Trần Hiếu Chân
Hà Nội có thể đưa ra một tuyên bố trung tính, lên án bạo lực và chủ nghĩa khủng bố, hy vọng về sự hòa giải và ổn định cho nước Mỹ, mà không nhất thiết công khai ủng hộ bất kỳ phe đảng nào. Điều này có thể được diễn giải như dấu hiệu của minh triết và tư duy nhân văn.
——————–
‘Truyền thông mậu dịch’ Hà Nội, vốn bị quản thúc rất chặt chẽ nhưng ngay từ đầu đã rôm rả phục vụ độc giả trong nước mọi tin tức liên quan đến từng ‘chân tơ kẽ tóc’ đường đi của tám viên đạn vãi xung quanh vị trí của cựu Tổng thống Donald Trump đang mở đầu bài phát biểu tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania (Mỹ). Từ sáng sớm ngày 13/7 (giờ Việt Nam), mọi luồng thông tin, từ trái sang phải, từ các trang mạng xã hội đến báo chí trung ương và địa phương đều nhất loạt loan tin về vụ ông Trump bị ám sát hụt. Các báo nhiều độc giả như VnExpress, VietNamNet, VTC News, Dân Trí… (1) hết thảy đều chạy tin chi tiết, cựu Tổng thống bị một viên đạn sượt qua tai phải, chảy nhiều máu, nhưng không ảnh hưởng tính mạng. Nghi phạm 20 tuổi, được công khai ngay danh tính, không có tiền án, đã dùng súng AR15 nã vào Trump từ khoảng cách 120 – 130 mét từ trên mái nhà, bên phải nơi ông Trump vận động bầu cử.
Không chỉ đưa tin, truyền thông Việt Nam còn trích đăng, đề cập ngay đến hệ quả tức thời của vụ ám sát hụt nói trên. Hẳn nhiên là nhấn mạnh đến sự bất ổn và hỗn loạn đang lan rộng trong xã hội Mỹ, mô tả không khí hoang mang và lo lắng cực độ đã diễn ra khắp đất nước cờ sao. Báo chí cũng đã đưa tin kịp thời về các cuộc biểu tình lớn ở các bang ủng hộ đảng Cộng hòa và cả ở những bang chống ông Trump. Cho rằng, vụ ám sát hụt này làm gia tăng sự phân cực trong xã hội Mỹ, vốn đã bị chia rẽ sâu sắc bởi những quan điểm chính trị trái ngược nhau. Truyền thông tất cả các báo lớn còn đưa các nhận định, sự kiện này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống. Việc bảo vệ đối với các ứng cử viên tổng thống bắt đầu được tăng cường tột bậc, đặc biệt với ông Trump, bởi vì không loại trừ khả năng xảy ra cuộc ám sát ông Trump tiếp theo.
Thông tin về vụ việc được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý trên các phương tiện truyền thông, với nhiều bài viết và bình luận từ phía công chúng cũng như các chuyên gia phân tích chính trị. Tuy nhiên, một không khí ‘im lặng tuyệt đối’ lại bao trùm lên các nhà lãnh đạo Ba Đình. Những yếu nhân mấy ngày rày vốn đang xông xáo, trong cả quốc nội lẫn trên trường quốc tế, nhưng đã không hé ra bất cứ một lời nào về việc ông Trump sém chết. Mãi đến chiều 18/7, sau cuộc ám sát hụt năm ngày, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn BNG nhận được đề nghị mới cho biết quan điểm của Việt Nam về vụ ám sát hụt cựu tổng thống Mỹ cuối tuần qua. Phát ngôn viên đã cho biết ‘lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gửi lời thăm hỏi và mong cựu tổng thống Donald Trump sớm bình phục’ (2).
Chúng ta không được biết, lãnh đạo Việt Nam đã ‘áo gấm đi đêm’ hồi nào và bằng cách nào gửi lời hỏi thăm Trump. Nhưng sự tảng lờ và cố ý trì hoãn công khai việc đã có lời thăm hỏi nhân vụ ám sát đã rúng động nước Mỹ càng lộ liễu, khi đích thân Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và đương nhiên các lãnh đạo Nhật Bản, Anh quốc, EU (3) và các đồng minh khác của Hoa Kỳ đều là những chính khách đã ngay lập tức lên án hành vi bạo lực và chia mừng với cả Trump lẫn nước Mỹ. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng đang ‘thập tử nhất sinh’ thì chẳng nói làm gì, nhưng tại sao tất cả dàn lãnh đạo Ba Đình đều phớt lờ chuyện cựu Tổng thống Trump chết hụt?
