Đặng Đình Mạnh
Pandora là tên gọi chiếc hộp bí ẩn theo truyền thuyết Hy Lạp, mà khi mở ra, thì tai ương sẽ đến.
Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng đang chiếm giữ quyền cai trị quốc gia này, cũng có một chiếc hộp Pandora mà khi mở ra, tai ương cũng đổ ập xuống Đảng theo cách không cưỡng được.
Ngẫm xem, chiếc hộp Pandora của Đảng, những tháng ngày vừa qua, ai đã mở? và mở như thế nào?
Chiến dịch đốt lò
Năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu nói đến khái niệm “Đốt lò” để ám chỉ về cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng mà ông đang phát động. Khi ấy, ông nhắm đến mục tiêu củng cố Đảng, vì lẽ, tham ô, tham nhũng là những tội danh chức vụ, mà không ai khác, chỉ có đảng viên mới là những người có chức vụ.
Thế nhưng, kết quả cuộc chiến đốt lò cho thấy: Trong chưa đầy 6 năm mà đảng Cộng Sản phải tổ chức thay đổi nguyên thủ quốc gia đến 7 lần, chưa kể đến lần thay đổi Chủ tịch Quốc hội vừa xảy ra vào ngay những ngày đảng kỷ niệm ngày chiến thắng 30 tháng Tư của họ. Không chỉ thế, hàng loạt bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch đầu tỉnh, tướng, tá quân đội, công an… đều là những đảng viên cao cấp lộ mặt tội phạm. Số đảng viên cấp thấp hơn vi phạm pháp luật nhiều vô kể. Số liệu chính thức của đảng Cộng Sản vào năm 2022 cho thấy con số không thể khủng khiếp hơn: Đến gần 17 vạn đảng viên bị xử lý vi phạm.
Rõ ràng, dù không mong muốn, nhưng việc ông Nguyễn Phú Trọng phát động cuộc chiến đốt lò không khác gì việc mở chiếc hộp Pandora. Chúng đã làm phơi bày trọn vẹn bản chất của không ít đảng viên, rằng họ lúc nào cũng chỉ tìm cơ hội tham ô chiếm đoạt tài sản của công, tham nhũng trấn lột tài sản của người dân, đến mức độ, công chúng không thể thấy Đảng ấy còn có giá trị gì để mà cần củng cố.
Vi phạm điều lệ đảng
Điều lệ đảng Cộng Sản có hiệu lực đối với đảng viên không khác gì hiến pháp có hiệu lực đối với công dân trong quốc gia. Điều lệ đảng không chỉ gồm những quy định nêu về tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức, hoạt động cho đảng viên mà còn mang tính cách cưỡng hành.
Một trong những nguyên tắc của điều lệ là sự hạn chế chuyên quyền của vai trò tổng bí thư, người đứng đầu có quyền sinh sát đối với đảng. Thật vậy, những đảng viên tiền nhiệm trong Đảng đã đặt ra sự hạn chế nhiệm kỳ đối với chức vụ tổng bí thư, là không quá hai nhiệm kỳ (điều 17 Điều Lệ Đảng).
Tuy vậy, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Nguyễn Phú Trọng lại ra ứng cử tiếp nhiệm kỳ thứ 3, phá vỡ nguyên tắc hạn chế nhiệm kỳ. Ông Trọng đặt ra ngoại lệ “Trường hợp đặc biệt” để tiếp tục giữ chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3.
Bằng việc vi phạm “Hiến Pháp Đảng”, ông Nguyễn Phú Trọng đã mở chiếc hộp Pandora trong Đảng về sự xem thường điều lệ đảng. Kể từ đó, bên cạnh một loạt các khủng hoảng chính trị mang tính truyền thống, nền tảng chưa thể giải quyết, như: Khủng hoảng về ý thức hệ, khủng hoảng về tính chính danh của chế độ, khủng hoảng về nhân sự lãnh đạo, khủng hoảng về sự bất lực quản lý nền kinh tế, khủng hoảng về lòng tin của công chúng… thì ông Nguyễn Phú Trọng đã làm phát sinh thêm sự khủng khoảng chính trị mới. Lần này là tính chính danh và hợp pháp đối với quyền lực của chính ông, khi sự tấn phong chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 3 không đến từ bản điều lệ mà các đảng viên trong đảng đang tôn trọng, mà lại đến từ sự vi phạm điều lệ.
Điều này gây nên hậu quả nghiêm trọng về sự khủng hoảng điều lệ đảng Cộng Sản đối với các đảng viên cao cấp đầy tham vọng trước cơ hội thay đổi nhân sự cho một nhiệm kỳ mới sắp diễn ra. Noi gương ông Nguyễn Phú Trọng, các ứng viên chức vụ tổng bí thư không ngồi yên, điềm nhiêm chờ đợi một sự phân công, sắp xếp nhân sự theo điều lệ đảng nữa, mà họ đã sớm ra tay triệt hạ các đối thủ tiềm tàng bằng mọi thủ đoạn trước kỳ đại hội.
Công an trở thành kiêu binh
Cũng như thế, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trương giữ truyền thống giao quyền lực hầu như vô giới hạn cho lực lượng công an với mục tiêu làm “lá chắn” bảo vệ sự độc tài chính trị cho đảng Cộng Sản.
Để kìm chế quyền lực của lực lượng công an, ông Nguyễn Phú Trọng giữ thêm chức vụ Thường trực Đảng ủy Trung ương của Bộ Công an. Thế nhưng, sự kìm chế ấy đã trở nên mong manh đến mức vô hiệu khi ông ấy lâm vào tình trạng bất lực về thể chất như báo chí đã và đang loan tin.
Theo đó, lực lượng công an đã trở thành kiêu binh của chế độ. Một mặt gia tăng đàn áp nhân dân, dập tắt mọi tiếng nói đối lập, phản kháng, phản biện… mặt khác, nhân danh an ninh quốc gia, họ tự tung, tự tác (Phủ nhận các quyền tự do, dân chủ từ hiến pháp; Đổi hộ chiếu, căn cước nhiều lần gây lãng phí tài nguyên; Đặt ra các rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế…), chiếm các vị trí quyền lực trong chính quyền, chiếm đoạt trái phép nhiều nguồn tài nguyên của quốc gia cũng như của doanh nghiệp, của nhân dân.
Thực tế, những tác động đầy tính cả quyết và mạnh mẽ gần đây của lực lượng công an, khi họ ra tay hạ bệ hàng loạt lãnh đạo cấp cao nhất, như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Võ Đức Đam, Phạm Bình Minh… cho thấy, lúc này, chính lực lượng công an mới giữ vai trò cai trị. Họ không chỉ cai trị đất nước, mà còn cai trị cả chế độ. Đảng Cộng Sản, Tổng bí thư hoặc Bộ chính trị chỉ đang là con tin của lực lượng công an mà thôi, họ không còn quyền lực như danh xưng nữa.
Vài phân tích trên cho thấy người mở chiếc hộp Pandora của đảng không ai khác là ông Nguyễn Phú Trọng. Thật bi hài khi ông ấy lại là người đứng đầu đảng và có vẻ là người Cộng Sản trung kiên duy nhất còn lại. Nhưng phá tan nát đảng Cộng Sản, không ai có công hơn ông ấy, kể cả cái gọi là “thế lực thù địch” mà ông ấy xem như kẻ thù./.