Cộng Sản và tôn giáo tại Việt Nam

- Quảng Cáo -

Văn Chu

Phật Giáo

câu hỏi: Có phải tất cả các sư trong GHPG Quốc Doanh là ma tăng hết không?

Tất nhiên là không. Trong bất cứ tập thể nào cũng có thành phần tuy ở trong nhưng lại có mầm ngược lại.  Trong tập thể nói chung tốt, có những con sâu làm rầu nồi canh, trong tập thể nói chung xấu sẽ có hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.  Đó là đúng theo nguyên lý tứ tượng âm dương, trong Thái Dương có thiếu âm, và trong Thái âm có thiếu dương.

Trước khi bàn về GHPG quốc doanh ta lấy ngay một ví dụ khá rõ nét đó là đảng CSVN:

- Quảng Cáo -

Tôi tin rằng những người gia nhập đảng CSVN thủa ban đầu đều là những người có lý tưởng yêu nước yêu dân tộc nên dấn thân làm cách mạng để giành lại chủ quyền độc lập dân tộc.  Nhưng khi mà họ đi theo một Đảng mà đằng sau những mỹ từ giải phóng dân tộc là chủ thuyết căn bản là hận thù tiêu diệt, thề phanh thây uống máu quân thù, giết giết bàn tay không ngưng nghỉ, trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ, đòi nợ máu kẻ thù của nhân dân v.v…, thì dần dần họ bị biến chất để trở thành những kẻ khủng bố lật lọng mà vẫn cứ tin mình là người yêu nước, thương dân. Lẽ tất nhiên trong số họ vẫn còn người giũ được lương tri, không bị cuốn hút vào con đường tà. Những người này có hai thái độ, hoặc chán nản chịu đựng trong yên lặng, nhất là khi quyền lợi sống còn của họ đang gắn liền với Đảng, nên họ chỉ dám lên tiếng khi về hưu hết bổng lộc, hoặc tự đào thải mình ra khỏi Đảng.

Trong giáo hội PG quốc doanh cũng tương tự như thế. Số sư sãi chân tu có thể vẫn còn nhiều vì Phật giáo đã có ngàn đời và chỉ mới bị quốc doanh vài thập kỷ nay. Nhưng số ma tăng quốc doanh tuy ít lại đang được CS thổi phồng đánh bóng cho nổi bật.  Vì sao?

Để hiểu rõ cội nguồn ta phải hiểu rõ thực chất sách lược của CS đ/v tôn giáo.

Mọi chế độ độc tài đều sợ mọi cá nhân, tổ chức, giáo phái nào có khả năng ảnh hưởng một số đông quần chúng ngoài luồng có thể là mầm đe doạ cho sự kiểm soát của họ.

Đảng CS tuy không nói ra nhưng thực sự tự coi họ như là một tôn giáo độc quyền bao trùm lên các tôn giáo khác và muốn tất cả phải thần phục. Cho nên chuyện thần thánh hoá lãnh tụ không phải là chuyện đặc thù mà là chủ trương chung của CS.

Đám chop bu CSVN hiện nay như cá mè một lứa cạnh tranh khốc liệt với nhau nên phải thống nhất duy trì hình ảnh thần thánh của kẻ quá cố HCM và đang từ từ cho HCM lên bàn thờ chung với Phật, từ từ gậm nhấm vì biết rằng không dễ nhồi sọ xoá bỏ niềm tin tôn giáo sẵn có của quần chúng
Vì họ là tôn giáo độc quyền nên nhu cầu của họ là phải tiêu diệt các tôn giáo khác, cho nên trong kinh điển CS “Tôn giáo là thuốc phiện mê ngủ quần chúng cần phải tiêu trừ”. Cho nên chủ trương triệt hạ mọi tôn giáo ở VN là chủ trương xuyên xuốt của Đảng và phương pháp thay đổi tuỳ theo từng đối tượng tôn giáo.

