Truyền thông quốc tế: Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có tham vọng làm Tổng bí thư

- Quảng Cáo -

Nguyễn Phú Trọng đã nghĩ đến ông Tô Lâm như một ‘con dê tế thần’ và vì vậy đã có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng ông Tô Lâm nuôi thăm vọng quyền lực cá nhân và vì vậy không Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị.”

Một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin tức về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, coi đây là một bước đi hướng tới chức Tổng bí thư- vị trí cao nhất trong chế độ độc đảng ở Việt Nam trong Đại hội đảng toàn quốc vào đầu năm 2026.

Tham vọng trở thành tổng bí thư

Nhiều chuyên gia về chính trị Việt Nam được truyền thông quốc tế dẫn lời cho rằng mục tiêu của ông Tô Lâm là thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã ở cương vị này liên tiếp ba khoá trong điều kiện tuổi cao sức yếu (80 tuổi).

- Quảng Cáo -

Hãng tin AP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng với cương vị mới, ông Tô Lâm đang ở vị thế rất mạnh để trở thành Tổng bí thư trong thời gian tới.

Đại diện Quỹ Konrad Adenauer (KAS) của Đức ở Việt Nam, ông Florian Feyerabend được hãng tin Aljazeera dẫn lời cho rằng ông Tô Lâm rõ ràng có nhiều tham vọng hơn là về hưu, vì nếu tiếp tục ở lại Bộ Công an, ông sẽ phải ra đi vì đã ở cương vị này hai khoá.

Một nhà quan sát giấu tên ở Hà Nội nhận định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 23/5:

Không loại trừ là ông ta có tham vọng tiến tới ghế Tổng bí thư. Tham vọng quyền lực sẽ không có giới hạn, không cần biết nhân dân đang suy nghĩ gì, tức giận ra sao khi mà xã hội vẫn đầy rẫy tham nhũng và bất công, mà trong đó công an cũng có vai trò thủ phạm lớn, như bảo kê và hoạt động sân sau.”

Một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội cho rằng ông Tô Lâm chắc chắn có tham vọng trở thành người đứng đầu đảng, nhưng ông cũng có nhiều đối thủ, và không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn trong Bộ Công an. Do vậy, con đường dẫn tới cương vị đứng đầu đảng của Tô Lâm sẽ có nhiều chông gai.

Để trở thành người thay thế ông Trọng, ông Tô Lâm còn phải tranh đấu với nhiều ứng cử viên khác, nổi bật là đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, và cả tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown, nói với Aljazeera rằng sau khi rời Bộ Công an, ông Tô Lâm “có thể ở vị trí yếu hơn” để đối mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính là một ứng cử viên nặng ký khác.

Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà quan sát chính trị đang định cư ở Canada, trong cuộc hội luận với Đài Á Châu Tự Do lại có một nhận định khác.

Ông Tuấn cho rằng cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang bị tô vẽ như một người có tham vọng quyền lực qua các cuộc thanh trừng nội bộ, tuy nhiên, trên thực tế người đạo diễn toàn bộ các câu chuyện thời gian vừa qua lại chính là ông Trọng. Ông cho biết quan sát của mình:

“Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian vừa qua với chuyện ‘đốt lò’ thực sự là một cuộc xáo trộn chưa có tiền lệ và với bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác thì nó có nhu cầu tái đoàn kết nội bộ và nó có một nhu cầu phải có một ‘con dê tế thần’ để gây lại sự đoàn kết trong Đảng.

Tôi nghĩ rằng người chủ mưu của những chuyện này là Nguyễn Phú Trọng đã nghĩ đến ông Tô Lâm như một ‘con dê tế thần’ và vì vậy đã có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng ông Tô Lâm nuôi thăm vọng quyền lực cá nhân và vì vậy không Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị.”

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, có thể người bị xử lý tiếp theo lại là ông Tô Lâm, và ông Trọng “sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ tư của mình không phải như một kẻ tham quyền cố vị mà như là một người cứu Đảng khỏi tham vọng của ông Tô Lâm, cứu Đảng khỏi một kẻ vì cuồng vọng quyền lực của mình mà đã thanh trừng nội bộ, đã xáo trộn Đảng trong suốt thời gian vừa qua”.

Những điểm tối của Tô Lâm

Trong tám năm qua, dưới thời ông Tô Lâm, bộ máy an ninh đã thực hiện nhiều chiến dịch đàn áp nhân quyền, trấn áp giới bất đồng chính kiến và tàn phá xã hội dân sự, theo đánh giá của nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới.

Theo New York Times, Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo “cuộc trấn áp sâu rộng xã hội dân sự và bị cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc một cựu quan chức cấp tỉnh người Việt ở Berlin vào năm 2017.”

Tờ báo của Mỹ đang nhắc đến ông Trịnh Xuân Thanh – cựu quan chức dầu khí trốn sang Đức xin tị nạn chính trị nhưng bị các mật vụ bắt cóc trở về Việt Nam xử lý.

Ngoài ông này, hai nhà hoạt động khác là ông Trương Duy Nhất-blogger của Đài Á Châu Tự Do và ông Đường Văn Thái-người chuyên đưa tin chính trị nội bộ lên YouTube cũng bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về Việt Nam dưới thời của ông Tô Lâm.

Hãng tin Reuters còn nhắc đến Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với lời cảnh báo về nhiều vi phạm nghiêm trọng của lực lượng an ninh dưới quyền của Tô Lâm.

Hãng tin Anh Quốc này cũng nói trong thời gian Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an, Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên chỉ trích Hà Nội về đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Reuters còn dẫn báo cáo của Dự án 88 nói rằng dưới sự chỉ đạo của Tô Lâm, xã hội dân sự ở Việt Nam đối mặt với nhiều hạn chế từ năm 2021 và bị thắt chặt từ năm 2023 cùng với việc nhiều nhà hoạt động khí hậu bị bỏ tù trong khi luật được ban hành để kiểm duyệt mạng xã hội.

Năm 2021, ít nhất 32 người bị kết án tù dài hạn vì chỉ trích phủ trên mạng xã hội và 26 người bị bắt vì các cáo buộc nguỵ tạo, theo thống kê của HRW.

“Với việc ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước, Việt Nam trở thành nhà nước công an trị,” Reuters dẫn lời ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88. Nhà hoạt động này dự báo đàn áp nhân quyền và kiểm duyệt sẽ tăng cường trong thời gian tới khi nhiều thành viên của Bộ Chính trị là công an hoặc xuất thân từ công an.

Nhiều hãng tin cũng nhắc lại việc ông Tô Lâm ăn bò dát vàng trong nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn năm 2021 khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối phó với đại dịch COVID, và việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm khi người này nhại lại động tác rắc muối của chủ nhà hàng Salt Bae.

New York Times dẫn lời nghiên cứu viên cao cấp Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak:

“Nền tảng là bộ trưởng công an mang lại cho ông ấy rất nhiều quyền lực nhưng cũng có thể là một trở ngại đối với ông ấy vì ông ấy bị nhiều người sợ hãi.

“Nếu ông ấy trở thành Tổng bí thư, mọi người đã lo ngại rằng ông ấy có thể lợi dụng bộ máy an ninh để biến Việt Nam thành một nhà nước cảnh sát.”

- Quảng Cáo -