Huyền thoại đèn đom đóm đã tắt

- Quảng Cáo -

Nguyễn Công Bằng

Thế là những lời đồn đoán râm ran trên mạng xã hội gần một tháng qua đã được chứng thực. Báo chí chính thống 4h chiều nay 26/4 đã loan tin Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận cho ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội được xin nghỉ do có một số sai phạm.[1]

Chuyện ông Huệ tiếp bước ông Võ Văn Thưởng đã được dư luận âm ỉ từ ngay sau khi ông Huệ sang thăm Trung Quốc về. Mặc dù ông Huệ đã thành công với chuyến đi Bắc Kinh để yết kiến chúa thượng – Tập Cận Bình, tuy được chúa thượng chuẩn y nhưng khi trở về, lính của ông Tô Lâm đã đón lõng bắt Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội ngay khi ông này xuống máy bay, sau khi kết thúc chuyến đi cùng với ông Huệ.

Như chúng tôi đã nhận định trong bài trước, khi báo chí trong nước chính thức xác nhận tin ông Phạm Thái Hà đã bị bắt, thì khả năng ông Huệ phải từ chức rất cao, vì đã có tiền lệ từ vụ trợ lý ông Phạm Bình Minh và trợ lý ông Vũ Đức Đam cùng bị bắt, dẫn tới việc hai Phó Thủ tướng đương chức đã phải tự động xin về vườn.

- Quảng Cáo -

Chính trường Việt Nam thực sự rúng động trong cuộc chiến tranh giành quyền lực khốc liệt nhất từ trước tới nay. Chưa đầy một năm mà 2 Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội (Tất cả đều trong Tứ Trụ), đều phải đội nón ra đi. Các phe phái đã tung ra tất cả các đòn hiểm để hạ gục đối phương.

Ông Vương Đình Huệ được sự ủng hộ của nhóm đồng hương Nghệ Tĩnh cùng với việc “đặt cả niềm tin” của ông Nguyễn Phú Trọng vào ông Huệ, coi ông Huệ là người nối nghiệp, nhưng nay thì đã xong rồi.

Việc ông Huệ ra đi là điều không tránh khỏi, nhưng qua sự việc này chúng ta thấy rằng, thể chế của Việt Nam là dột từ nóc. Trong chính thể Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định rằng không có một quan chức nào trong sách cả, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng. Chẳng qua, thế của ông ấy lớn, nên không thể truy xét ra được thôi. Có lẽ phải nhớ lại lời ông Nguyễn Văn An – Một trong những người tiền nhiệm của ông Huệ, chua chát đổ rằng đó là “lỗi thể chế”. Thể chế cũng là do con người đặt ra cả thôi, chính ông Trọng đã học tập Tập Cận Bình, dùng thanh kiếm Đảng và ngọn cờ Chống tham nhũng, nhằm tiêu diệt các phe phái đối lập, trong đó nổi bật là hạ bệ ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng rồi, chính những thuộc cấp của ông ta lại dùng chính đòn này để tiêu diệt các đệ tử thân thiết của ông Trọng bằng chính miếng võ của ông ấy. Cái này gọi là “gậy ông đập lưng ông”.

Với việc tập trung quá nhiều quyền lực cho Đảng và không có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả nên chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là tồn tại trên giấy mà thôi. Thậm chí ông Trọng đã từng phát biểu “Hiến pháp Việt Nam đứng đằng sau Cương lĩnh của Đảng” thì đã biết là chế độ này hỏng rồi. Không phải ngẫu nhiên mà các nước Phương Tây trải qua kinh nghiệm hàng trăm năm đã thấy rằng, cần phải hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước. Mà quyền lực nhà nước chỉ có thể bị hạn chế bằng quyền lực nhà nước thôi, vì thế mới tách ra Tam quyền phân lập, trong đó bao gồm: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Ba nhánh quyền lực này ở trong thế kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Thế nhưng ông Trọng chỉ đề cao duy nhất quyền của Đảng mà ông là người cao nhất. Quyền Lập pháp, Hành pháp hay Tư pháp đều do Đảng của ông nắm hết, và ông là người quyết định tối cao, vượt lên trên tất cả Hiến pháp và Pháp luật.

Ông Trọng cứ nghĩ rằng ông ấy đã cứu Đảng khỏi sự tha hoá, nhưng khi ông ấy đụng vô mới thấy, chính thể Việt Nam như kẻ bị ung thư giai đoạn cuối, đụng đâu cũng thấy ung nhọt. Hai Chủ tịch nước, trước đó là hai Phó thủ tướng, rồi hàng loạt Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh… nối tiếp theo nhau vào tù, có ai là trong sạch đâu.

Sự việc của ông Huệ lần này đã cho thấy ông Trọng dường như không thể kiểm soát bộ máy theo ý ông được nữa. Nhân vật Bộ trưởng Công an đã có quá nhiều quyền lực, và ông Trọng không thể làm gì được, khi ông Trọng muốn hạ bệ ông Tô Lâm thì lại bị chính ông Tô Lâm phản đòn lại.

Có lẽ, chúng ta nhớ lại lịch sử khi ông Gorbachev – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, người đã thấy những bất cập và hạn chế trong bộ máy Liên Xô lúc đó, đã cố gắng thực hiện cuộc cải tổ, nhưng rồi đã góp phần khiến Liên Xô sụp đổ hoàn toàn năm 1991.

Liệu chăng lịch sử sẽ lặp lại với Việt Nam lần này, và vai trò của Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ giống như Gorbachev năm đó, muốn cứu Đảng nhưng lại khiến Đảng chết nhanh hơn? Chúng ta hãy cùng nhau chờ nhé?

[1] https://baochinhphu.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-dong-y-de-dong-chi-vuong-dinh-hue-thoi-giu-chuc-vu-102240426163708308.htm

- Quảng Cáo -