Nguyễn Công Bằng
Đại học Fulbright bị đấu tố
Mới đây, dư luận Việt Nam ồn ào vì một số người quá khích đã “đấu tố” trường Đại học Fulbright Việt Nam vì cho rằng, trường này là “ổ cách mạng màu”. Sau đó cả Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam[1] và Hiệu trưởng trường Fulbright[2] đều phải ra thông báo cho vấn đề này.
Nguồn cơn bắt đầu từ một video clip trên YouTube của Quốc phòng Việt Nam ngày 21/8.[3] Clip này đã đưa thông tin về một loạt sự kiện chính trị tại một số nước như Venezuela và Bangladesh. Trong clip đó cũng có liên kết với tình hình ở Việt Nam. Clip này đã bị gỡ chỉ sau 5 ngày kể từ khi đưa lên YouTube.
Ngay sau đó một làn sóng trên các mạng xã hội chỉ trích “cách mạng màu” mà theo họ, vai trò lớn nhất chính là Mỹ và Phương Tây đứng đằng sau để giật dây cho các phong trào này.
Cách mạng màu do đâu?
Những người theo dõi tình hình thế giới đều biết khá rõ tình hình bất ổn ở Venezuela và cuộc tháo chạy mới đây của cựu Thủ tướng Bangladesh – Sheikh Hasina. Tình hình Venezuela rối loạn bởi những cáo buộc gian lận trong bầu cử. Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela vào ngày 28/7 đã kết thúc với sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng chính trị. Chính quyền tuyên bố Nicolas Maduro là người chiến thắng mặc dù đối thủ Edmundo Gonzalez Urrutia tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu. Mỹ và một số quốc gia Mỹ Latinh đã từ chối công nhận thất bại của Gonzalez, nhưng Cuba và Trung Quốc, cùng với những quốc gia khác, đã gửi thông điệp chúc mừng tới Maduro. Các cuộc biểu tình chết người đã nổ ra trên khắp Venezuela, khiến quốc gia Nam Mỹ này lại chìm trong bạo lực.
Còn ở Bangladesh, nữ Thủ tướng 76 tuổi, sau khi đã cầm quyền liên tục 15 năm, đã sa đà trong một phương thức cai trị ngày càng độc tài. Các vụ bắt giữ, mất tích và hành quyết ngoài vòng pháp luật trong hàng ngũ phe đối lập gia tăng, trong khi tham nhũng lan rộng trong bộ máy hành chính.
Bất mãn với chính quyền, lãnh đạo quân đội đã chủ trương không nổ súng vào người biểu tình, khi cảnh sát không còn kiểm soát được tình hình, và quyết định này đã buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và vài giờ sau đó, phải chạy ra nước ngoài.
Sau khi Liên Xô tự tan rã vì những yếu kém trong mô hình và các nguyên nhân nội tại khác, nhiều chính quyền độc tài và tham nhũng trên thế giới đã bị các phong trào biểu tình trong nước lật đổ.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nhiều chính quyền độc tài vẫn đang tồn tại, cách họ cai trị là bằng “súng và lưỡi lê”mà Trung Quốc và Nga là các quốc gia điển hình. Chắc nhiều người còn nhớ, theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách hàng đầu của Trung Quốc thời đó, các binh sĩ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã không ngần ngại nổ súng vào những người biểu tình, chủ yếu là sinh viên từ các trường đại học lớn ở thủ đô, tập trung tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. Các cuộc biểu tình khổng lồ đã bị nhấn chìm trong máu, một trong những trang sử đen tối của chế độ Bắc Kinh, vẫn được ghi nhớ trong ký ức phương Tây như “cuộc thảm sát Thiên An Môn”, đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 người trong số hàng chục nghìn người biểu tình đòi dân chủ ở Trung Quốc.
