The Rise and Fall of the Great Powers redux
Tác giả: Paul Kennedy
Trung Điền lược dịch.
Lời giới thiệu: Vào tháng 1 năm 1988, tác giả Paul Kennedy chính thức xuất bản sách “The Rise and Fall of the Great Powers” (Sự Trỗi Dậy và Sự Sụp Đổ của các Cường Quốc). Vào lúc đó, tác giả đã tiên đoán về sự sụp đổ của Liên Xô và sự trỗi dậy của Trung Quốc. 35 năm sau (1988-2023), tác giả đã viết đoản văn này để đưa ra một số dự đoán về trật tự thế giới sắp đến. Bài viết này đã được đăng trên tạp chí The New Statesman vào tháng 9 năm 2023.
Ba mươi lăm năm trước vào tháng Giêng vừa qua, quyển sách The Rise and Fall of the Great Powers (Sự Trỗi Dậy và Sụp Đổ Của Các Cường Quốc) đã được xuất bản với những hệ quả khiến tôi phải ngạc nhiên. Vào cuối năm 1987, người biên tập viên của tôi, Jason Epstein, cảm nhận rằng cuốn sách này sẽ không có những doanh thu như một tác phẩm lịch sử “bình thường.” Có một lần, anh ấy nói với tôi rằng Norman Podhoretz, một nhân vật bảo thủ hàng đầu ở Mỹ, đã tấn công thẳng vào nghiên cứu của tôi trên tờ Washington Post, đó là lý do chính đáng để yêu cầu Random House in thêm nhiều hơn.
Theo báo cáo cho tờ New Statesman vào thời điểm đó, Christopher Hitchens đã viết rằng tập sách “Rise and Fall” có thể được nhìn thấy “trong mọi xách tay” của những người làm việc ở thủ đô Washington của nước Mỹ và nội các cũng như thủ tướng của các nước Phương Tây tìm đọc hàng đầu. Sau khi đột kích vào nhà của tên trùm khủng bố ở Abbottabad năm 2011, lực lượng đặc biệt Mỹ đã tìm thấy một bản sao của “Rise and Fall” trong số các cuốn sách mà Osama bin Laden đọc.
Sách “Rise and Fall” đã liên tục đứng đầu trong danh sách thuộc thể loại “phi hư cấu” bán chạy nhất của The Washington Post, LA Times và nhiều tờ báo khác, riêng trên New York Times thì chỉ đứng sau tập sách Nghệ Thuật Đàm Phán của Donald Trump. Doanh thu của “Rise and Fall” ở các quốc gia khác cũng rất lớn. Tại Nhật Bản, cuốn sách này được dịch gấp rút trong 28 ngày và doanh số ban đầu đạt khoảng 600.000 bản. Nhìn chung, người ta ước tính tập sách “Rise and Fall” bán ra với hơn 2 triệu quyển.
Tại sao điều này lại xảy ra và có những ảnh hưởng như vậy? Năm 1988 và 1989 là năm mang tính lịch sử. Các trục quyền lực toàn cầu đang dịch chuyển và độc giả đang muốn tìm lời giải cho các biến cố này. Tập sách “Rise and Fall” đã đưa ra nhận định: Sự liên quan giữa địa chính trị và sức mạnh quân sự luôn là sản phẩm của sự thay đổi liên tục của sức mạnh kinh tế. “Sức mạnh tương đối của các quốc gia dẫn đầu trong các vấn đề thế giới không bao giờ giữ nguyên,” tôi viết, “chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các xã hội khác nhau và những đột phá về công nghệ và tổ chức mang lại lợi thế lớn hơn cho xã hội này so với xã hội khác.” Nhưng những gì đã đúng trong quá khứ cũng sẽ đúng trong hiện tại và tương lai: những thay đổi về sức mạnh sản xuất của một số cường quốc so với các cường quốc khác không bao giờ dừng lại, và do đó không quốc gia nào có thể mong đợi giữ được vị trí số một mãi mãi.
