RFA
Vào chiều ngày 9/9, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số ba (tên quốc tế là Yagi). Cuộc họp do Chủ tịch nước, Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm chủ trì. Một số ý kiến của những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng đây là phép thử đối với tân Tổng bí thư, cựu Bộ trưởng Công an – người vừa lên nắm chức vụ này thay cố TBT Nguyễn Phú Trọng hôm 3 tháng 8 vừa qua.
Cơn bão Yagi được mệnh danh là cơn bão mạnh nhất ở Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua đổ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua. Số người chết và mất tích do bão này gây ra tiếp tục tăng và đã lên đến 292 người tính đến 11 giờ ngày 11/9, theo số liệu của Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư hôm 9/9, TBT Tô Lâm gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, báo Nhà nước đưa tin.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương phải “hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn.”
Tổng bí thư chỉ đạo sau bão
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Đức hôm 11/9 cho rằng khắc phục hậu quả bão Yagi là một thách thức với tân Tổng Bí thư Tô Lâm, bởi vì khi ông Tô Lâm vừa lên chức thì cơn bão có thể nói là mạnh nhất trong nhiều thập kỷ đã đổ vào Việt Nam và đã tàn phá Việt Nam nặng nề. Theo Luật sư Đài, ông Tô Lâm cũng đã có những sự chỉ đạo nhất định, nhưng ông Tô Lâm vẫn lập lại những cái cũ rích trước đây, và chưa đưa ra một tuyên bố nào là sẽ đưa ra số tiền cứu trợ người dân bao nhiêu, chỉ yêu cầu Mặt trận Tổ quốc kêu gọi người dân đóng góp từ thiện.
Trước bão Yagi, nhiều cơn bão mạnh đã vào Việt Nam như siêu bão Noru đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào cuối tháng 9/2022 làm ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, nhiều khu vực bị ngập lụt… Hay bão Damrey (tháng 11/2017) làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương…
Nhưng khi đó báo chí Nhà nước không có những thông tin chi tiết về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo trực tiếp trong việc chống bão và cứu trợ khắc phục hậu quả… giống như lần này với Tổng bí thư Tô Lâm.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm:
“Ông Tô Lâm sức khỏe tốt hơn ông Nguyễn Phú Trọng trước đây, nên khi xảy ra bão lũ thì cũng đã triệu tập chính phủ và các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Như vậy có khác ông Trọng trước đây, ông Trọng vì sức khỏe và cũng vì ổng quan tâm đến Đảng và chế độ nhiều hơn. Nhưng thực tiễn việc phòng chống bão lũ là việc của Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành khác. Ông Tô Lâm hiện đang muốn lấy lại uy tín với người dân, cho nên những nỗ lực của ổng là bình thường thôi.”
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) cho biết:
“Tôi nghĩ chuyện bão là một tai họa thiên nhiên, ở Việt Nam người ta đã có rất nhiều kinh nghiệm về đối phó với tai họa thiên nhiên như bão, lũ, lụt. Tôi nghĩ lần này cũng thế. Tôi nghĩ bộ máy nhà nước nó vẫn cứ vận hành. Tôi không nghĩ nó là một thách thức gì đối với ông Tô Lâm. Dĩ nhiên người ta có thể xem xét nếu ông ứng phó nhanh hơn hay không… ”
Người dân nhìn vào dàn lãnh đạo mới
Tân TBT, Chủ tịch nước Tô Lâm mới nhậm chức người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 8 vừa qua vào khi có nhiều bình luận ở trong nước và quốc tế về việc ông đã hạ bệ các đối thủ tiềm tàng của mình chỉ trong một thời gian ngắn trên con đường vào vị trí TBT như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Ngay sau khi lên chức, một loạt những vị trí quan trọng trong Đảng và Chính phủ mới được bổ nhiệm cũng được cho là những người rất gần với ông Tô Lâm bao gồm tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, người cũng vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị trong tháng tám vừa qua; ông Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an – vừa được bầu vào Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng trong tháng tám vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 11/9 khi nói với RFA cho rằng:
“Quá trình sắp xếp nhân sự của ông Tô Lâm đã hoàn tất. Các vị trí chủ chốt trong chính quyền đều do người thân tín của ông nắm giữ. Điểm chung là những người này là công an hoặc cùng quê Hưng Yên với ông. Vì vậy, ông Tô Lâm hiện nay là người chịu trách nhiệm chính đối với các vấn đề của đất nước, một người đứng đầu một đảng cầm quyền ở Việt Nam.”