Đối với Thiên Chúa Giáo: đây là đối thủ mà CS có lẽ khó nhai nhất. Vì đây là một giáo hội có hệ thống chỉ huy hàng dọc mà lãnh đạo tối cao nằm tít bên Vatican xa ngoài tầm kiểm soát của Đảng và có lực lượng con chiên có kỷ luật nhất được răn dậy Vâng Lời và có lực lượng đồng đạo quốc tế rộng rãi hùng mạnh. Nên đối sách của CSVN là chưa diệt được thì thoả hiệp tạm thời một mặt tìm cách tranh thủ thương thảo với Vatican song song đó tìm cách chiêu dụ hủ hoá từng cá nhân các linh mục bề trên nhất là các nơi trọng điểm. Đối sách này có kết quả phần nào. Nhớ lại vụ giáo xứ Thái Hà nổi lên hơn hai thập kỷ trước, sau khi một Đức Hồng Y từ Vatican bay qua  dàn xếp, Thái Hà xìu xuống và Đức Cha Ngô Văn Kiệt sau đó được giải nhiệm lưu đầy.  Và ngày nay có những linh mục bề trên tuy không do CSVN tấn phong bổ nhiệm nhưng lại có tinh thần cha quốc doanh kềm hãm con chiên, bắt khép mình trong luồng CS.

Đ/v Tin Lành: Tuy đây cũng là một tôn giáo có sự tương trợ quốc tế cao, đáng kể  nhất là từ Hoa Kỳ, nhưng không có hệ thống chỉ huy hàng dọc, khó mà có đối tượng chính mà nắm tóc hay thành lập giáo hội quốc doanh, chỉ có thể thành lập Hội Thánh Tin Lành từng miền là cùng. Cho nên trong lúc Tin lành còn chưa phát triển sâu rộng trong nước thì phải dập tắt ngay trong trứng nước, truy lùng trù dập các nhóm tin lành ngoài luồng đang nhen nhúm, nên ta thấy các nhóm tin lành đang phát triển tại Tây Nguyên bị “dí” tối đa.

Đ/v PGHH và Cao Đài, là hai tôn giáo tập trung vào một số địa phương nên dễ khoanh vùng và chi phối với một giáo hội quốc doanh.

Đ/v Phật Giáo, một tôn giáo của đa số dân Việt thì sao?

CS khi muốn tiêu diệt cái gì thì họ nghiên cứu khá kỹ về đối tượng. Cho nên CS hiểu rất rõ về Phật Giáo VN. Vậy ta cũng sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về PG:

Phật giáo nguyên thuỷ vốn không phải là một tôn giáo mà là một triết lý. Chính các cao tăng cũng đã xác nhận điều này (v.d Thầy Thích Pháp Hoà, và mấy thầy khác già hơn trên mạng mà tôi không nhớ tên).

Bởi vì PG không có một đấng tối cao nào ban phép màu nhiệm đến ai cả. Đây là một hành trình đi tìm Phật nơi trong chính tâm mình, và mỗi người tự chịu trách nhiệm trên vận mạng của mình qua tạo nghiệp theo nhân quả. Đích đến cuối cùng của hành trình này không phải là thiên đường đầy hoan lạc mà là sự hoà tan vào cõi không cùng hư vô nhẹ thênh gọi là Niết Bàn, tự giải thoát mình khỏi vòng nghiệp báo luân hồi. Đường đi đến đích cuối đó có nhiều lối đi, nhiều cách tu tập, nhiều tông phái khác nhau cùng dung dị tôn trọng sự khác biệt của nhau trong cùng mục đích.

Đây là mầm gốc của tinh thần tự chủ, độc lập, đa nguyên hoàn toàn trái ngược với tôn giáo CS cho nên tôn giáo độc tôn CS cần phải triệt tiêu phá cho nát tinh thần này.