“Sức mạnh tương đối của các quốc gia dẫn đầu trong các vấn đề thế giới không bao giờ giữ nguyên, chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các xã hội khác nhau và những đột phá về công nghệ và tổ chức mang lại lợi thế lớn hơn cho xã hội này so với xã hội khác.” – Paul Kennedy
Điều đó gây chấn động vào tháng 1 năm 1988, khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan bị kẹt giữa hai thách thức kép: Một bên là sức mạnh quân sự của Liên Xô và một bên là sự trỗi dậy kinh tế dường như không thể cưỡng lại của Nhật Bản. Đó là thời kỳ mà các khái niệm về “suy thoái” và “chủ nghĩa suy thoái” liên tục được nhắc đến trên báo chí, các cuộc hội thảo, các chương trình trò chuyện và trong hội nghị quốc tế. Các phân khoa của nhiều trường đại học phương Tây và nhiều tạp chí học thuật đã tham gia nghiên cứu cái gọi là “Chiến lược lớn của các cường quốc,” nhưng nghiên cứu đó có xu hướng tập trung vào các quyết định ngoại giao và quân sự của các quốc gia trong Thế chiến Thứ hai, hay những năm đầu của Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, có vẻ như những thay đổi của các cường quốc đang diễn ra theo thời gian thực, và các chuyên gia dường như bị mê hoặc bởi những gì có thể xảy ra nếu nước Mỹ mất đi vị thế thống trị. Đến năm 1989, rõ ràng là Liên Xô quá căng thẳng về mặt quân sự đang suy thoái nhanh chóng. Tập trung sự chú ý vào đó, ít người nhận thấy rằng, vào cuối năm 1991, nền kinh tế Nhật Bản cũng đang suy yếu, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu đi lên về kinh tế và quân sự.
Tuy nhiên, khi tập sách Rise and Fall xuất hiện vào tháng 1 năm 1988, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan được coi là đang vật lộn với cái gọi là sự căng thẳng quá mức của đế quốc, trong khi Liên Xô vẫn tỏ ra an toàn và sức ảnh hưởng kinh tế của Nhật ngày một gia tăng đáng kể.
Bánh xe vận mệnh quay nhanh như thế nào trong những tháng tiếp theo. Nếu cuốn sách này xuất hiện ba năm sau, vào năm 1991, khi liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bại quân của Saddam Hussein trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, và nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu bị chững lại một cách ảm đạm sau 30 năm phát triển và Mikhail Gorbachev đang giải thể Liên Xô, quyển sách Rise and Fall có thể đã bỏ lỡ cơ hội của nó.
Tuy nhiên, có điều gì đó không thể chối cãi trong lập luận cho rằng sức mạnh quân sự và vị trí đế chế tương đối của một cường quốc trên thế giới phụ thuộc vào năng lực sản xuất và kinh tế tương đối của nó ở trong nước, và tốc độ tăng trưởng không đồng đều đã làm thay đổi thứ tự về sức mạnh của từng quốc gia theo thời gian. Trong số tất cả những trích dẫn được sử dụng trong tập sách “Rise and Fall,” có lẽ không có câu nào đáng nhớ hơn câu hỏi của Lenin với một đồng chí của ông ta trong phong trào Bolshevik vào năm 1918 rẳng:
“Nửa thế kỷ trước, Đức là một đất nước khốn khổ, tầm thường xét về sức mạnh tư bản của nó so với sức mạnh của nước Anh lúc bấy giờ. Nhật Bản cũng không đáng kể so với Nga. Liệu rằng ‘trong 10 hay 20 năm nữa sức mạnh tương đối của các cường quốc sẽ không thay đổi? Tuyệt đối không thể tưởng tượng nổi.’”
Người ta không cần phải chia sẻ quan điểm của Lênin về các đế quốc/tư bản mới đồng ý rằng, như tôi đã viết, “quy tắc này dường như phổ biến đối với tất cả các quốc gia.” Nhưng phải chăng điều này không có nghĩa là dù thời gian có trôi đi bao xa thì sự sụp đổ của nước Mỹ cuối cùng cũng sẽ đến? Khi bước vào cuộc tranh luận về “chủ nghĩa suy tàn” vào cuối những năm 1980, nhà khoa học chính trị Samuel Huntington đã từng trích dẫn câu nói của Voltaire: “Nếu Rome và Carthage thất thủ thì nước nào sẽ bất tử?” Hoa Kỳ không thể mãi ở trên đỉnh của trật tự toàn cầu.
