Hiện tượng Ngài Thích Minh Tuệ (tôi dùng từ Ngài, theo cách một bài viết công bố trên facebook dùng, vì thấy đó là từ thích hợp nhất) làm chúng ta so sánh Ngài với các thầy tu trong các chùa.
Trên thực tế thì gần đây có nhiều vị tu sĩ Phật giáo thuộc các chùa thuộc GHPGVN đã có những hành xử làm mất lòng tin của công chúng vào Đạo Phật, cũng như vào GHPGVN. Điển hình như việc ông Thích Nhật Từ đi kiện một ông cụ già 90 tuổi chỉ vì một câu nói “ngu như bò”, hoặc việc trưng bày cái gọi là “xá lợi tóc” ở chùa Ba Vàng, hay việc kêu gọi cúng sao giải hạn, rồi những lời giảng xàm xí về kiếp trước, về nhân quả, về phước do cúng tiền lẻ, tiền mệnh giá lớn… để kêu gọi người ta cúng tiền cho chùa của ông Thích Chân Quang. Gần đây nhất là cái công văn của Hội đồng trị sự của GHPGVN về Ngài Thích Minh Tuệ đầy tính qui chụp và sân si.
Ngoài những điều chúng ta thấy trên mạng, thì rất nhiều những ngôi chùa khác cũng có vấn đề. Còn nhớ, năm 1975, khi gia đình tôi vừa vô Sài Gòn, ở nhờ nhà một bác, là cựu công chức chế độ VNCH, trong một con hẻm ở đường Hòa Hưng, phường Chí Hòa, quận 10. Trong một con hẻm trên con đường đó có một ngôi chùa. Theo bác chủ nhà kể, thì ông sư trụ trì chùa ấy rất nổi tiếng vì có tới mấy bà cứ kéo nhau đến chùa đánh ghen tưng bừng.
Gần nhà mẹ tôi bây giờ, có một ngôi chùa khá khang trang. Tuy nhiên, người tu hành trong chùa ấy thì thật khó có thể tưởng tượng. Họ thường xuyên mở loa hết công suất khi tụng kinh, gây ra một sự ồn ào và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của những người dân gần khu vực chùa. Họ tranh cãi, chửi nhau đôi khi khá ầm ĩ. Thậm chí là có những cuộc đánh nhau mà chính quyền địa phương phải can thiệp. Đôi lúc ngôi chùa trở thành điểm mất an ninh trật tự của địa phương.
Chính vì những lẽ đó, mà cộng đồng đã tôn vinh cách tu hành của Ngài Thích Minh Tuệ, vì cách tu hành ấy cho thấy, Ngài đã thể hiện rõ mong muốn từ bỏ tham, sân, si, chứ không tham, sân si nhiều hơn người không đi tu của nhiều chức sắc Phật giáo khác.
Thực tế thì thế nào?
Về phía các chùa, và các vị tu sĩ tu tại các chùa, tôi không đồng ý là tất cả họ đều bị hư hỏng, đều tham, sân, si còn nhiều hơn người không đi tu. Mạng xã hội đã làm nổi bật những tu sĩ trong cái mà dư luận mỉa mai là “tu biz”, có nghĩa là kinh doanh việc tu tập. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều các tu sĩ đã gạt bỏ khá nhiều tham, sân, si. Chỉ có điều, họ bị chìm đi so với các vị đi xe sang, xài điện thoại xịn, có nhiều tài sản…
Tôi có hai người bà con, học Đại học Phật giáo xong, được bổ nhiệm làm trụ trì những ngôi chùa nhỏ, một ở Quảng Trị, một ở ngoài Bắc. Trong thời gian học, họ học tại Sài Gòn, trong khi mẹ tôi, ngoài là một người bà con, bà còn là một Phật tử tu tại gia, nên họ cũng thường ghé nhà thăm. Sau khi họ được bổ nhiệm làm trụ trì, họ có nói cho mẹ tôi những ý định của họ, thì thấy họ không hành động vì những lợi ích cá nhân hoặc cục bộ, mà muốn biến ngôi chùa thành nơi để các Phật tử đến sinh hoạt.
Tu tập theo cách Ngài Thích Minh Tuệ đang tu là một việc cực khó. Ngoài ý chí kiên cường, ngoài tâm hồn thanh tịnh, ngoài một niềm tin sắt đá vào bản thân và đạo pháp, coi nhẹ sinh mạng của chính mình… Ngài còn cần phải có một sức khỏe vô song. Không phải ai cũng có được đủ những điều ấy như Ngài. Thế cho nên, Ngài là người duy nhất mà suốt mấy chục năm nay chúng ta mới được biết đến là tu theo hình thức khổ hạnh như vậy.
Mặc dù để có được những ngôi chùa to, những pho tượng lớn, thì phải có nhiều tiền, và muốn có nhiều tiền thì phải có cách gây quĩ. Mặc dù tu tại chùa thì sung sướng hơn, không phải trải qua nhiều khổ hạnh như Ngài Thích Minh Tuệ. Nhưng chúng ta không thể coi tất cả những người tu tại chùa là không phải bậc chân tu. Chân tu hay không biểu hiện ở cách hành xử của họ với Phật tử, và ở ngay trong các công việc đời thường.
Chúng ta mong muốn lột bộ mặt thật của bọn giả tu, của nhóm “tu biz”, nhưng cũng không nên làm tổn thương những vị tu sĩ trong các ngôi chùa không nằm trong giới “tu biz”./.