Tất nhiên là khác nhau, một chiếc hầm đường sắt và một đồng bằng châu thổ.
Giống nhau ở chỗ cực kỳ quan trọng, và bị khai thác vô trách nhiệm đến cạn kiệt trước khi người ta nhận ra mối nguy. Nhận ra thì đã muộn.
Cái hầm chui qua đèo Cả, cũng như nhiều hầm khác, cũng như cả con rắn vĩ đại bằng sắt ấy, tới nay đã tuổi thọ trăm năm, đại thọ. Nó tham gia vào việc nối liền Bắc Nam chừng ấy năm, nhưng hầu như nhà cai trị xứ này sau khi cướp được quyền cai trị đã chỉ làm mỗi việc bóc lột nó, xem nó bền như nồi đồng cối đá tồn tại thiên thu chả bao giờ hỏng. Mà chả riêng hầm đèo Cả, những thứ khác, kể cả con người, đều bị coi là đối tượng bóc lột thoải mái vậy.
Người có thể cam chịu, chứ hầm thì không. Nó sụp, nó cho những kẻ bóc lột nó trắng mắt ra. Hơn chục ngày sau khi nó “ngưng việc”, người ta vội cấp cứu nhưng chỉ là loay hoay vá víu một cơ thể đã rệu rã quá lâu, đầy bệnh. Nhà chức việc hứa ngày kia (22.4) xong, thông tuyến lại nhưng chưa lấy gì làm bảo đảm. Mà cả tuyến đường trăm tuổi với quá nhiều hầm bị khai thác vô tư, ai dám chắc sẽ không xì ra ở chỗ này chỗ khác.
Chỉ riêng vụ sụp lở hầm Bãi Gió (hầm qua đèo Cả), tắc tuyến Bắc Nam những ngày qua đã có hàng chục nghìn tấn hàng bị ứ đọng ở các nhà ga, làm tê liệt giao thương, gây ra những khủng hoảng cực kỳ trầm trọng, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Mà mới chỉ một cái hầm sụp, một hầm trong rất nhiều hầm, một lĩnh vực trong rất nhiều lĩnh vực.
Chẳng biết người ta có nhìn ra những mối nguy tiềm ẩn. Giả dụ không phải cái hầm nó tự sụp lở mà do đứa nào tác động vào, hoặc không phải chỉ sụp một hầm mà cùng lúc rất nhiều hầm, không phải chỉ công trình giao thông mà nhiều thứ khác nữa…
Bài học vụ hầm bãi Gió chưa là gì nếu so với cách cư xử đối với đồng bằng sông Cửu Long. (còn tiếp)