Chính trường cộng sản đang đặc tanh mùi máu. Chưa lúc nào bằng lúc này, tình “đồng chí” hay “đồng bọn” giữa các đảng viên cao cấp đang bộc lộ cho bằng hết bản chất… Số đảng viên có đủ tiêu chuẩn ngồi vào ghế tổng bí thư đầy quyền lực trong nhiệm kỳ tới lần lượt dính vào các đòn thù dưới thắt lưng, gồm: Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Võ Văn Thưởng.
Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước. Thưởng là kẻ đầu tiên bị loại khỏi đường đua với lý do nhận hối lộ 60 tỷ đồng của một doanh nghiệp từ hơn 10 năm trước. Đây là đòn thậm đau đối với Thưởng, vì lẽ, số tiền 60 tỷ đối với một ủy viên bộ chính trị chỉ nhỏ như cái móng tay mà thôi. Cứ xem bí thư của một huyện đã ung dung có đến 100 tỷ đồng trong tài khoản, hoặc một giám đốc công an tỉnh có đến hơn 40 sổ đỏ, nhà ở vài cái nguy nga như cung điện, sở hữu khối tiền bạc của chìm, của nổi đồ sộ, thì có thể suy ra ủy viên bộ chính trị sẽ sở hữu bao nhiêu tài sản… Thế nhưng, thật sự thì Thưởng đã “chết” chỉ vì cái móng tay cỏn con ấy.
Kẻ dính đòn kế tiếp là Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội. Chẳng phải tự nhiên mà công chúng được bơm thổi tràn ngập tin tức và cả hình ảnh minh họa về cô ca sỹ H.T. xứ Nghệ xinh đẹp bồng hai con thơ với tên gọi xách mé “Hai con đom đóm con”. Không cần quá uyên bác, công chúng vẫn dễ dàng nhận ra cái tên “đom đóm” nói về ông chủ tịch quốc hội. Người được chính thân mẫu quảng cáo trên báo về sự hiếu học như thần đồng Mạc Đĩnh Chi, người đã chong chiếc đèn đom đóm để học trong đêm khuya, bất chấp tính phi khoa học về những chiếc đèn đom đóm ấy.
Nhưng chỉ cần câu chuyện hủ hóa như thế, bất chấp thật giả, thì chủ tịch họ Vương cũng đã đủ mất sạch uy tín trước công chúng nếu có ý định tham gia cuộc đua tử thần vào chiếc ghế tổng bí thư. Dĩ nhiên qua đó, họ Vương cũng nhận được thông điệp không gì có thể rõ ràng hơn: Ông ấy không được chào đón vào cuộc đua như là một ứng viên.
Phạm Minh Chính, thủ tướng. Vẫn là mô típ cũ về câu chuyện hủ hóa được đồn thổi khá lâu về mối quan hệ tình ái ngoài luồng giữa ông thủ tướng đã lập gia đình với người phụ nữ đầy quyền lực trước đây: Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà Thanh Nhàn đang bị truy nã đỏ về nhiều vụ án tham ô, tham nhũng trong nước. Để nhắc nhở ông thủ tướng về tội hủ hóa và cả khả năng là đồng bọn giúp sức cho bà Thanh Nhàn trong các phi vụ đắt tiền, thỉnh thoảng, đối thủ của ông vẫn nhờ các klos lên tiếng về nghi án ấy để nhắc nhở thân phận ông thủ tướng và nhân tiện, cũng làm mất uy tín thủ tướng. Như họ Vương, ông thủ tướng họ Phạm cũng nhận được thông điệp không gì có thể rõ ràng hơn: Ông ấy không được chào đón vào cuộc đua như là một ứng viên.
Trương Thị Mai, thường trực ban bí thư, ủy viên bộ chính trị. Bà được công chúng đánh giá là có nhiều nét tương đồng với Võ Văn Thưởng, ít nhất về 2 phương diện: Bất tài nhưng sạch sẽ. “Sạch sẽ”, đó là nói về thời điểm trước khi Thưởng bị lộ mặt. Thật vậy, kinh qua nhiều chức vụ, bà hầu như chưa từng để lại dấu ấn gì đặc biệt để khẳng định tài năng cả. Sống lâu lên lão làng, cứ thế bà được đẩy dần lên các ghế lãnh đạo cao cấp. Thế nhưng, ngay sau thời điểm họp tiểu ban nhân sự trung ương để chuẩn bị cho đại hội XIV, bắt đầu có tin đồn râm ran về tư cách đạo đức của bà khi dính đến nghi án bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, người vừa bị bắt giữ, khởi tố hình sự có thể đã cung phụng việc xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng cho bà tại Dalat bằng ngân sách nhà nước.
Dĩ nhiên, hư thực chưa từng được chứng minh. Nhưng như trường hợp ông chủ tịch quốc hội họ Vương, đối thủ của bà chỉ cần những tin đồn thổi để dọn đường dư luận và cũng để nắn gân bà.
Ngay cùng thời điểm có tin đồn ông Võ Văn Thưởng nộp đơn xin từ chức chủ tịch nước, thì cũng kèm theo tin đồn bà Trương Thị Mai cũng xin nghỉ hưu sớm. Không rõ, bà đã sớm ngửi thấy mùi tanh máu của đồng bọn nên đành áp dụng kế “Tẩu vi thượng sách” trong tam thập lục kế để sớm thoái lui khỏi đấu trường đẫm máu, hoặc chỉ là hư chiêu trước khi tung thực chiêu dành suất trên đường đua?
Còn những Phan Đình Trạc. Nhưng có lẽ, Trạc chưa từng sẵn sàng cho bất kỳ trò chơi quyền lực nào cả, ít nhất trong thời điểm này.
Vậy, cuối cùng thì ai sẽ là ứng viên tại vạch xuất phát cuộc đua tử thần? Dĩ nhiên, người trong sạch nhất.
Vậy, ai là người trong sạch nhất? Dĩ nhiên, là người không bị vướng vào các lời đồn thổi về bê bối tình, tiền.
Vậy, ai là người không bị vướng vào các lời đồn thổi về bê bối tình, tiền? Dĩ nhiên, là người tung lời đồn thổi cho các đối thủ.
Đến đây, các bạn biết ai là ứng viên nhỉ?
Kể từ khi quyền lực quốc gia bị thoán đoạt bằng một cuộc “Cướp chính quyền” vào năm 1945, thay thế cho bầu cử tự do, văn minh, thì chính trường xứ này bắt đầu sa vào cái “dớp” truyền kiếp không thể thoát ra được.
Lúc này, thời điểm chuẩn bị cho một cuộc thay đổi quyền lực quốc gia cũng vậy, công chúng, người chủ đất nước đã hoàn toàn bị đẩy ra rìa cuộc chơi. Thay vì là nhân vật chính trong một cuộc bầu cử tự do, văn minh, họ chỉ còn là những khán giả thụ động chứng kiến cuộc chơi tanh tưởi đang diễn ra trên sân khấu. Cho dù kẻ thắng trong cuộc chơi quyền lực có là ai chăng nữa, thì vai trò khán giả của công chúng vẫn không có gì thay đổi, họ vẫn phải cày bừa để cung phụng cho các cuộc chơi mới của kẻ thắng cuộc…
DC, ngày 24/03/2024
Đặng Thánh Thán