(Theo VOA)
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới mùa tựu trường tại Việt Nam. Hiện giờ, nhiều phục huynh đang ‘gồng mình’, chắt bóp chi tiêu để chuẩn bị các khoản chi và phí cho con cái trong năm học mới. Không ít gia đình phải thu vén, xoay sở sao cho có đủ tiền nộp vào đầu tháng 9 khi con em trở lại trường. Những khoản chi lớn, nhỏ đủ kiểu đang biến mùa khai giảng trở thành ‘cơn ác mộng’ đối với nhiều gia đình mà VOA phỏng vấn.
Chị Nguyễn Thị Dương, một người buôn bán lặt vặt tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết không cần phải đến tháng 9 mà ngay tuần rồi, cậu con trai lớp 4 của chị đã bắt đầu đi học thêm để gọi là ‘làm quen lại với trường lớp’ theo gợi ý của thầy, cô giáo. Lớp học thêm này, dù chỉ bắt đầu một tháng trước thềm năm học mới, nhưng cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với bà mẹ đơn thân có hai con nhỏ như chịDương, người thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng từ việc bán buôn lặt vặt.
“Đóng học phí gần như gấp đôi so với số tiền phải đóng hàng tháng trong năm học. Trong năm học thì phải nộp 1,4 triệu đồng/tháng kể cả tiền ăn bán trú. Còn học thêm hè này thì cô tính là mỗi cháu 2 triệu đồng/tháng,” chị Dương cho VOA biết.
Chị Dương nói để chuẩn bị cho con trai khai giảng vào đầu tháng 9 tới đây, chị đã phải chắt bóp trong suốt mùa hè để gom góp hơn 10 triệu đồng cho rất nhiều khoản chi, phí khác nhau.
“Học hè xong là học chính luôn thì phải nộp tiền quỹ lớp, tiền quần áo đồng phục, tiền bảo hiểm cho con, tiền xây dựng trường để nhà trường mua điều hoà và các thứ cho các cháu nhưng thực ra chỉ mua một lần rồi các năm sau tính tiền đó vào tiền điện. Nhà trường cho biết các con đóng vào để trả vì nhà nước chỉ hỗ trợ phần nào đấy thôi,” chị Dương than thở và cho biết 10 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn đối với gia đình chị, tương đương với hơn hai tháng buôn bán ‘đầu tắt mặt tối’ ngoài đường.
Có hoàn cảnh kinh tế khá giả hơn chị Dương một chút vì cả hai vợ chồng đều làm công chức nhà nước, anh Phạm Thành Trung, một cư dân tại quận Thanh Xuân, cho biết gia đình anh cũng đang siết chặt các khoản chi để có tiền cho con gái 2 tuổi chuẩn bị vàonăm học mới. Con anh còn quá nhỏ, chưa gửi được ở các trường công lập nên phải gửi trường tư, với mức học phí hơn một đầu thu nhập của vợ chồng anh.
“Một tháng 10 triệu, còn hơn cả lương mình. Lương mình nhà nước còn chưa được 10 triệu/tháng. Mình hỏi cho con mình vào lớp chất lượng cao thôi thì người ta lại nói là lớp chất lượng cao không đủ học sinh để mở lớp, chỉ có lớp song ngữ thôi. Nên đành nghiến răng nghiến lợi cho con đi học thôi chứ biết làm sao,” anh Trung than thở.
Anh Nguyễn Thành Nam, một cư dân ở quận Hai Bà Trưng, cho biết hai đứa con lớn của anh đều không đậu vào trường công cấp 3 nên phải theo học trường tư. Cứ tới mùa khai giảng là anh phải thắt lưng buộc bụng, chuẩn bị một khoản tiền lớn để đóng học phí.
“Đầu tháng 9 là phải đóng một đống tiền. Trường dân lập thì cứ đầu năm họ thu học phí cho cả năm là 50 triệu/cháu,” anh Nam cho biết.
Tuy nhiên theo anh, thà một lần đóng một khoản lớn như vậy còn hơn là phải ‘chăm sóc’ thầy cô giáo thường xuyên, hay phải cho con đi học thêm tất bật như thường thấy ở các trường công lập.
Để đáp ứng các khoản chi mùa tựu trường, hầu hết các gia đình được VOA phỏng vấn đều cho biết họ đã có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu ngay từ khi năm học trước còn chưa kết thúc.
“Nói chung cả năm phải cày cuốc thôi và để riêng ra một khoản đưa cho vợ để đóng tiền học phí và chi phí cho con. Còn tiền lương hàng tháng thì để chi tiêu,” anh Trần Quang Hạnh, một cư dân của quận Long Biên, cho biết.
Ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã đề nghị các ban ngành liên quan nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về mức thu học phí trong năm học 2024-2025. Các khoản thu ngoài học phí được chỉ thị phải theo đúng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành. Riêng đối với các trẻ học mầm non dưới 5 tuổi thì được miễn học phí, bắt đầu từ ngày 01/09/2024.
Tổng cục Thống kê thừa nhận giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của các hộ gia đình tại Việt Nam. Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu đời sống, chi tiêu cho giáo dục đang là một gánh nặng đối với phần đông các hộ gia đình Việt Nam hiện nay, bất kể con của họ học trường công hay trường tư.
Tổng Cục thống kê cho rằng, từ góc độ chính sách, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục-đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, vốn cũng là niềm mong mỏi của phụ huynh tại Việt Nam mà bấy lâu nay chưa được đáp ứng.
(Theo VOA)