Khi Moscow thất thủ và Tokyo trì trệ, quyền lực của Washington lại tăng lên một cách tương đối. Hoa Kỳ, như nhà báo bảo thủ Charles Krauthammer từng nói là đã tận hưởng “khoảnh khắc đơn cực.” Khoảnh khắc đó đã qua rồi. Trung Quốc nay đã trỗi dậy và hiện đang đe dọa quyền bá chủ của Mỹ theo cách mà Liên Xô và Nhật Bản chưa từng làm. Dân số Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Hoa Kỳ: Liên Xô chỉ nhỉnh hơn một chút và Nhật Bản có quy mô chỉ bằng một nửa vào năm 1988. Mặc dù Trung Quốc dành phần lớn sức mạnh kinh tế cho sự phát triển quân đội của mình nhưng quốc gia này lại không như thời kỳ cuối thời Xô Viết, bị các lực lượng vũ trang của mình đè nặng đến mức khiến cho các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. (Đó là một cái bẫy quen thuộc mà các quốc gia hùng mạnh trong lịch sử đã rơi vào, như Rise and Fall trình bày chi tiết.)
Đã lâu lắm từ lúc Liên Xô tan rã, và đã 30 năm trôi qua kể từ khi bối cảnh quốc tế có nhiều sự thay đổi. Chiến tranh Iraq năm 2003 giờ đây dường như là một hành động trả thù tương đối nhanh chóng của Mỹ đối với kẻ gây rối ở địa phương. Và cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan đã mờ dần trong ký ức chung, trở thành một điển hình lịch sử trong sách giáo khoa quân sự ở West Point.
Năm 2009, chỉ 14 năm trước, Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị gửi thêm 30.000 quân Mỹ để gia nhập lực lượng 68.000 quân đang có ở Afghanistan. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã triệt thoái tất cả lực lượng Mỹ còn lại khỏi Afghanistan, theo ông, đánh dấu sự kết thúc của “kỷ nguyên của các hoạt động quân sự lớn nhằm tái thiết các quốc gia khác.” Đó là một tuyên bố quan trọng. Nó ngụ ý rằng lợi ích chiến lược kéo dài 90 năm của Mỹ ở các khu vực xa xôi trên thế giới đã kết thúc.
Năm 1943, Bộ trưởng Chiến tranh của Tổng thống Franklin D. Roosevelt là Henry L. Stimson, đã nhận xét rằng không có nơi nào trên thế giới mà “theo nghĩa đen, không có lợi cho Hoa Kỳ…” Trong tương lai, hoặc có vẻ như vậy, sẽ có nhiều nơi điều đó đơn giản không còn đúng nữa. Tấm chăn an ninh của Mỹ sẽ chặt chẽ hơn, nhỏ hơn, giới hạn ở những nơi nổi tiếng như NATO-Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Israel, Hàn Quốc, có thể là Đài Loan, và không nhiều nơi khác.
Sự ổn định tương đối của thế giới cường quốc của chúng ta kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 đáng được nhắc lại. Chẳng hạn, hãy so sánh bối cảnh các cường quốc gần đây của chúng ta trong 25 năm qua với một phần tư thế kỷ sau năm 1900 – không có điều gì tương đương với sự biến mất của một nhân tố chính như đế chế Habsburg. Cũng chưa có điều gì giống với một phần tư thế kỷ từ năm 1920 đến năm 1945, với sự trỗi dậy và sau đó là sự thất bại hoàn toàn của các cường quốc Phát xít ở Châu Âu.
Kỷ nguyên chính trị toàn cầu của chúng ta đã hòa bình hơn nhiều. Cục Điều hành Hòa bình của Liên Hiệp Quốc hiện đang giám sát 12 sứ mệnh gìn giữ hòa bình, một số trong số đó là lâu đời và nhỏ (giám sát các đường phân giới ở Síp hoặc Kashmir). Ngay cả các lực lượng lớn hơn của Liên Hiệp Quốc (ở Nam Sudan hoặc ở Mali) cũng không lớn đến thế. Không một quốc gia hùng mạnh nào ngày nay – Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ – đang trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh, và hầu hết lực lượng vũ trang của họ đang già đi, ở nhiều trạng thái hư hỏng và thu hẹp khác nhau.
Lầu Năm góc đang chi một khoản tiền khổng lồ cho những “vũ khí thông minh” đắt tiền, hầu hết được đặt ở nhà, thay vì trang bị cho quân đội, hải quân và không quân cảnh báo chiến tranh. Bất chấp những gì truyền thông đưa tin, không phải ai ở Washington cũng cho rằng xung đột Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi.