Các đệ tử của Phật Thích Ca sau khi tốt nghiệp lý thuyết thì bung ra xuống núi hành đạo để phổ biến rao giảng triết lý này, làm công tác tuyên vận kiều vận. Muốn thế thì hữu hiệu nhất là phải tìm chỗ để cho nhiều người có thể tập trung nghe mình rao giảng. Từ đó có am, cốc, tịnh thất dần phát triển lên thành chùa. Có chỗ, thì phải biết thu hút người đến nếu không sẽ thành chùa Bà Đanh. Muốn câu người viếng thì phải có gì đó đáp ứng được nhu cầu tâm lý, thị hiếu quần chúng, tại mỗi địa phương văn hoá khác nhau theo kiểu nhập gia tuỳ tục. Mà nhu cầu tâm lý, tâm linh chung của quần chúng khắp nơi là gì?

Theo Pascal, một nhà triết gia, tu sĩ Thiên Chúa Giáo, nhà văn, nhà toán học, khoa học gia người Pháp ở thế kỷ 17 thì con người bị kẹp và đè bẹp giữa hai cái vô cùng cực, cái vĩ đại vô cùng của vũ trụ thiên hà, và cái vô cùng nhỏ li ti mà không thể thấy và hình dung được. Giữa hai cái vô cùng đó con người cảm thấy bé nhỏ vô cùng yếu đuối, bất lực không thể hình dung giải thích được nhiều hiện tượng lạ như ma quái hay phép lạ. Cho nên con người có nhu cầu tìm đến một đấng toàn năng cứu rỗi che chở mình và đặt hết niềm tin của mình vào đấng này (Thiên Chúa của Pascal).

Các đệ tử của Phật chắc cũng hiểu được nhu cầu tâm linh của quần chúng nên họ đồng hoá Niết Bàn là cõi thiên đường an lạc, hành trình tu tập là đi tìm sự cứu rỗi chở che, và từ sự bày tỏ sự tôn kính Đức Phật người ta thần thánh hoá ngài và cho ngài có phép lạ màu nhiệm cứu độ chúng sanh.
Đạo Phật dần trở thành tôn giáo từ đó và phát triển mạnh vì chính niềm tin tôn giáo là động lực tâm lý giúp người ta vượt được qua bao khó khăn.

Từ am, cốc, tịnh thất tự lập của các thầy lúc ban đầu, với sự thu hút tụ tập càng ngày càng đông người, nhu cầu mở rộng cơ sở tu tập càng có, và các phật tử góp công sức tài vật xây chùa ở khắp nơi. Để ý cách phát triển chùa ở đây: ngoài những chùa nguy nga do vua chúa bỏ tiền ra xây như là công quả cho quần chúng đến tu tập nghe thuyết giảng, hành đạo Free, đại đa số các chùa nguyên thuỷ là do tăng đoàn và phật tử cùng nhau xây dựng cúng dường nuôi dưỡng để đáp ứng chính nhu cầu tâm linh của mình. Các sư sãi cũng lao động để nuôi chùa.  Tức là chùa khởi đi từ quần chúng

Như thế PG và chùa chiền phát triển một cách tự phát tùy nhu cầu mỗi nơi, tư do thoải mái không theo một hệ thống chỉ huy hàng dọc nào. Và lúc này hoàn toàn chưa có một giáo hội nào mà chỉ có tăng đoàn là lớp tăng ni liên lạc giao lưu hàng ngang với nhau.

Theo thư mới nhất của HT Thích Không Tánh, Giáo hội PG được thành lập vì nhu cầu bảo vệ đạo pháp trước những đe doạ từ bên ngoài. Quả thế danh xưng Giáo Hội mới chỉ được nghe từ thời ông Diệm đàn áp PG. Sau đó xuất hiện danh xưng GHPGVN “Thống Nhất” có nghĩa là thống nhất các nhóm nhỏ lẻ tẻ lại thành một khối. Nhưng dù có danh xưng GHPGVNTN tổ chức GH này khá lỏng lẻo và không hoàn toàn quy tụ hết tất cả các chùa chiền. Vì bản chất của PG là tinh thần thong dong tự tại buông bỏ mọi gò bó trần tục không hợp với một tổ chức quy củ nhất thống.
Khi có Giáo Hội là có hiện tượng quyền lực khi có quyền lực thì khó bỏ Tham Sân Si.