Ngày nay, trong sự cạnh tranh Mỹ – Trung quyết liệt, Trung Quốc đã không ngừng tuyên truyền để bao biện cho sự độc tài của họ, đổ lỗi cho Phương Tây, nhằm hạ thấp các giá trị của nhân loại. Ví dụ, một bài báo trên Tân Hoa Xã đã khẳng định: “Các cuộc nổi loạn nhân danh “dân chủ” và “tự do” do Hoa Kỳ thiết kế và hậu thuẫn đã nổ ra ở Đông Âu, Trung Á và Trung Đông trong những năm qua. Các cuộc nổi loạn mang những cái tên nghe có vẻ thơm tho, chẳng hạn như “Cách mạng Hoa hồng” ở Georgia, “Cách mạng Cam” ở Ukraine, “Cách mạng Hoa tulip” ở Kyrgyzstan và “Cách mạng Hoa nhài” ở Tunisia, dường như báo hiệu điều tốt lành cho tương lai của họ.
Trong hơn 10 năm qua, hy vọng của họ về nền dân chủ theo phong cách Hoa Kỳ thông qua cái gọi là “cách mạng màu” đã bị dập tắt không ngừng: triển vọng từng đầy hứa hẹn đã trở thành hiện thực cay đắng với những xung đột thường xuyên, nền kinh tế tan vỡ và đau khổ không thể diễn tả thành lời.”[4]
Trung Quốc cũng chính là bên đã đưa ra lý thuyết “Diễn biến hoà bình” mà có một thời, phía Việt Nam cũng học theo lý thuyết này để rủa xả Phương Tây.
Fulbright thành lập do đâu?
Khi Việt Nam mở cửa, bắt đầu chập chững xây dựng nền kinh tế thị trường thì Việt Nam đã phải vời các chuyên gia từ nước ngoài đến để giúp đỡ. Trong số các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia Mỹ sẽ là tốt nhất vì nền kinh tế Mỹ là lớn nhất trên thế giới, và nền khoa học Mỹ cũng luôn đứng hàng đầu thế giới, trong đó có kinh tế học.
Một số lãnh đạo Việt Nam, vượt qua khỏi các thành kiến, đã có ý tưởng mời các chuyên gia Mỹ tới đào tạo cho nhiều cán bộ Việt Nam về kinh tế thị trường, thứ mà trước đây hầu hết các lãnh đạo Việt Nam mù tịt.
“Vượt qua vô số rào cản trở ngại từ cả hai phía, cuối cùng, TP.HCM, nơi được xem như “phòng thí nghiệm” của các ý tưởng cải cách thời kỳ đầu Đổi Mới đã được chọn là nơi tọa lạc của một chương trình đào tạo của Harvard. Tháng 1 năm 1995, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) chính thức ra đời, trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao”.[5]
Sau đó, khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, ước mơ Việt Nam sẽ có một trường đại học đẳng cấp quốc tế cứ dấy lên. Các trường đại học Phương Tây có ưu thế không thể bàn cãi. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã nhờ một số chính phủ Phương Tây giúp đỡ xây dựng một số trường đại học như Đại học Việt – Anh, đại học Việt – Đức, đại học Việt – Nhật…Tuy nhiên, những trường đại học này vẫn nằm trong mô hình cũ, không thể bứt phá thành những trường có đẳng cấp quốc tế. Vì thế, chính phủ Việt Nam đã nhờ cậy chính phủ Mỹ giúp đỡ xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế, và hai chính phủ đã quyết định thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam vào năm 2016, được nâng cấp từ chương trình kinh tế Fulbright trước đó.[6]
Nói như vậy để thấy đại học Fulbright là phía Việt Nam nhờ cậy chính phủ Mỹ xây dựng, chứ không phải là Mỹ rảnh bỏ tiền ra để “làm tổ cho cách mạng màu” như một số kẻ cáo buộc.
Kẻ nào chủ mưu?
