Tô Lâm chỉ mới lên Tổng Bí thư chưa lâu, nhưng đã thực hiện những bước đi dọn đường cho bản thân ông và thế lực Hưng Yên. Ngay khi vừa lên chức, ông đã trảm ngay 4 uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó có 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng và 2 Bí thư tỉnh. Phó Thủ tướng và một Bí thư tỉnh thuộc phe Thủ tướng, Bộ trưởng là người của phe Hà Tĩnh.
Việc trảm những nhân vật này giúp cho Tô Lâm thực hiện được 2 mục đích. Thứ nhất là tạo chỗ trống để phe Hưng Yên có cơ hội thay thế, thứ nhì là cắt vây cắt cánh các thế lực khác, để kìm hãm những thế lực này.
“Lò” dưới bàn tay Tô Lâm vẫn cháy mạnh. “Lò” này từng được ông Trọng sử dụng cho mục đích thanh trừng phe phái, và biến nó thành thứ vũ khí lợi hại, bảo vệ vị trí độc tôn của “chủ lò”. Đó là nguyên nhân khiến Tô Lâm phải giành bằng được quyền “đốt lò”, để củng cố quyền lực cá nhân. Với lợi thế như vậy, chắc chắn, Tô Lâm sẽ không từ bỏ di sản này của Tổng Trọng.
Suốt 8 năm qua, bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Đảng đã dán nhãn cho cái “lò” này, là để làm trong sạch Đảng. Thì nay, Tô Lâm sử dụng cái “lò” này, cũng là cách tự phết cho mình một lớp mặt nạ cao cả.
Tô Lâm lên ngôi, người đầu tiên được hưởng lợi là Vũ Hồng Văn – em họ của người vợ đầu của ông. Tiếp theo, sẽ có rất nhiều nhân vật được hưởng lợi từ thành quả của Tô Lâm. Tô Lâm sẽ ban phát ân sủng, từ gia đình đến đồng hương, ắt hẳn, khó có ai lại không tranh thủ.
Vậy những người dưới trướng Tô Lâm gồm những ai?
Hiện nay, người Hưng Yên trong Bộ Chính trị chỉ có 1 – đó chính là ông Tô Lâm, một con số rất ít so với nhóm Nghệ An, là 2 người (trước khi ông Vương Đình Huệ ngã ngựa thì Nghệ An có 3 người). Tiếp theo là nhóm Hà Tĩnh cũng có 2 người trong Bộ Chính trị. Như vậy, trong thời gian tới, nhóm Hưng Yên ít nhất phải có thêm 1 người vào Bộ Chính trị, cho ngang bằng với các nhóm lớn khác.
Người có khả năng vào Bộ Chính trị cao nhất là Lương Tam Quang – Bộ trưởng Bộ Công an. Tiếp theo là Nguyễn Duy Ngọc, chậm nhất là đến Đại hội 14, ông Ngọc sẽ vào Bộ Chính trị. Ngoài ra, hiện nay, Hưng Yên có 3 uỷ viên Trung ương Đảng khác, là Hoàng Xuân Chiến – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Hồng Thái – Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1; và Đỗ Tiến Sỹ – Tổng Giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam.
Bộ Chính trị đang ngày một trống, rất có thể, những nhân vật đang là uỷ viên Trung ương Đảng gốc Hưng Yên, sẽ được Tô Lâm thu xếp để vào Bộ Chính trị.
Ngoài những uỷ viên Trung ương Đảng trên, thì Hưng Yên có rất nhiều nhân vật có khả năng vào Trung ương Đảng khóa sau, có thể kể ra như:
- Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông này từng dính đến đại án Việt Á cùng với Nguyễn Thanh Long, nhưng thoát tội, vì là đồng hương với Tô Lâm;
- Phạm Thế Tùng – Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an;
- Tô Long – Thượng tá Công an, là con trai của ông Tô Lâm;
- Vũ Hồng Văn – Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương vv…
- và còn rất nhiều nhân vật khác đang xếp hàng chờ được “vua” họ Tô ban ân sủng.
Ngoài những nhân vật gốc Hưng Yên, còn có:
- Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng, quê Tây Ninh. Ông này được cho là có quan hệ mang tính chất gia đình với Tô Lâm. Ông Quang có khả năng vào Bộ Chính trị trong thời gian tới;
- Nguyễn Văn Long – Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, quê ở Bắc Giang. Ông này cũng có quan hệ mang tính chất gia đình với Tô Lâm.
Trên đây là những nhân vật có thể được điểm danh, còn những nhân vật khác chưa nổi, vẫn đang xếp hàng chờ được “ân sủng”. Lò vẫn đang cháy, Tô Lâm sẽ tạo ra rất nhiều khoảng trống để phe Hưng Yên có thể vươn mình thống trị Ban Bí thư, Bộ Công an và Chính phủ.
Hoàng Phúc – Thoibao.de