Một tổ chức quy tụ đông đảo quần chúng Phật Tử nhưng lại lỏng lẻo, với các tu sĩ chưa dứt bỏ được tham sân si là môi tường dễ cho CS xâm nhập lũng đoạn.

Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau đó GHPGVNTN bị bể làm hai.

Một bên là phe Việt Nam Quốc Tự do các sư Thích Tâm Châu, Thích Giác Đức v.v…cầm đầu, phe này là phe quốc gia chống cộng, bên kia là phe chùa Ấn Quang do Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh v.v… lãnh đạo, phe này là phe bị VC lũng đoạn, bao gồm đv CS chính gốc được cài cắm và các thành phần thứ ba. Mở ngoặc ở đây về thành phần thứ ba tại miền Nam.  Thành phần này không phải CS, nhưng lại không ưa sự hiện diện của Mỹ tại miền Nam, chủ trương chống chiến tranh. Thành phần này chỉ có thể có đất sống để lên tiếng thoải mái tại môi trường tự do của miền Nam chứ đâu được phép sống và nói ở xứ độc tài miền Bắc. Cho nên họ trở thành thành phần đối lập với chính quyền miền Nam và là đám ngu xuẩn hữu ích cho VC lợi dụng khai thác quấy rối chế độ VNCH.

Hai phe GHPGVNTN trên đối đầu nhau khá căng và có lúc phật tử hai bên qua lại choảng nhau dữ dội trong hai chùa này.  Sau này ở hải ngoại có tin TT ThíchTâm Châu kể lại ông suýt bị sát hại (?) trong thời gian đó.

Với sự sụp đổ của VNCH, phe VN Quốc Tự tan rã, các lãnh đạo di tản ra hải ngoại, các thành phần nồng cốt khác bị đi tù, đi cải tao. Chỉ còn lại phe Ấn Quang. Nhưng sau cái ban đầu hồ hởi đón chào quân “giải phóng”, nghĩ rằng mình có công góp phần đánh xập VNCH, vừa lòng bên thắng cuộc, hy vọng từ nay mình sẽ được chế độ mới hỗ trợ để thống lãnh Giáo Hội PGVNTN, số phận nhóm Ấn Quang sau này (tức GHPGVNTN) không khá hơn các sư bên VNQT còn ở lại. VC biết nhóm Ấn Quang không hoàn toàn trực thuộc mình, số đv được cài cắm vào mới chỉ là thiểu số, có sư trong thành phần thứ ba bị vỡ mộng có mầm phản kháng, đám ngu xuẩn không còn hữu dụng gì thêm, nên bắt đầu dẹp GHPGVNTN để thay thế bằng giáo Hội Quốc Doanh hoàn toàn nằm trong túi của mình. Thế là các sư Ấn Quang cũ lần lượt vô tù và sư Thích Thiện Minh đã phải chết trong tù. Lúc này GHPGVNTN mới thực sự thống nhất đoàn kết để chống thù chung là CS đang trù dập mình.

CS tổ chức GHPGVN (Quốc doanh) khá chặt chẽ đồng thời lo tận diệt các GH và tăng đoàn độc lập ngoài luồng.  Nhưng CS cũng hiểu sự giới hạn của tổ chức GHPGVN trên toàn thể tăng đoàn và phật tử trên cả nước, giống như GHPGVNTN trước kia, dù mình có dùng bạo lực và quyền lực bắt vào luồng để xiết. Không thể diệt PG với chỉ GHPGVN quốc doanh được nên CS nhìn vào tổng thể PG tại VN để đánh giá, và họ thấy gì?