Điều bất thường là nước Nga của Vladimir Putin. Cuộc chiến chống lại Ukraine trái ngược với những gì một chiến lược thực sự nên có – cụ thể là nỗ lực quốc gia nhằm khắc phục những điểm yếu về cơ cấu và kinh tế lâu dài của đất nước. Quá trình xây dựng lại quyền lực của Nga sau năm 1991 đã bị chậm lại do vô số điểm yếu về xã hội và vật chất, trên hết là tình trạng dân số khủng khiếp, cơ cấu công nghệ kém và sự suy thoái công nghiệp. Mặc dù phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt, nhưng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ cao (vi mạch) và hàng tiêu dùng (ô tô), nước này sẽ tụt hậu hơn nữa so với cả các nền kinh tế châu Á mới hơn cũng như Mỹ. Ngay cả khi nền chính trị của Nga đã được dân chủ hóa và ổn định trong vài thập kỷ qua và nền kinh tế của nước này được khởi động lại, thì nước này vẫn kém hơn nhiều so với một Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia và Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn.
Nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, cuộc chiến Ukraine làm suy yếu nước Nga, khiến Moscow xa cách hơn với phương Tây, khiến Mỹ mất tập trung khỏi Đông Á và cho phép Trung Quốc mua nguồn cung cấp khí đốt và dầu của Nga với giá rẻ mạc.
Có thể, trong một góc tối nào đó của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có một giọng nói cô đơn đủ táo bạo để chỉ ra rằng việc nước Nga sa lầy bao năm trong rừng Ukraine là một lợi ích tương đối cho sức mạnh của Mỹ, chúng ta nên để chuyện đó tiếp tục. Nhưng người ta nghi ngờ điều đó.
Hiện nay, trong trật tự thế giới trong thế kỷ 21, có sáu cường quốc: EU, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ (chỉ chiếm 2,3% GDP thế giới, Vương quốc Anh không còn là một cường quốc nữa). Trong số sáu nước đó, hai nước đầu tiên, khá giống Tây Ban Nha hoặc Thụy Điển sau năm 1815, dường như không có khả năng gây ra một cuộc chiến tranh làm thay đổi hiện trạng lãnh thổ – mặc dù họ có thể bị cuốn vào một cuộc chiến như một hành động phòng thủ. Nước Nga của Putin vẫn có ý định viết lại bản đồ Á-Âu, nhưng nước này chỉ tự gây tổn hại cho mình khi cố gắng làm như vậy. Điều đó còn lại ba cường quốc lớn nhất: Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. Nếu họ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ dự báo của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng tương ứng của họ trong tổng GDP toàn cầu sẽ trông giống như biểu đồ này vào năm 2050, chỉ còn 27 năm nữa.
Chính trong những hình ảnh này, người ta chứng kiến cái gọi là sự xoay trục sang phương Đông và sự suy tàn của phương Tây. Nếu những dự đoán này đúng thì vào giữa thế kỷ này, bốn hoặc năm nền kinh tế quốc gia hàng đầu thế giới sẽ nằm ở Châu Á. Chỉ có Mỹ, với sức mạnh kinh tế của mình, sẽ vẫn ở vị trí dẫn đầu. Nhưng không một quốc gia Châu Âu nào – Đức, Nga, Pháp, Anh hay Ý – có thể tính riêng lẻ được, vì làm sao một quốc gia có thể được xếp hạng trong số các cường quốc nếu quốc gia đó chỉ sở hữu 3 hoặc 4% GDP thế giới? Làm thế nào một chính phủ Châu Âu có thể tuyên bố mình là một bên tham gia thế giới nếu hải quân của họ chỉ đứng thứ năm hoặc thứ sáu trong số các cường quốc?
Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu coi EU như một cường quốc cứng nhắc, giữ nguyên trạng. Kể từ thời Cộng đồng Kinh tế Châu Âu [European Economic Community – EEC] hình thành vào năm 1957 – Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hòa Lan và Tây Đức – liên minh Châu Âu này đã và đang trên đà phát triển, kết nạp ngày càng nhiều thành viên một cách hòa bình và dần dần thay đổi ranh giới của lục địa vì đã đưa thêm nhiều quốc gia vào tổ chức này.
