Nguyễn Nhơn
Cụ Tổng Trọng nhất định đã đi vào lịch sử Việt Nam với thành tích cho vào lò số lượng quan chức đông nhất từ trước đến nay.
Nếu gọi cán bộ tham nhũng là sâu mọt thì hầu như tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, quân sự, dân sự… cụ cứ sờ đến đâu thì sâu mọt túa ra lúc nhúc cả bầy đến đấy. Đốt đến nỗi ban đầu nghe tin quan tham bị đút lò, dân tình còn háo hức, ngạc nhiên, bàn luận. Riết rồi lò cháy cứ như lò năng lượng hạt nhân, không ngừng không nghỉ. Dân quen quá rồi, chẳng còn tò mò nữa. Thì, to hay bé, gộc hay dác, đã là củi thì khác gì nhau?
Hồi xưa dân gian ví sự trù phú của miền sông nước Nam Bộ bằng câu “Rẽ cá ra mới thấy (mặt) nước”. Giờ, sâu mọt cũng dồi dào đến mức rẽ sâu ra mới thấy (đất) nước.
Nhưng, sâu mọt ở đâu ra mà lắm thế? Chúng ăn gì mà to thế? Củi ở đâu ra đốt mãi không hết? Cứ như cả một cánh đồng chỉ toàn lúa lép. Như cả một khu rừng chỉ còn toàn củi. Lá xanh hóa ra chỉ là màu vẽ, kỳ thực đã mục ruỗng từ rễ tới ngọn.
Kỷ luật hết thì lấy đâu ra cán bộ?
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu câu này trong một bối cảnh khác, với ý khi xem xét cán bộ thì nên cân nhắc cân phân giữa công và tội, vì bất cứ ai làm 100 việc cũng có thể sai sót vài việc. Nhưng khi truyền ra thì hầu hết người dân hiểu là cán bộ nào cũng có vết, nên nếu kỷ luật nghiêm túc thật sự thì chẳng còn sót một ai.
Hiểu như thế, không sai!
Nếu có cán bộ nào tuyệt đối không nhận tiền cảm ơn biếu xén từ người dân, hẳn đó không phải người trên quả đất.
Tháng 5/2023, trong dự thảo Bộ quy tắc đạo đức công vụ, Bộ Nội vụ đề xuất trong giờ làm việc, cán bộ, công chức không được quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng dưới mọi hình thức. Nói thẳng ra là cấm bán hàng online trong giờ làm việc.
Làm nhà nước nói chung quá nhàn nhã so với làm ở các công ty tư nhân hoặc làm tự do, không sợ bị cạnh tranh mất việc, có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, lại biết được nhiều thông tin, có mối quan hệ xã hội rộng rãi. Người lanh lợi có thể làm giàu hoặc sống khá giả nhờ những lợi thế đặc biệt ấy. Còn nếu cứ tằng tằng làm tròn công việc, không bị khuyết điểm gì lớn thì sau vài chục năm về hưu cũng đủ sống tằn tiện.
Cho nên, mặc dù lương không đủ sống nhưng khi chưa tìm được công việc khác tương tự mà có lương cao hơn hoặc chưa bị dồn đến bế tắc thì công chức không hề muốn nghỉ việc. Bù vào đó, họ làm mọi cách để kiếm thêm tiền. Sẵn thời gian rảnh, máy tính và internet miễn phí tại công sở, bán hàng online là chọn lựa tốt nhất của nhiều người. Họ có thể kiếm thêm tiền ngay trong khi vẫn ngồi tại công sở.
Đến mức Bộ Nội vụ phải đề xuất cấm thì biết mức độ phổ biến của nó rồi đó.
Không ít người khác thì tìm cách bù đắp đồng lương chết đói của mình bằng vòi vĩnh và nhũng nhiễu người dân để được lo lót, hối lộ.
Vòi vĩnh nhũng nhiễu và bục mặt làm thêm để kiếm tiền bù đắp cuộc sống đều là hai mặt của đời sống công chức hiện nay. Gốc rễ của nó là mâu thuẫn cực độ giữa đồng lương chính thức và quyền hạn/quyền lực được giao.
Bây giờ bất kỳ người nào biết sử dụng internet cũng dễ dàng tìm thấy mức lương chính thức theo quy định của tất cả các vị trí, chức danh trong bộ máy nhà nước. Theo đó, lương công chức mới tốt nghiệp đại học vào khoảng 4,2 triệu đồng/tháng. Chuyên gia cao cấp là công chức được tính lương cao nhất, 18 triệu đồng/tháng. Mức lương này bằng với lương bộ trưởng.
Viên chức lương cao nhất khoảng gần 15 triệu đồng/tháng. Đó là mức lương mới được nâng từ tháng 7 năm ngoái, chứ trước đó còn thấp hơn nữa.