Việc ông Tô Lâm tham gia trực tiếp cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ từ cơn bão số ba Yagi do đó theo ông Vũ nó không chỉ thể hiện tinh thần của người đứng đầu mà còn là người chịu trách nhiệm chính trong điều hành và dẫn dắt công tác phòng chống hậu quả của bão lụt.
Nhưng ông Vũ cho rằng những gì được thấy, ít nhất là trên báo chí và mạng xã hội, cho đến nay cho thấy một sự thất bại, lúng túng, bị động và thiếu tổ chức của công tác cứu hộ.
“Thứ nhất là chính quyền đã không dự đoán và cảnh báo được sự xuất hiện của lũ lụt sau cơn bão, dẫn đến người dân các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai bị tác động bất ngờ.
Thứ hai là chính quyền đã không có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu nhất, dù cho ngân sách chi cho lực lượng công an hơn mười lần ngân sách chi cho giáo dục hay y tế.”
Một người dân ở Hà Nội có tên là Khoa nói với RFA về hoạt động cứu hộ sau bão:
“Tôi chứng kiến mưa bão năm nay bất thường, nhất là mưa quá lớn nước, khắp nơi ngập lụt. Tại các Khu Công nghiệp nước ngập cao nửa mét, nhà máy xí nghiệp nghỉ ba bốn hôm nay. Hà Nội thì đường xá vẫn tắc, trong xóm thì nước dâng cao. Có gì đó bất thường ở trong khâu ứng cứu, đợi hoài… họp xong… nhưng quyết thì lâu quá, thay vì phải phản ứng ngay lập tức. Đó làm do cơ chế vận hành chậm chạp. Mấy ngày nay người dân kêu gọi làm sao có trực thăng cứu hộ, do nhiều gia đình cheo leo trên nóc nhà, nhưng không có, thuyền vào cũng không có, các địa phương ra đến nơi thì chết hết rồi, rất là khổ tâm.”
Một người dân khác ở Hà nội có tên là Trí nhận xét:
“Tôi nghĩ chủ yếu là do chủ quan và không lường được hết tác hại của bão. Việc nhà nước muốn phòng chống, cứu trợ hay khắc phục hậu quả chủ yếu là phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước, mà tôi nghĩ nguồn lực đấy ở Việt Nam là không có nhiều, không có trang thiết bị hiện đại.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 10/9 cho biết ý kiến:
“Hà Nội thật sự có ý chí chủ quan đối với khả năng một cơn bão mạnh kiểu Yagi. Ứng phó của Hà Nội theo tôi đến hiện nay còn nhiều lúng túng, không giúp đỡ được kịp thời cho người dân, kể cả trường hợp những người bị chết trong vùng sông Hồng do cơn bão này tạo ra… Dù có ứng phó nhưng công tác chuẩn bị quyết định tới 90 % kết quả đạt được. Nhưng do tư duy chuẩn bị của mọi người đối với việc thỉnh thoảng Hà Nội cũng sẽ nhận những cơn bão lớn. Vì vậy lần này Hà Nội nhận một kết cục tiêu cực của cơn bão Yagi.”
Không chỉ thiệt hại nhiều về người, bão Yagi cũng đã làm hơn 160.000 ha lúa bị ngập úng ở miền Bắc; hơn 30.000 ha hoa màu bị ngập úng và thiệt hại; hơn 1.600 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 790.000 con gia súc, gia cầm bị chết, theo Báo cáo cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến trưa ngày 11/9.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vào sáng ngày 11/9 ra cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá tại 16 địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ./.