Vậy tại sao đại học Fulbright lại bị đấu tố như vậy? Trước hết, phải khẳng định rằng, tâm lý ghét Mỹ và Phương Tây vẫn còn ngự trị trong trí óc của một số lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là giới tuyên giáo. Chưa kể, dân Mỹ vốn tự do, nên họ thấy chỉ trích là bình thường, nên họ không quan tâm. Chứ như Trung Quốc, người Việt ghét vô cùng, nhưng có dám chỉ trích đâu, vì Trung Quốc sẽ lấy uy nước lớn để đe nẹt lãnh đạo Việt Nam, và thế là dù có căm ghét cũng không có phương tiện truyền thông nào được phép chê bai Trung Quốc.
Tuy nhiên, những người ghét Mỹ và Phương Tây giờ cũng đã không còn nhiều. Hầu hết con cháu các lãnh đạo cao cấp đều cho sang Mỹ và châu Âu học hay định cư, chứ có mấy ai cho con qua Trung Quốc hay Nga nữa. Chưa kể, năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau đưa quan hệ lên mức độ cao nhất rồi còn gì.
Những người am hiểu thì sẽ thấy, quan hệ Việt – Mỹ đã có rất nhiều thay đổi, đặc biệt sau khi Trung Quốc bộc lộ dã tâm độc chiếm Biển Đông chèn ép Việt Nam trên vùng biển này. Đúng là Việt Nam không cần liên minh quân sự với ai, nhưng nếu không có Mỹ, chắc Trung Quốc cũng chẳng coi Việt Nam ra gì và chắc cũng không dễ để Việt Nam yên thân trên Biển Đông.
Kể từ 5 năm trở lại đây, quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển rất nhiều. Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang mới có chuyến thăm Mỹ về, và ông ta sẽ tiếp tục trở lại Mỹ trong vài tuần tới khi tháp tùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến qua Mỹ sắp tới.
Vậy tại sao lại có sự đấu tố rầm rầm trường Fulbright như vậy? Chắc chắn là giới bảo thủ ở Việt Nam dù có còn tâm lý ghét Mỹ cũng không dám trái lệnh trên khi chửi bới trường Fulbright ngay trước các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang Mỹ. Ở đâu không nói, chứ ở Việt Nam này thì làm gì có chuyện dư luận viên dám vô phép trước Tổng Bí thư. Như vậy thì chỉ còn khả năng là những quốc gia đang đối địch với Mỹ sẽ rất không hài lòng khi Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau, đó là Nga và Trung Quốc.
Cuộc đấu tố này dường như mang dấu ấn của tình báo Trung Quốc, như cách họ đã làm năm ngoái, khi sử dụng truyền thông Philippines để đổ tội cho Việt Nam ở Biển Đông, tìm cách chia rẽ quan hệ Việt Nam – Philippines.
Nhưng điều đáng nói là chính quyền Việt Nam khoe có cả một bộ máy an ninh dày đặc, kiểm soát cả những comments của những ai hay phản biện chính quyền, nhưng lại gần như không thể hoặc không muốn có những điều tra hay kết luận gì về việc thao túng dư luận mà tạo ra những bất lợi cho đối ngoại của chính Việt Nam. Điều này mới là đáng nói.
[1] https://baochinhphu.vn/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-hoat-dong-cua-truong-fulbright-viet-nam-102240826224303093.htm
[2] https://fulbright.edu.vn/vi/thu-ngo-tu-truong-dai-hoc-fulbright-viet-nam/
[3] https://boxitvn.blogspot.com/2024/09/cao-buoc-sai-trai-ve-truong-fulbright.html
[4] http://www.news.cn/english/2021-12/16/c_1310376299.htm
[5] https://fulbright.edu.vn/vi/truong-fulbright-va-hanh-trinh-hon-mot-phan-tu-the-ky-chuyen-hoa-nguon-luc-con-nguoi/
[6] https://fsppm.fulbright.edu.vn/vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-fuv/truong-dai-hoc-fulbright-viet-nam-chinh-thuc-co-giay-phep-thanh-lap/