Do sự cảm thông ở Brussels đối với cuộc đấu tranh của Ukraine chống lại Nga sẽ khiến EU đề nghị Kyiv trở thành thành viên EU – nếu không phải ngay lập tức thì cũng theo một cách thận trọng, từng bước một. Điều này thậm chí có thể là một biện pháp ít khiêu khích hơn đối với Moscow so với việc Ukraine có thể trở thành thành viên NATO tiềm năng hay không.
Tuy nhiên, nếu đến năm 2030 có thể tồn tại một Liên Minh Châu Âu trong đó có Ukraine thì đó sẽ là một sự chuyển biến mang tính lịch sử. Một EU lớn hơn sẽ có cái nhìn “Các nước vùng thấp đến Kavkaz,” tương tự như trật tự mà Charles de Gaulle đã vạch ra vào những năm 1960, với người Anh (nhờ Brexit) và người Nga (nhờ Putin) ở bên ngoài. Sự xuất hiện của Châu Âu trên trường thế giới có thể được các nhà hoạch định chính sách ở Washington hoan nghênh, hy vọng rằng một EU lớn hơn, ngay cả khi là một đối thủ cạnh tranh thương mại hùng mạnh, cuối cùng sẽ ổn định được lục địa đầy biến động trong lịch sử – và nhất là cô lập Nga hơn nữa.
Nhưng bất kể quy mô của EU vào những năm 2030 và xa hơn nữa, tất cả các dự báo kinh tế đều cho thấy rằng khối này sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với phần lớn Châu Á và thậm chí cả Châu Phi, do đó tỷ trọng chung của khối này trong GDP thế giới sẽ giảm dần. Nó có thể trở nên giàu có hơn và già dặn hơn, nhưng không bao giờ là mối đe dọa đối với trật tự thế giới.
Không có nhiều khả năng làm đảo lộn hiện trạng lãnh thổ hiện tại là Nhật Bản. Trong chiều dài lịch sử, thực tế này rất đáng chú ý. Tám mươi năm trước, quân đội Nhật Bản chiến thắng đã chinh phục gần như toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương cho đến tận Miến Điện và chiếm đóng một phần lớn Mãn Châu cũng như hầu hết các thành phố cảng của Trung Quốc. Thậm chí vào cuối năm 1944, quân đội Nhật Bản đã lên tới hơn một triệu người.
Ngày nay, tất cả những điều đó dường như khó nhớ. Nhật Bản có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Nga liên quan đến các hòn đảo tranh chấp ở phía Bắc Thái Bình Dương, quan hệ thận trọng với Hàn Quốc, lo lắng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và bám chặt vào hiệp ước quốc phòng song phương với Mỹ. Do đó, Nhật Bản xây dựng lực lượng hải quân mạnh – có nhiều tàu khu trục hơn hải quân Anh, Pháp, Đức và Ý cộng lại – và một lực lượng không quân hiện đại; nhưng chỉ sử dụng cho mục tiêu phòng thủ. Nền kinh tế thịnh vượng, dân số già và tỷ trọng GDP thế giới ngày càng giảm, Nhật Bản thấy không có lợi ích gì khi phát động chiến tranh.
Tất cả những điều này không có nghĩa là trong một phần tư thế kỷ nữa sẽ tồn tại một thế giới ba cực gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tham vọng toàn cầu của Ấn Độ vẫn có thể bị cản trở bởi thu nhập bình quân đầu người thấp, tình trạng nghèo đói ở nông thôn và sự phân cực trong xã hội. Tuy nhiên, một Ấn Độ quyết đoán về mặt quốc gia, điều đã được thể hiện rõ ràng dưới thời Narendra Modi, sẽ là một nước đóng vai trò quan trọng và ngày càng tăng trong các vấn đề thế giới. Khinh thường việc chưa bao giờ được bầu làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nước này sẽ đi theo con đường riêng của mình, đôi khi nghiêng về phương Tây nhưng không lâu.
Cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tôn trọng năng lực quân sự của Mỹ, đôi khi vui vẻ chơi “con bài Nga,” có ít thời gian dành cho Châu Âu và thậm chí còn ít hơn cho Nhật Bản, một Ấn Độ kiêu hãnh và dễ bị tổn thương sẽ ngày càng vui vẻ dựa vào sức mạnh ngày càng tăng của chính mình. Dự trù sẽ có một hạm đội gồm nửa tá tàu sân bay trở lên vào năm 2050 và với các căn cứ hải quân được tăng cường xung quanh bờ biển, Ấn Độ sẽ khó chịu với bất kỳ cường quốc nào khác hiện diện trong vùng “Ấn Độ Dương” của chính họ. Đã từ lâu nhu cầu tổ chức các cuộc tập trận chung của các tàu chiến Australia, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ – tất nhiên trừ khi các hành động hung hăng của Bắc Kinh khiến điều đó dường như vẫn cần thiết. Ấn Độ sẽ tự lo cho mình và sẽ thật ngu ngốc khi các chính phủ khác, chẳng hạn như Mỹ, nghĩ rằng có tồn tại một “mối quan hệ đặc biệt” giữa họ và New Delhi.
Mặc dù Trung Quốc không có mối đe dọa tương đương với Hồng quân khổng lồ một thời đối với Tây Âu, nhưng nước này có thể đã có tổng GDP lớn hơn Mỹ. Đây sẽ là lần đầu tiên sau 150 năm – kể từ đầu những năm 1880, khi Anh vẫn là cường quốc tối cao – Mỹ không tự hào là nền kinh tế quốc gia lớn nhất thế giới. Nếu đúng thì đó sẽ là một thực tế địa chính trị đáng chú ý.
Dễ dàng tìm thấy các chỉ số khác về sản lượng lớn hơn đáng kinh ngạc của Trung Quốc so với các quốc gia khác trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô điện, sản lượng thép và số quốc gia trên toàn thế giới mà nước này là đối tác thương mại chính. Nhưng những dữ liệu đó không tiết lộ nhiều về những điểm yếu liên tục của Trung Quốc như môi trường mong manh, thanh niên thất nghiệp, điều kiện khó khăn ở nông thôn, bong bóng bất động sản và quá phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm. Và lợi thế quân sự của Mỹ (tàu sân bay, tàu ngầm tấn công, căn cứ toàn cầu, triển khai lực lượng, chưa kể tài sản hạt nhân) vẫn còn đáng kể.
Cũng không có bảng so sánh nào về sản lượng ô tô giúp chúng ta hiểu điều gì có thể xảy ra với thế giới của chúng ta và tình hình của các cường quốc nếu những dự báo khủng khiếp về sự nóng lên toàn cầu và hậu quả thiệt hại về môi trường của nó xảy ra trong 30 hoặc 40 năm tới. Trớ trêu thay, những cường quốc trước đây, chẳng hạn như Pháp và Anh, nằm ở vùng ôn đới và có lượng mưa ổn định lại có vị thế tốt hơn nhiều so với những gã khổng lồ đang gặp khó khăn như Trung Quốc và Ấn Độ trong việc xử lý một thế giới ấm hơn 2 đến 4 độ C so với nước này. Hiện tại có thể Trung Quốc là quốc gia gia có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới, là cường quốc (cùng với các nước nghèo hơn nhiều trên khắp Châu Phi) đang trải qua tình trạng thiếu nước và thực phẩm trầm trọng nhất khi hành tinh của chúng ta nóng lên.
Nếu khó xác định được vị thế quyền lực thực sự của Trung Quốc trên thế giới ngày nay, thì việc đưa ra một bản tóm tắt về vị trí của Mỹ cũng khó tương tự, chứ đừng nói đến việc đưa ra một dự báo đáng tin cậy về vị thế của quốc gia đó vào năm 2050. Khi một người tìm kiếm những thông tin chắc chắn các chỉ số về sức mạnh của Mỹ – nguồn lực công nghiệp-khoa học, khu vực đại học chưa từng có, sức mạnh tài chính, tầm với quân sự và hải quân toàn cầu – có vẻ như nước này có thể vượt lên trên tất cả các cường quốc khác trong một thời gian dài sắp tới.