Đến tháng 7 năm nay tiếp tục cải cách tiền lương. Mới tốt nghiệp đại học khoảng 4,8 triệu đồng, chuyên gia cao cấp 21 triệu đồng. Ngoài ra còn có thêm các loại phụ cấp và tiền thưởng.
Nhưng lương chưa tăng thì giá cả đã tăng.
Với đời sống ở đô thị, con số vài chục triệu đồng/tháng mới chỉ đủ duy trì cuộc sống tạm gọi không bị thúc bách về tiền bạc. Muốn mua nhà cửa, nuôi con đi học, mua chiếc xe hơi tàm tạm để đi lại an toàn và đỡ nắng mưa thì còn xa, xa lắm. Về cơ bản, thu nhập đó không thể giúp một chuyên gia cao cấp buông tay với các lo lắng vật chất thường ngày để toàn tâm toàn ý nghiên cứu và sáng tạo. Giáo sư tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải cày thêm bạc mặt với các tour giảng dạy, làm dự án (thuê và tự giành được) mới có thể sống tương đối ung dung.
Thậm chí một việc rất trái liêm chính khoa học, thậm chí trái pháp luật là viết luận văn thuê để kiếm tiền cũng rất phổ biến trong giới trí thức, học thuật.
Mới giữa năm ngoái rộ lên vụ việc một Phó giáo sư-tiến sĩ ngành toán thừa nhận trên báo chí rằng ông bán các bài báo công bố nghiên cứu khoa học để có thêm thu nhập. Ông nói đại để do công việc của ông tại trường đại học nhiệm sở đều hoàn thành tốt, ông còn nghiên cứu thêm rất nhiều, thừa đến hàng nghìn giờ nghiên cứu, công trình được đánh giá cao, (nhưng không được tính tiền) nên ông nghĩ việc bán chất xám của mình để kiếm tiền là không sai.
Những người có trình độ chuyên môn đặc biệt, thuộc loại hiếm hoi còn phải chật vật sống, thì số đông công chức viên chức Nhà nước chỉ có khả năng trung bình sống ra sao? Nghĩ bằng ngón chân cũng biết họ sẽ thiên về hướng nào để kiếm tiền.
Lò ấp sâu
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trong năm 2023 các cấp quản lý đã thi hành kỷ luật 183 tổ chức Đảng và 6.302 đảng viên, trong đó ở cấp trung ương thi hành kỷ luật 29 tổ chức Đảng và 65 đảng viên, đều là các cán bộ lãnh đạo cao cấp, từ Phó thủ tướng cho đến bộ trưởng, thứ trưởng, các tổng giám đốc, nhiều vị tướng…
Cho dù thế, đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
65 đảng viên là lãnh đạo cao cấp cùng với 6.302 đảng viên thấp cấp hơn không trở nên tha hóa chỉ trong một ngày. Suốt nhiều chục năm làm việc và phấn đấu đến khi lên được chức vụ cao, họ cũng không thể chỉ sống bằng nguồn tiền chính đáng.
Ban đầu chỉ là tiền cảm ơn khi làm được việc cho người dân/doanh nghiệp (mà không phải làm sai hay cố tình hoạnh họe).
Không sai.
Nhưng kiếm được tiền dễ quá thì lòng tham bành trướng. Đến một mức độ như chị cựu Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao hay anh cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, cần tiền thì sai thư ký lấy tạm đâu đó vài triệu đô. Hay là mặt dày đại bác bắn không thủng, công khai hoạnh họe doanh nghiệp để được đút.
Cứ thế, một mạng lưới cùng “làm ăn”, một nhóm lợi ích hình thành và phát triển. Càng lên vị trí cao, càng thêm tuổi càng có nhiều khoản phải chi tiêu và lo lót, sự tự tin Trạng chết Chúa cũng băng hà, lòng tham ngày càng há ngoác mõm… Hậu quả, nguồn nguyên liệu tiếp tế cho chiếc lò cụ Tổng không bao giờ cạn.
Chính phủ, Đảng, Ban Kiểm tra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng-người được đặt biệt danh nhái theo Mao Trạch Đông là “Người đốt lò vĩ đại”, có biết điều này không? Tức là, có biết cái lò đẻ ra sâu, ấp sâu, vỗ béo sâu, lai giống sâu, nhân giống sâu vô tính… trên đất nước Việt Nam hay không?
Xét về độ nóng và độ bền vững, chiếc lò bác Trọng còn lâu mới sánh được với lò này.
Dĩ nhiên họ biết, biết sâu sắc, tường tận.
Thế tại sao chiến dịch bắt sâu vẫn chỉ truy quét đàn sâu già đã ăn no căng đến nỗi nằm phơi phễnh bụng, còn đám trứng sâu vẫn đang đẻ ra liên tục ngày đêm chờ ngày nối gót đàn anh thì kêu gọi chúng sống đạo đức thanh liêm? Sao không đốt trụi cái lò ấp sâu đi?
Chắc có lẽ huyền vi nào đó. Người phàm như chúng ta không thể biết được!
__________
Tham khảo: