Bà Nguyễn Thị Ánh, một nữ trí thức ở Hà Nội sau khi xem phim “Đào, phở và piano” nêu ý kiến với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Người ta không nói rõ. Khi xem phim thì người xem phải hiểu rằng đây là một câu chuyện dựng lên thôi, nó không phải là một bộ phim kiểu mô tả lại lịch sử. Nó chỉ là một câu chuyện tiểu thuyết, không phải là một bài dựng lại lịch sử”.
Bà Ánh có gia đình nội ngoại đều ở Hà Nội trong thời điểm mà bộ phim nói đến, cho rằng những gì diễn ra trong phim không đúng thực tế.
Theo bà, lẽ ra những người làm phim phải nói rõ nội dung chỉ là “hư cấu” để tránh sự ngộ nhận cho thế hệ trẻ, những người sinh ra nhiều thập niên sau thời điểm mà bộ phim nhắc đến.
Bà dẫn chứng về sự hiểu lầm có thể gây ra bởi bộ phim này:
“Cái mình sợ nhất ở phim này là cách dựng phim nó làm cho người ta tưởng nhầm Pháp định giết hết mọi người, và người nào ở lại cũng đều chết cả. Nhưng gia đình mình cả hai họ đều sống thời gian đó. Nó vẫn có sự lựa chọn cho người ở lại và người ra đi mà!”
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ bằng việc quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu tấn công các đơn vị Pháp ở Hà Nội vào đêm 19/12/1946. Khi đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã di dời lên chiến khu Việt Bắc, chỉ còn lại một số đơn vị quân sự và đa số là du kích ở lại cầm chân quân viễn chinh Pháp. Nhiều người dân thủ đô sau đó cũng tản cư về vùng nông thôn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình ở lại trong thành.
Bà cảnh báo người xem phải thận trọng với các chi tiết đưa ra bởi “Đào, phở và piano.”
“Cho nên mình khuyến cáo mọi người hãy coi đây là một câu chuyện có thể có một chút sự thật nhưng mà nó chắc chắn không phải là lịch sử. Cái đấy đáng ra các nhà làm phim làm rõ, giống như các bộ phim lúc đầu người ta nói luôn là cái này không liên quan đến công ty, con người hay gì gì đó. Với một bộ phim tuyên truyền người ta có thể không có nhu cầu làm chuyện đó (cảnh báo- PV) do vậy người xem phim phải có ý thức nhất.”
Bà cũng nhặt ra những hạt sạn của bộ phim này, như cảnh quay chiến trận không thật, lời thoại lại “kịch hóa,” và nhiều nhân vật được sao chép lại từ nhân vật trong tác phẩm văn học khác, hoặc nhiều chi tiết vô lý của bộ phim.
Tuy nhiên, theo bà, bộ phim cũng có thành công nhất định, như nói lên nét đặc trưng hào hoa lãng mạn của Hà Nội những năm đó:
“Trên chiến hào, cô gái chơi nhạc cũng vẫn là chơi nhạc Pháp, người ta vẫn hát với bài hát Pháp. Điều mà người Hà Nội thích hay là ít nhất là người ta chỉ có cảm giác rằng nó đúng là tính hào hoa lãng mạn và có một chút Tây phương hoá vào khoảng những năm 1945-1950.”
Bà cho biết cảm xúc mà phim này mang lại lớn khiến bà “chưa từng xem phim gì mà mình khóc quá trời khóc như vậy” cho dù bộ phim “bịa từ đầu đến cuối.” Theo bà, đạo diễn đã rất thành công trong việc tạo nên một khung cảnh bi tráng, hào hoa và lãng mạn, một bài thơ đậm chất Hà Nội đi vào lòng người.