CS thấy trước mắt là một khối quần chúng thành phần đa số trong nước, tín đồ của một tôn giáo lớn, lỏng lẻo không có chỉ huy nhất thống để hướng dẫn đồng bộ.  Mà đã là tín đồ thì dễ tin những gì trong tôn giáo mình.

Với bản chất Mafia tráo trở, CS ngửi thấy ngay mùi $$$ trước hết, và đây là bầu sữa $$$ vô tận. Thế là nhà nước đứng đằng sau những đầu tư xây những chùa xa hoa hoành tráng làm những tụ điểm vừa du lịch thương mãi vừa thu hút phật tử hãnh diện vì tôn giáo mình có những nơi thờ phượng nổi tiếng, nguy nga, dể hốt cúng dường.  Và từ Nam đến Bắc ta có nhiều thầy chùa luôn lớn tiếng kêu gọi cúng dường thay vì theo truyền thống trước đây các chùa chỉ lặng lẽ để thùng phước sương cho Phật tử tùy tâm tự ý âm thầm đóng góp vào. Và trên mạng xì ra cả một hội nghị thầy chùa để bàn bạc cách moi tiền phật tử. Thế là phật tử cứ thế mà cúng dường một cách hoan hỷ, tin mình đang tạo phước, thay vì ta thán như khi bị đánh thuế. Kế sách này khá thành công đến nỗi sinh ra một hiện tượng phụ ăn theo: người ta thấy có những làng những xóm mà thầy chùa trở thành nghề kiếm tiền, cứ tảng sáng là áo vàng cà sa từ những xóm này bung ra đường hành nghề khất thực tối về bình bát và túi áo đầy tiền tươi phật tử cúng dường làm phước.

Cũng qua trên mà CS được thêm lợi điểm là tạo được một hình ảnh biểu kiến tự do tôn giáo, nhờ chế độ mà Phật giáo được phát triển chưa từng thấy không như đám phản động la làng bị đàn áp tôn giáo.

Đồng thời CS cũng nhìn thấy mối đe doạ tiêm ẩn. Cũng khối tín đồ này sẽ dễ bị xách động nếu được hướng dẫn vào luồng của những minh sư, biết rằng Giáo Hội Quốc Doanh đã không thể hoàn toàn nắm được khối quần chúng này.

Cho nên đối sách cuả tôn giáo CS phải là:

  • dẹp từ trong trứng nước các nhóm tu tập lẻ tẻ có khả năng phát triển rộng lớn dần v.d nhóm Thiền Am, Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh (nếu có dịp mình sẽ bàn lại về chuyện TNH và CSVN)….
  • Phá nát tinh thần Phật giáo

Phá nát tinh thần PG bằng cách nào:

