Di sản của ông Trọng – Cái lò sẽ tắt

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Cuối cùng, những đồn đoán đã chấm dứt khi 6h chiều 19/7, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua đời vào lúc 13h38’ cùng ngày.

Ông Trọng qua đời cũng không khiến người ta ngạc nhiên nhiều, thời gian gần đây đã lâu không thấy ông xuất hiện. Một người 80 tuổi, với gánh nặng tuổi tác và thời gian, đã qua ít nhất một lần tai biến, nhiều lần nằm viện thì khó mà sống lâu thêm được.

Ngày hôm qua, 18/7, báo chí cũng cho biết ông Tô Lâm – Chủ tịch nước đã được trao quyền điều hành Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, những cơ quan quyền lực nhất của đất nước cộng sản này.

- Quảng Cáo -

Chắc chắn, trong những ngày tới, rất nhiều báo chí trong nước và quốc tế sẽ nhìn nhận và đánh giá di sản để lại của ông Trọng, người đã giương cao ngọn cờ chống tham nhũng trong một chiến dịch mà chính ông gọi là “đốt lò”. Chiến dịch này đã đưa hàng ngàn đồng chí của ông vào vòng lao lý, cùng với rất nhiều người thân cận của ông đã phải “dứt áo ra đi”.

Về mặt đối ngoại, ông Trọng là người đã ghi được nhiều dấu ấn đặc biệt. Năm 2011, khi vừa nhậm chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trọng đã có chuyến thăm Bắc Kinh, sau đó hai nước đã ký kết Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, văn bản ký kết này đã bộc lộ rất nhiều sơ hở. Các chuyên gia luật quốc tế của Bộ Ngoại giao đã không được phép tham dự vì đây là chuyện riêng của hai đảng, chứ không phải của chính phủ, vì thế bản thảo gần như đã do phía Trung Quốc soạn sẵn, để sau này phía Việt Nam phải vất vả giải thích cụm từ “Gác tranh chấp, cùng khai thác” trong bản Tiếng Trung sang “Hợp tác cùng phát triển” trong bản Tiếng Việt.

Năm 2015, ông là Tổng Bí thư đầu tiên của một nước cộng sản đã sang thăm Mỹ và được Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp với nghi thức của một nguyên thủ quốc gia. Điều này cần nhấn mạnh bởi vì theo hiến pháp Việt Nam, chỉ có Chủ tịch nước mới là Nguyên thủ quốc gia, nên đã nhiều lần Mỹ và Việt Nam gặp khúc mắc trong việc phối hợp thực hiện nghi lễ đón tiếp.

Cuối năm 2022, ông Trọng cũng gây sự chú ý nhiều khi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới gặp và chúc mừng Tập Cận Bình, sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới kết thúc và Tập tiếp tục nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Trung Quốc.

Sau chuyến đi này, nhiều người đoán rằng Việt Nam sẽ chỉ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc mà lánh xa Phương Tây, tuy nhiên, với chuyến thăm Hà Nội tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Biden, cùng với sự nâng cấp quan hệ hai bên lên mức cao nhất. Tháng 12/2023 ông Trọng cũng tiếp tục đón tiếp chuyến thăm trả lễ của Tập sang Hà Nội. Điều này đã cho thấy Việt Nam đã có những chiến thuật cân bằng ngoạn mục mà ông Trọng là người lãnh đạo cao nhất.

Trong lần hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Hà Nội hồi tháng 6 năm nay, người ta đã nhìn thấy “màu của cái chết” trên gương mặt của ông. Thế nhưng nhiều người vẫn hy vọng có phép màu với ông, khi ông như một biểu tượng quan trọng của đảng cầm quyền, trong khi uy tín của đảng này đang ngày càng xuống dốc nghiêm trọng trong mắt của người dân Việt Nam.

Thành tựu lớn nhất của ông Trọng, theo nhiều người, có lẽ là công cuộc “đốt lò” của ông, mà hàng ngàn đảng viên với những chức vụ cao thấp khác nhau, đã bị bắt giam và xử tù. Ông đã đưa Đinh La Thăng – Uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên vào trong tù. Ông cũng đã chủ trì việc hạ bệ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Thậm chí với những người thân cận của ông như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đều phải nghỉ hưu non do liên quan đến tham nhũng. Ông Trọng được nhiều người dân nhớ tới do đã nhóm lên ngọn lửa chống tham nhũng một cách quyết liệt, thế nhưng còn rất nhiều điều cần đánh giá lại về thành tựu này.

Nhiều người nghĩ ông Trọng thực sự trong sạch nên mới được sự tin cậy của hệ thống, tuy nhiên, cũng có những nghi vấn về vai trò của ông Trọng trong vụ tham nhũng liên quan đến Dự án Ciputra vào thời gian ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Người ta còn đồn rằng, căn nhà mà ông mới mua lại của nhà nước cách đây không lâu, với giá chỉ 90 triệu VND, trong khi giá thị trường là khoảng 300 tỉ VND.

Di sản để lại của ông Trọng là một nền chính trị đầy bất ổn, có phần hỗn loạn. Việc ông chết khi chưa có một Tổng Bí thư mới sẽ có thể dẫn đến những tranh giành, xung đột khốc liệt giữa các phe cánh với nhau mà ở đó chỉ có người dân là chịu thiệt. Báo chí nước ngoài đã ước tính Việt Nam thiệt hại hàng tỉ USD do “không ai dám quyết” vì sợ bị đi tù. Ở một quốc gia độc đảng, pháp luật thì mù mờ, còn phe cánh thì nhiều, dẫn đến nếu muốn làm được việc thì phải “lách luật”, nhưng làm như vậy có thể bị chấm dứt sự nghiệp chính trị, trong khi làm đúng luật thì sẽ không thể làm được gì cả vì luật pháp chồng chéo, rối rắm.

Ông Trọng gương cao ngọn cờ chống tham nhũng là học Tập Cận Bình, nhưng đối thủ chính trị truyền kiếp của ông là Nguyễn Tấn Dũng vẫn không bị hề hấn gì. Mặt khác, người mà ông không ưa nhưng phải sử dụng là ông Tô Lâm, giờ đã là người đang tiến gần đến chức vụ Tổng Bí thư hơn bao giờ hết. Việt Nam có lẽ sẽ bước vào một thời kỳ mới mà tham nhũng còn phát triển mạnh hơn trước. Vì thế, công cuộc đốt lò này sẽ chẳng mang được lợi ích gì cho nhân dân và đất nước. Có chăng chỉ là lợi cho một số ít người có chức vụ quan trọng và nắm giữ quyền lực tối cao mà thôi. Có thể nói rằng, cái lò của ông Trọng giờ cũng sẽ tắt theo sự ra đi của ông ấy mà thôi.

- Quảng Cáo -