Biến động chính trị ở Việt Nam đang kìm hãm nền kinh tế

- Quảng Cáo -

Về nhiều mặt, Việt Nam được coi là quốc gia nổi bật ở Đông Nam Á. Về mặt kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi các công ty đa quốc gia và chuỗi cung ứng tìm cách đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Và một phần về mặt địa chiến lược, Việt Nam dường như cũng có vị trí tốt: có quốc gia nào khác có thể tiếp đón các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga trong vòng một năm?

Nhưng nhìn sâu xa hơn, bức tranh sẽ bớt tươi sáng hơn. Năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, với mức tăng trưởng chỉ ở mức 5%. Trong năm nay đã có chút khởi sắc, với nền kinh tế dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6%. Đối với hầu hết các quốc gia khác mức tăng trưởng này là khá tốt nhưng so với tiêu chuẩn của Việt Nam thì lại thấp hơn nhiều. Việt Nam có  mức tăng trưởng trung bình trên 7% trong những năm trước Covid và hy vọng đạt được thu nhập cao vào năm 2045.

Biến động chính trị, chiến dịch chống tham nhũng gây tranh cãi và việc ra quyết định bị đình trệ đang làm suy yếu quá trình phục hồi và có nguy cơ hạn chế khả năng hưởng lợi của Việt Nam từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù bắt đầu từ năm 2016, chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng thực sự bùng nổ vào năm 2023. Chỉ trong vòng một năm, đã có 839 vụ tham nhũng mới với 2.276 công chức bị buộc tội ở tất cả các cấp chính quyền – cao gấp ba lần so với năm trước đó. Quan chức các cấp lần lượt từ chức trong đó có cả chủ tịch nước và hai phó thủ tướng.

- Quảng Cáo -

Khu vực tư nhân cũng không được buông tha. Giám đốc điều hành của các công ty lớn nhất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản và y tế đã bị bắt giữ và phải ra hầu toà. Đầu năm nay, cựu trùm bất động sản Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì biển thủ 12 tỷ USD – gần 3% GDP năm 2022 của cả nước.

Không có gì đáng ngạc nhiên, tổng vốn đầu tư năm ngoái đã giảm. Các quy định tài chính chặt chẽ hơn trong lĩnh vực bất động sản đã cản trở việc phát hành trái phiếu mới, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam. Đầu tư tư nhân trong nước giảm, đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng bởi các quy định tài chính chặt chẽ hơn. Trong khi đó tăng trưởng đầu tư công và tăng trưởng FDI ổn định không đủ bù đắp cho sự sụt giảm này.

Các cơ quan tài chính và tiền tệ đã phản ứng bằng các biện pháp mở rộng. Kế hoạch phục hồi kinh tế – xã hội đã giải ngân bổ sung một số khoản chi dự kiến, mặc dù vậy tỷ lệ giải ngân vẫn ở mức thấp 63,4% dự toán được duyệt. Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất.

Năm nay kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Nền kinh tế tăng trưởng 5,7% trong quý đầu tiên so với mức 3,4% của cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát giảm bớt trên toàn cầu cũng có nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam đang hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro rất lớn.

Tạo ra việc làm chậm và thu nhập hộ gia đình trì trệ có nghĩa là tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu. Sự hỗn loạn trong lĩnh vực tài chính và bất động sản gây ảnh hưởng xấu cho đầu tư tư nhân. Chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đang gia tăng và nguy cơ về sự quay trở lại của các cuộc chiến thuế quan theo kiểu Trump của Mỹ cũng gây ra những rủi ro rõ ràng cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, biến động chính trị của chiến dịch chống tham nhũng dường như là hạn chế lớn nhất. Việc từ chức của các quan chức cấp cao trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho các công chức cấp thấp hơn. Các quy trình hành chính đang bị chậm trễ do các quan chức không muốn ký phê duyệt. Việc ngừng cung cấp các dịch vụ của chính phủ có thể được cảm nhận trên nhiều lĩnh vực, từ giấy phép kinh doanh nhỏ đến phê duyệt dự án năng lượng tái tạo lớn. Ngoài sức ì quan liêu, tình trạng từ chức hàng loạt đang làm giảm khả năng thực thi, đặc biệt là ở chính quyền địa phương.

Tất cả các tổ chức tài chính quốc tế lớn – Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới – đều xác định việc tăng tốc đầu tư công là chìa khóa để phục hồi kinh tế nhanh hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Nhưng với việc các quan chức Việt Nam cực kỳ thận trọng trong việc ký kết các quyết định đầu tư công, giải ngân chi tiêu theo kế hoạch vẫn ở mức thấp. Tính đến tháng 5 năm nay, chỉ có 22,3% kế hoạch chi tiêu được giải ngân.

Điều này đang trở thành điểm nghẽn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty đa quốc gia đang ngày càng tìm kiếm nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy, đây đều là những vấn đề nóng ở Việt Nam. Lĩnh vực này đã chứng kiến ​​nhiều vụ từ chức cấp cao, trong đó có một phó thủ tướng và một Bộ trưởng Bộ Công Thương vì những cáo buộc tham nhũng. Việt Nam có sản lượng điện mặt trời và gió cao nhất ASEAN nhưng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Nhiều dự án hạ tầng năng lượng bị chậm tiến độ do thủ tục hành chính kéo dài. Năm ngoái miền Bắc bị mất điện do thiếu cung cấp năng lượng trong khi các dự án năng lượng mặt trời ở miền Trung và miền Nam Việt Nam được yêu cầu cắt giảm sản lượng do lưới điện quá tải.

Các công ty đa quốc gia đã phản ứng rồi; năm ngoái Intel đã quyết định không mở rộng hoạt động tại Việt Nam với lý do lo ngại về nguồn cung cấp điện ổn định. Sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ làm theo, hoặc tệ hơn là bỏ qua luông nếu tình trạng tê liệt chính sách tiếp tục cản trở các khoản đầu tư công bổ sung cần thiết. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội của mình.
_____________

Nguồn:

Political upheaval in Vietnam is holding its economy back

(VNTB)

- Quảng Cáo -