Nhưng liệu Hoa Kỳ, bất kể thế mạnh của mình, có thể dẫn đầu ở mọi nơi trong thời đại mà cả sức mạnh sản xuất tương đối đang dịch chuyển sang phía Đông và có sự chuyển giao quyền lực quốc tế chung? Nếu không thể, thì nó nên rút lui khỏi khu vực nào trên thế giới? Làm thế nào nó nên quản lý sự suy giảm tương đối của nó? Đó là câu hỏi được đặt ra trong chương cuối của tập sách “Rise and Fall,” và thực tế là trong ba thập kỷ qua, trật tự thế giới tương đối ổn định nên không làm cho vấn đề này trở nên trầm trọng. Nếu một trật tự mới hơn nghiêng về phía bất lợi cho Mỹ, liệu Mỹ có thể đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi rút lui không? Các cường quốc số một từng trải rộng trên toàn cầu trong quá khứ – đế quốc Tây Ban Nha, nước Anh thời Edward – nhận thấy gần như không thể ưu tiên tài sản và nghĩa vụ của mình.
Với việc EU và Nhật Bản đang trong tình trạng nghỉ hưu nhẹ nhàng, và với ba nước lớn là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ muốn chọn sự ổn định – bất chấp mối đe dọa từ Đài Loan – một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong trật tự dường như khó có thể xảy ra. Nhưng các dự báo kinh tế cũng cho thấy một trật tự thế giới vào năm 2050 sẽ rất khác so với thời của Reagan và Bush.
Liệu sự giả định êm ái về nền hòa bình lâu dài giữa các cường quốc có thể sai? Chẳng phải vào tháng 5 năm 1914, Arthur Nicolson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã khẳng định rằng Châu Âu chưa bao giờ tỏ ra hòa bình đến thế? Vì vậy, ai có thể nói liệu thế giới ngày nay có sắp trải qua một cuộc khủng hoảng như tháng Bảy hay khủng hoảng Mãn Châu nào đó vào ngày sau hay không sẽ báo trước một kỷ nguyên khác?
“Làm sao bạn có thể biết vào thời điểm đó,” nhà sử học quá cố Zara Steiner của Cambridge thường hỏi khi bà vật lộn để hoàn thành The Lights That Failed (2005) và The Triumph of the Dark (2011), cuốn lịch sử hai tập về ngoại giao giữa các cuộc chiến của bà , “khi bạn đã vượt qua ranh giới giữa hai thời đại?” “Làm sao một nhà ngoại giao biết được khi nào bạn đã bước vào thời kỳ trước Thế chiến Thứ hai và không còn ở thời kỳ hậu Thế chiến Thứ nhất nữa?” “Có ai ở thời điểm đó cảm nhận được mọi thứ bây giờ đã khác không?” Bà vẫn kiên trì: “Có phải mọi người nghĩ rằng mọi thứ có thể thực sự khác sau tin tức về cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản vào năm 1931? Hay với sự thất bại của các cuộc đàm phán giải trừ quân bị trên đất liền vào năm 1932? Hay với tin tức về một kẻ mạnh mẽ đã được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức vào tháng 1 năm 1933?” Cuối cùng, bà hỏi: “Nếu hồi đó họ không biết rằng một thời đại mới đã đến, thì làm sao đến lượt chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang ở một thời điểm khác về cơ bản hay không và khi nào?” “Rất có thể,” bà trả lời, “chúng ta sẽ không nhận ra nó chút nào.”
Vậy thì người ta chỉ có thể kết luận một cách ngẫu nhiên. Đúng vậy, những thay đổi kinh tế từng ảnh hưởng đến trật tự cường quốc của chúng ta trong quá khứ vẫn đang diễn ra. Nhưng hiện nay những thay đổi như vậy dường như chỉ diễn ra ở mức độ ngầm của những thay đổi GDP tương đối, và không ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự các quốc gia ở cấp cao nhất. Do đó, sẽ là điên rồ nếu cho rằng mô hình thăng trầm của các cường quốc bằng cách nào đó đã kết thúc sau những thế kỷ thay đổi đó.
Như tôi đã nói trong tập sách “Rise and Fall”: “Những người cho rằng nhân loại sẽ không ngu ngốc đến mức tham gia vào một cuộc chiến giữa các cường quốc tốn kém và tàn khốc khác có lẽ cần phải nhắc lại rằng niềm tin đó cũng đã được phổ biến rộng rãi trong phần lớn thế kỷ 19.” Và cũng sẽ là một điều điên rồ nếu tuyên bố rằng biết sự thay đổi lớn tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu và điềm báo đầu tiên về một cuộc chiến tranh bá quyền trong tương lai có thể là gì. Nhưng nó sẽ đến.
Nguồn: The New Statesman