Văn là người. Người xưa đã nói thế, không sai! Những gì ta viết, kể cả cái comment ngăn ngắn, cũng chính là con người của ta.
Huy Đức viết báo, viết sách “Bên thắng cuộc”; tất cả những chữ nghĩa ở đó, là chính con người anh: trí tuệ, trách nhiệm, chính trực, can đảm, dấn thân, vô uý và chấp nhận hy sinh.
Huy Đức khởi xướng chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” – xây nhà và trợ giúp cho các cựu binh Hoàng Sa và Trường Sa, bất kể họ ở phía nào.
Huy Đức thực hiện chương trình trồng rừng VARS, cả vạn cây xanh đã đứng vững trên đất, thành rừng.
Cho đến bây giờ, “Bên thắng cuộc” là bộ sách về lịch sử Việt Nam sau 1975 do một cá nhân thực hiện với nhiều thông tin chân thật, thái độ khách quan và công bằng nhất. Đây là bộ sách đầu tiên không thuộc quan sử (sử do nhà nước chủ trì) mà thuộc tư sử (sử do cá nhân tự viết) trình hiện diện mạo đất nước từ năm 1975 đến cuối thập niên 1990, với tất cả những điều được – mất, thành tựu và sai lầm, bằng quan điểm viết sử kinh điển có từ xưa: “Thuật nhi bất tác” – chép sử chứ không sáng tác lịch sử, không tô hồng hay bôi đen hiện thực, không bị chi phối bởi quyền lực và quyền lợi.
Ba chữ “Bên thắng cuộc” là bản quyền của Huy Đức. Bất kỳ ai, để lại cho đời một định danh, một thuật ngữ, thành ngữ, điển cố,… là có thể xác định được tên tuổi của mình với thiên hạ. Chỉ riêng nhan đề của bộ sách này, Huy Đức đã ghi tên tuổi của mình vào lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam hiện đại.
Sau này, có thể có những cuốn sách lịch sử chân xác hơn, đầy đủ hơn, sống động hơn, hấp dẫn hơn “Bên thắng cuộc”. Nhưng “Bên thắng cuộc” của Huy Đức vẫn là một dấu mốc quan trọng cắm vào hành trình lịch sử của dân tộc, vì nó bước qua lời nguyền, khai sơn phá thạch cho sử Việt Nam sau 1975 vốn đóng băng với quan điểm viết sử là viết về thần tượng, thành tựu và chiến công. Bằng trách nhiệm và cái dũng của người dám “viết dưới giá treo cổ”, sử của Huy Đức không chỉ có thắng lợi, mà còn là sử ký của sai lầm và mất mát, sử của những sự thật “chết người”. Kể cả sách và báo, anh dám viết những điều mà nhiều người không dám đọc, không dám đối diện, không dám thừa nhận; dù biết như thế, anh khó mà yên ổn. Tuy vậy, anh đã sử dụng cái quyền đầy hiểm nguy của người cầm bút – quyền chọn lựa viết sự thật và bày tỏ chính kiến của mình.
Khi nào thì một người cầm bút có thể yên tâm mà chết đi? Đó là khi anh ta viết được một tác phẩm để đời. Huy Đức có những bài báo để đời, có bộ sách để đời. Anh chết cũng được rồi!
Đời người, chỉ cần trồng một cái cây đã là đáng quý, Huy Đức trồng một rừng cây. Anh chết cũng được rồi!
Nếu Huy Đức chết đi, ba chữ “Bên thắng cuộc” vẫn trường tồn, trường thọ; rừng cây anh trồng dẫu gặp thiên tai nhân hoạ, vẫn còn ít nhất là vài cây phương trưởng; những bài chính luận sắc sảo và bộ sách đồ sộ “Bên thắng cuộc” của anh dẫu gặp thị phi, vẫn có thể khai tâm trí cho một số người trên hành trình theo đuổi tự do và dân chủ đầy gian nan của dân tộc. Chỉ cần như thế thôi, thì đừng nói đến tạm giữ, khởi tố, bắt giam, tù đày; mà ngay cả bây giờ, nếu anh chết đi, thì đã không lãng phí một đời. Sự đời, đôi khi án phạt lại là xác tín, là vòng nguyệt quế cho nhân cách của một con người. Người yêu anh lẫn ghét anh, đều không làm được như anh. Trong ván cờ người, ván cờ đời, ván cờ đạo nghĩa, anh là “Bên thắng cuộc”.
Một đời người, có bao nhiêu đâu, mà anh làm được nhiều việc đến thế. Chữ nghĩa cũng chừng ấy thôi, mà anh viết được những điều có sức nặng ngàn cân. Trước sau, vẫn luôn thấy anh “yêu đất nước này cay đắng”, anh đau đáu với dân tộc này, anh chọn con đường chông gai với tất cả trách nhiệm của một công dân – một trí thức – một người cầm bút.
Nếu chết khi chưa làm được gì cho sự nghiệp và lý tưởng mà mình theo đuổi thì mới đáng tiếc, còn anh, những việc lớn anh đã làm được rất nhiều, hết sức hết lòng rồi, thì chết lúc nào chẳng được. Lập thân, lập nghiệp, lập ngôn – tam lập đó anh đã làm xong, làm một cách xuất sắc, thì tai ách của cuộc đời cũng có hề chi. Phải không anh?!
(Nguyễn Thị Tịnh Thy)