  • Nhập nhằng PG với mê tín dị đoan: hiện nay các phong trào mê tín dị đoan đồng bóng, đồng cơ cốt cậu xuất hiện nhiều khắp nơi, chưa từng thấy.  Người ta có thể lý giải là tại vì dân chúng bị khủng hoảng niềm tin nên bấu víu vào những chuyện tâm linh hoang đường và chính báo đài cũng có lúc làm phóng sự lên án các hiện tượng mê tín dị đoan. Câu hỏi đặt ra là nhà nước có thực sự muốn dẹp các hiện tượng mê tín không? Nhà nước đã chứng tỏ khả năng dẹp và trù dập các tôn giáo chính thống khá hiệu quả, sao giờ chỉ lên tiếng chiếu lệ. Và gần đây xuất hiện một thuật ngữ “chuyện tâm linh không phải đùa” khởi đi từ giới cán bộ đảng viên nhà nước.  Đây là sự tỉnh thức từ những kẻ vô thần? hay đó là lối tuyên truyền khuyến khích chuyện tâm linh mê tín?, khi ta biết rằng CS là tổ sư tuyên truyền trắng, xám, đen. Thuật ngữ trên gợi cho ta sự sợ hãi, có tính đe doạ một sự trừng phạt nào đó, phù hợp với niềm tin mê tín hơn là niềm tin tôn giáo khuyến khích tâm lý tích cực hướng thiện.
  • Hướng phật tử vào con đường u mê xuống cấp tư duy. Ta thấy các sư quốc doanh giảng pháp bậy bạ hướng về mê tín, khuyến khích hiện tượng lên đồng tập thể cả vạn người dưới danh nghĩa đăng đàn cầu nguyện tập thể như với Thích Nhuận Đức, và rồi thuyết giảng kể chuyện như là mình đang nói chuyện với lũ trẻ lên năm như Thích Chân Quang. Mà ông này không phải là người có bằng tiến sĩ Luật Học (?) và ta thấy các phật tử ngồi nghe một cách say mê gật gù với những chuyện hoang đường vô lý.
  • Đ/v thành phần phật tử tỉnh táo không bị mê hoặc thì làm sao cho họ chán ngán Phật giáo để bỏ chùa bỏ đạo, cùng lắm rút về nhà tu tại gia. Bơm thổi hình ảnh đạo pháp suy đồi với hình ảnh các sư công khai bộc lộ tham sân si, khoe hàng hiệu, đồng hồ rolex, điện thoại vertu, xe xịn, nhậu nhẹt, đi chơi cùng các chân dài, sư ngồi kiệu vàng được khiêng như vua chúa v.v… Khi làm nghiệp vụ đội lốt sư những sư giả đều được học khoá tu phật để hiểu về hạnh và giới luật chứ không phải không biết. Bình thường khi biết mình phạm giới, dù sư thật hay sư giả đều biết phải che đậy giấu giếm hành vi sai phạm của mình. Nhưng ở đây thì họ công khai tự post lên mạng như cố tình khoe mẽ. Và post lên hình ảnh quần chúng phật tử đông đảo u mê theo họ.

Có điều CS có lẽ không ngờ là khi đạo pháp suy đồi thì có hiện tượng phản kháng lại.  Ta thấy những chân tu giảng pháp theo lối chính đạo xuất hiện và được phát tán rộng rãi để làm sạch đạo pháp.  Và hiện tượng Thích Minh Tuệ nổ ra như ta đã biết.

Phản ứng của quần chúng cho VC thấy đối sách trên không hiệu quả mà còn bị phản ứng ngược, nên đã phải cho Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức về vườn. Sẽ là điều không ngạc nhiên nếu sẽ thấy hai tay này sẽ làm dê tế thần bị chính nhà nước đấu tố  để GHPG Quốc Doanh gỡ lại tiếng như kiểu Hồ Chí Minh nhỏ lệ cá sấu hạ tầng công tác Trường Chinh sau vụ Cải Cách Ruộng Đất dã man mọi rợ trước kia. Và mới tức thì một hai hôm nay ta thấy xuất hiện trên mạng một sư quốc doanh khác giảng pháp có trình độ cao, có tình có lý hơn để biện minh cho việc cúng dường và đề cao Đảng và nhà nước. Rồi Chùa Ba Vàng nơi đã bịp bợm Phật tử với ngọn xá lợi tóc ngọ nguậy, cũng mới tung ra một video clip quảng cáo khoá tu tập mùa hè cho trẻ nhỏ với đầy hình ảnh được dàn dựng rất tích cưc. Tối thiểu GHPG quốc doanh phải đàng hoàng hơn và tự nâng cấp mình lên để thích ứng với sự tỉnh thức của quần chúng.

Đây là điểm mà ta phải cho quần chúng thấy rõ là chính sức mạnh của quần chúng đã áp lực lên làm cho GHPG khá hơn tức là chính mình có thể tạo thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn thay vì buông bỏ chịu đựng cho nhà nước muốn làm gì thì làm./.

Văn Chu

- Quảng Cáo -