Vì vừa ghét, vừa sợ Trump…
Giới quan sát trong nước cố gắng giải mã hiện tượng ‘không giống ai’ này của lãnh đạo Hà Nội. Các lý do cho việc thiếu vắng một tuyên bố chính thức từ các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể rất đa dạng. Do các giao thức chính trị, mối quan hệ đối ngoại và bản chất của sự cố nghiêm trọng này? Trên thế giới, các quốc gia xưa nay thường giữ lập trường thận trọng đối với các biến cố an ninh nội bộ liên quan đến lãnh đạo nước ngoài, trừ khi chúng có ảnh hưởng lớn đến bang giao trực tiếp. Hơn nữa, các chi tiết cụ thể hoặc các cuộc thảo luận nội bộ trong các chính phủ, kể cả tại các nước dân chủ, về các sự cố này nhiều khi không được công khai hóa cho truyền thông. Vì vậy, việc xác định chính xác lý do im lặng của lãnh đạo càng trở nên không đơn giản. Đấy là chưa nói, thực tiễn ngoại giao quốc tế thường khác nhau, và mỗi quốc gia phản ứng dựa trên các cân nhắc chính trị và ngoại giao đặc thù của mình.
Riêng trong trường hợp đối với Việt Nam, nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ đến, phần nào liên quan đến các tuyên bố chống cộng nổi tiếng của cựu Tổng thống. Donald Trump, trong suốt nhiệm kỳ của mình, đã có những phát ngôn mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa cộng sản; điều này có thể ảnh hưởng đến thái độ của những người cộng sản Việt Nam, dù họ chỉ là cộng sản trên danh nghĩa. Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích chủ nghĩa cộng sản trong các phát biểu và tuyên bố trước đây. Ông đã phê phán chủ nghĩa cộng sản là một hệ tư tưởng thất bại và chỉ dựa trên sự áp bức người dân, Trump cũng đổ lỗi cho chủ nghĩa cộng sản về tất cả những đau khổ và tàn phá mà nó đã gây ra ở nhiều quốc gia (4), Trump đã nhấn mạnh chủ nghĩa cộng sản không bao giờ mang lại tự do và thịnh vượng, và ông thường sử dụng những cụm từ chát chúa để lên án các quốc gia theo chế độ cộng sản, điển hình là Trung Quốc và Cuba. Những phát biểu này phản ánh lập trường chống cộng nhất quán của ông. Và lãnh đạo Việt Nam ghét Trump là vì vậy!
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Trump đã hai lần sang Việt Nam và đương nhiên đã được cả dàn lãnh đạo Việt Nam hết sức o bế. Đặc biệt là trong chuyến thăm lần thứ hai khi Hà Nội đã nỗ lực để làm trung gian cho các cuộc thương thuyết giữa Trump và Kim Jong-un nhưng bất thành. Mặc dầu vậy, những phát ngôn của cựu Tổng thống vẫn khiến giới lãnh đạo Ba Đình hết sức dè dặt, nếu như không nói là e sợ. Cựu Tổng thống Trump đã có nhiều tuyên bố gây tranh cãi về Việt Nam trong thời gian tại nhiệm. Ông từng cho rằng Việt Nam là ‘kẻ lợi dụng tồi tệ nhất’ trong quan hệ thương mại với Mỹ, thậm chí tệ hại hơn cả Trung Quốc (5). Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các công ty di chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ, nhấn mạnh quan điểm của ông Trump rằng Việt Nam đang lợi dụng Mỹ một cách không công bằng trong quan hệ thương mại.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc Mỹ sẽ tuyên bố từ bỏ việc dán nhãn kinh tế phi thị trường cho Việt Nam vào ngày 26/7 tới đây còn bấp bênh. Có thể Tổng thống Biden sẽ nhường lại cái quyết định khó khăn này cho Tổng thống kế nhiệm, mà giờ đây, rất có thể lại là Trump! Cho nên thái độ vừa qua của Hà Nội cũng có thể phản ánh đường lối ngoại giao thận trọng của Việt Nam, nhằm tránh can thiệp vào các tranh cãi chính trị nội bộ của Mỹ và muốn duy trì sự cân bằng trong thời buổi chuyển giao chính quyền tại Washington. Nhưng thay vì ‘áo gấm đi đêm’, Ba Đình có thể đưa ra một tuyên bố trung tính, lên án hành động bạo lực và chủ nghĩa khủng bố, bày tỏ hy vọng về sự hòa giải và ổn định cho nước Mỹ; chúc mừng Trump vì đã vượt qua tình huống nguy hiểm, mà không nhất thiết phải công khai ủng hộ bất kỳ phe đảng nào. Điều này có thể được diễn giải như một dấu hiệu của sự minh triết và tư duy nhân văn, mà không gây phản ứng tiêu cực từ các bên khác nhau. Nhất là khi giờ đây, cả Biden lẫn Trump đang kêu gọi nước Mỹ hãy đoàn kết sau vụ cựu Tổng thống bị ám sát hụt (6).
_______________
Tham khảo:
(4) https://br.usembassy.gov/remarks-president-trump-72nd-session-united-nations-general-assembly/
(5) https://www.voatiengviet.com/a/trump-thuong-mai-viet-nam-nguyen-xuan-phuc/4980634.html
(6) https://www.voatiengviet.com/a/7700930.html