng nhận tội sẽ không bị tra tấn. Giai đoạn tạm giam ngắn hơn và được hưởng một số biệt đãi như: Sớm được thân nhân thăm gặp, lãnh quà thăm nuôi dễ dãi hơn. Án tù sẽ ngắn hơn. Nhưng công chúng “phiền lòng”.

Lựa chọn thứ 2 còn có một ích lợi khác là sớm được trả tự do trước thời hạn thụ án để tiếp tục trở lại hoạt động.

Trong khá nhiều trường hợp, tôi thường khuyên thân chủ chọn giải pháp trung dung là sẵn sàng thừa nhận hành vi, nhưng không nhận tội.

– Thừa nhận hành vi: Tức là thừa nhận công việc mình làm, như tài khoản trang mạng xã hội, hoặc tác giả bài viết… Vì thực tế, có từ chối hành vi, hoặc thậm chí Cơ quan An ninh Điều tra không có chứng cứ rõ ràng thì họ vẫn buộc tội và tuyên án. Nhưng ít nhất, bằng việc thừa nhận hành vi, thì tù nhân còn có khả năng được cân nhắc giảm nhẹ hình phạt rất đáng kể.

– Không nhận tội: Một mặt thừa nhận hành vi, nhưng mặt khác tù nhân có thể không nhận tội (tức không vi phạm pháp luật), nại ra rằng mình chỉ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, hoặc quyền tự do biểu tình do Hiến pháp quy định mà thôi.

Trong bối cảnh đàn áp khốc liệt của chế độ Cộng sản, việc một người chấp nhận dấn thân hoạt động, đấu tranh hoặc lên tiếng cho những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền là sự can đảm và hy sinh rất lớn.

Họ sẽ phải bị đánh đổi nhiều thứ, từ sự an toàn pháp lý lẫn an toàn thân thể của bản thân, người thân; Công việc làm ăn bị đình đốn; Nơi ở bị xâm phạm, sách nhiễu, theo dõi hoặc bị trục xuất (nếu ở thuê); Bạn bè, người thân xa lánh như tội phạm…

Cho nên, nếu có phải sa vào vòng lao lý, thì quyết định hành xử như thế nào là quyền của tù nhân khi phải cân nhắc giữa nhiều lựa chọn, mà không có lựa chọn nào hoàn hảo cả. Hoặc trong nhiều trường hợp, là không có sự lựa chọn nào cả với những trò thú tính tàn độc của đám điều tra viên Cộng sản.

Vài người trong công chúng, những người lẩn tránh dấn thân, đứng ngoài để chờ đợi vỗ tay hoặc dè bỉu, chưa từng hình dung ra điều khó khăn nào trong chốn lao tù mà tù nhân phải đối diện, thì thật ra, không có tư cách hoặc quyền hạn gì để mà yêu cầu tù nhân phải hành xử cho vừa ý mình cả.

Nếu muốn hành xử cho vừa ý, thì hãy tự mình dấn thân, hãy tự mình nhập cuộc để làm tấm gương mẫu mực cho công chúng ca ngợi, trầm trồ…

* Nhân dịp đọc thấy nhiều lời bình phẩm, so sánh về mức án của anh Trần Huỳnh Duy Thức và các bạn tù còn lại.

DC, ngày 10 Tháng Mười, 2024

Đặng Đình Mạnh

- Quảng Cáo -
Xin Giúp Chúng Tôi CHIA XẺ XA THÊM
Bài trướcNguyễn Thúy Hạnh
Phòng Trực của Chân Trời Mới Media ở Âu Châu đặt tại Paris, Pháp Quốc.