Trần Hoài Nam
Tại Đại hội 13 đầu năm 2021, Nghệ An là địa phương thắng lớn nhất ở Trung ương Đảng, với 3 uỷ viên Bộ Chính trị, 10 uỷ viên Trung ương, và 1 Ủy viên dự khuyết. Điều đáng nói là, cả 3 uỷ viên Bộ Chính trị, thì có 2 người trong Ban Bí thư của Tổng Trọng. Người còn lại, được xem là nhân vật quan trọng nhất của nhóm – ông Vương Đình Huệ – vốn được xem là “thái tử”, cho chiếc ngai vàng mà ông Nguyễn Phú Trọng đang ngồi.
Nếu không bị Tô Lâm đánh phá, thì đầu năm 2026, nhóm Nghệ An sẽ có Tổng Bí thư, và chắc chắn, hàng loạt uỷ viên Trung ương Đảng sẽ được nâng lên Bộ Chính trị. Với thế và lực hùng hậu như thế, khó ai có thể tượng tượng, thế lực nào có thể quật được nhóm Nghệ An. Bởi không chỉ vừa đông vừa mạnh, họ còn được ông Tổng Bí thư đỡ đầu.
Trong hệ thống quyền lực của Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị là nơi nắm giữ quyền lực cao nhất, theo nguyên tắc “dân chủ tập trung”. Đây là nơi quyết định mọi vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước. Kế tiếp, là quyền lực của Ban Bí thư, sau đó là Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chính phủ chỉ là cơ quan thừa hành, thực hiện những quyết sách từ các cơ quan kia.
Điều đáng nói là, trước đây, số thành viên Ban Bí thư chiếm khoảng 1/3 Bộ Chính trị, nhưng hiện nay đã chiếm một nửa. Nên, theo lý thuyết, thì Ban Bí thư phải có tiếng nói lớn nhất trong Bộ Chính trị.
Mặt khác, những tên tuổi hàng đầu trong nhóm Nghệ An, đều là cánh tay đắc lực ông Tổng Bí thư. Mà ông Tổng lại nắm Ban Bí thư, còn Ban bí thư thì có tiếng nói áp đảo trong Bộ Chính trị. Với mối quan hệ như vậy, thì liệu rằng, ai có thể tưởng tượng, nhóm Nghệ An sẽ gãy gánh giữa đường hay không?
Khi Tô Lâm đánh gục Võ Văn Thưởng, thì rõ ràng, ai cũng thấy, Tô Lâm muốn đoạt ngôi Tổng Bí thư. Lúc đó, Phan Đình Trạc lại nhảy ra, muốn tranh đoạt ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Điều này, chắc hẳn Tô Lâm không thể quên, và chắc chắn, việc trả đũa đối với ông Phan Đình Trạc là khó tránh khỏi.
Ông Trạc được xem là nhân vật có tham vọng lớn. Nếu ông có thể đoạt được Bộ Công an, có thể, ông cũng sẽ làm khuynh đảo chính trường, không thua gì Tô Lâm. Nhiều người đánh giá, về phần tàn bạo, sắt máu và tham vọng chính trị, ông Trạc không hề kém cạnh so với Tô Lâm.
Với một người như vậy, nếu Tô Lâm để yên, đồng nghĩa, Tô Lâm đang tự cài bom hẹn giờ vào nhà của mình. Và có thể nói, việc nhắm vào Phan Đình Trạc, là ưu tiên hàng đầu đối với Tô Lâm hiện nay, cùng với ưu tiên đoạt ngôi vị Tổng Bí thư.
Ông Trạc được cho là “cáo già” hơn, so với ông Trần Cẩm Tú. Tô Lâm đã thành công cài được tay chân thân tín vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, do Trần Cẩm Tú đứng đầu. Thế nhưng, Ban Nội chính Trung ương của Phan Đình Trạc thì cứ như “boongke” vậy, ông Tô Lâm chưa thể xuyên phá cơ quan này. Có lẽ, cũng bởi Phan Đình Trạc từng là người trong ngành Công an, nên có những thế thủ riêng với Tô Lâm chăng?
Tình hình chính trị Việt Nam hiện nay rất khó lường, cứ như trận bóng đá luôn rượt đuổi nhau về tỉ số. Chỉ trong vòng mấy ngày, Tô Lâm lên Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng rồi lại vuột mất chức Bộ trưởng. Rồi sau đó, ông lại đoạt được chức này giao cho đàn em.
Tuy nhiên, dù ở thế thắng, nhưng nếu Tô Lâm không giải quyết xong Phan Đình Trạc, thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Phe Nghệ An vẫn có lực lượng hùng hậu nhất trong Trung ương Đảng, bất chấp việc Vương Đình Huệ ngã ngựa.
Đáng nói hơn là, cả Bộ Chính trị đều xem Tô Lâm là nhân vật nguy hiểm, đấy là lợi thế không nhỏ đối với Phan Đình Trạc nói riêng và phe Nghệ An nói chung. Tô Lâm không thể xem thường.
Tuy phe Nghệ An đã tổn thương nặng, nhưng sức chiến đấu vẫn còn. Cuộc chiến vẫn còn ở phía trước, phe Hưng Yên chưa chắc đã thắng, và phe Nghệ An chưa chắc đã bại.
Hãy đợi xem!