Những gì đang xảy ra ở Cuba “hòn đảo lửa đảo say” khiến chúng ta phải có đôi nhời về nó. Nửa thế kỷ trước mà dân chúng kéo nhau đi biểu tình đòi cơm ăn áo mặc thì còn hiểu được, chứ thời buổi này vẫn phải bồng bế nhau đi đòi cơm, quả là đại bi kịch.
Đó là một nước nhỏ vùng Trung Mỹ, còn gọi là khu vực Mỹ Latinh. Nhỏ, bởi cứ tra trên Gu gồ chứ chẳng cần mày mò lâu lắc gì, biết ngay diện tích quốc đảo này gần 110.000 cây số vuông (bằng 1/3 Việt Nam), dân số kể cả dân thường lương thiện và cán bộ đảng viên hơn 11 triệu (hơn 1 phần 10 Việt Nam). Nhỏ nhưng có võ, nhất là võ mồm, chẳng hạn tự xưng “pháo đài cách mạng XHCN ở tây bán cầu”, “tiên phong chống đế quốc”, “tự do hay là chết”, “Vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, “Chủ nghĩa xã hội hay là chết”, v.v..
Cuba làm cách mạng năm 1959, phe nhóm vũ trang của anh em nhà Fidel Castro lật đổ một chính quyền hợp hiến hợp pháp và lập nên nhà nước của họ. Họ xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đi theo đường lối cộng sản mà họ và đàn anh Liên Xô, Trung Quốc gọi là tương lai của nhân loại. Phần tương lai xa chưa xảy ra thì chả ai hình dung được, còn phần tương lai đã trôi thành quá khứ, từ năm 1959 tới nay, thì chứng minh quá rõ, họ đã ném cả một dân tộc, một quốc gia vào đói nghèo, xiềng xích, bị thủ tiêu quyền sống. Không phải chỉ Cuba làm thế, những anh em canh giữ hòa bình thế giới với nó đều ngu si hoang tưởng lú lẫn như vậy. Lại sực nhớ, hôm nay, ngày 20.3 được Liên Hợp Quốc coi là ngày hạnh phúc (thường niên, năm nào cũng vậy, cứ ngày ni đều hạnh phúc, dù không có hạnh phúc, đang chịu bất công, thiếu thốn, đói nghèo). Cuba và những anh em nó đã hớn hở bước trên con đường dẫn tới tăm tối bất hạnh nhưng lại kiên định bảo là đến hạnh phúc. Gần như cả nhân loại đã bước trên đường lớn tới hạnh phúc thực sự, chỉ có đám Cuba và bạn bè chí cốt của nó theo lối hẻm quyết tâm nghèo đói đến cùng.
Tôi nhớ đã hơi bị lâu rồi, có đọc một bài của nhà báo Mạnh Kim (dịch giả sừng sỏ, nhà báo đáng nể), anh viết hồi cuối năm 2016 thì phải, khi trùm cách mạng vô sản thế giới Fidel chết. Anh Kim có lần rủ tôi cộng tác bài vở cho ảnh nhưng tôi tự lượng biết mình tài hèn sức mọn nên chỉ chân thành cảm ơn. Anh Kim căn cứ vào dữ liệu được công khai trên báo chí quốc tế, đã so sánh giữa Cuba và Singapore.
Cả Fidel Castro và Lý Quang Diệu đều lên nắm quyền cùng năm 1959, thời điểm mà Cuba giàu hơn hẳn Singapore. Trong khi Singapore chỉ là một thương cảng nghèo, nông thôn và đô thị xơ xác, thì Cuba đã nổi tiếng với nền công nghiệp du lịch và giàu tài nguyên. Đó là thời điểm Cuba xếp hạng 5 khu vực Mỹ Latinh về thu nhập đầu người, hạng 3 về tuổi thọ, hạng 2 về tỷ lệ người sở hữu xe hơi, và hạng nhất về tỷ lệ người sở hữu tivi. Sau hơn nửa thế kỷ, sự khác biệt giữa Cuba và Singapore chẳng có gì để bàn cãi. Nó cho thấy sự thành công và thất bại giữa hai mô hình kinh tế: kinh tế tập trung và thị trường tự do. Nó cũng cho thấy sự thất bại và thành công giữa hai mô hình chính trị: xã hội chủ nghĩa và tư bản tự do. (còn tiếp)
Nguyễn Thông