Theo giới thạo tin tiết lộ, trước sự lộng hành của ông Tô Lâm, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thổ lộ với những nhân vật thân cận, rất muốn đưa ông Phan Đình Trạc ngồi thay ghế ông Tô Lâm.
Mới nhất, ngày 23 Tháng Giêng, giới thạo tin cho biết, sức khỏe của ông Trọng lại có vấn đề thiếu tích cực.
Có ý kiến cho rằng, việc ông Trọng bất ngờ xuất hiện ngày 15 Tháng Giêng với mục đích dập tắt tin đồn về sức khỏe chỉ đúng một phần. Tuy nhiên, việc này có liên quan đến những đồn đoán rằng ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, có những biểu hiện bất thường đáng nghi vấn.
Trong thời gian ông Trọng vắng mặt, ngày 10 Tháng Giêng, đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin với tiêu đề, “Bộ Trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của đảng Cộng Sản, chế độ XHCN.” RFA dẫn bản tin từ báo Công An Nhân Dân của Bộ Công An cùng ngày cho biết khi gặp ông Trần Tư Nguyên, thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, ở Hà Nội ngày 10 Tháng Giêng, ông Tô Lâm đề nghị lãnh đạo công an Trung Quốc giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng như các cơ chế đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, tại phiên bế mạc Hội Nghị Trung Ương 8, Khóa 13, hồi Tháng Mười, 2023, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng xác nhận với Ban Chấp Hành Trung Ương rằng, ông sẽ “rửa tay gác kiếm” để trao lại trọng trách cho người kế vị sau khi kết thúc đại hội 13.
Và ngay sau đó, cuộc chạy đua vào danh sách nhân sự “chủ chốt” nói chung và chiếc ghế tổng bí thư cho đại hội 14, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026, đã chính thức khởi động.
Theo quy định 214, tổng bí thư phải là người phải tham gia trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính Trị, trừ trường hợp đặc biệt do trung ương quyết định. Trong Bộ Chính Trị Khóa 13, đa phần các ủy viên trên dưới 65. Cụ thể, ông Phạm Minh Chính 66 tuổi, ông Vương Đình Huệ 67 tuổi, bà Trương Thị Mai 66 tuổi, ông Phan Văn Giang 64 tuổi, ông Tô Lâm 67 tuổi, ông Phan Đình Trạc 66 tuổi, ông Trần Cẩm Tú 63 tuổi, ông Nguyễn Văn Nên 67 tuổi, ông Đinh Tiến Dũng 63 tuổi, ông Trần Thanh Mẫn 62 tuổi, ông Nguyễn Xuân Thắng 67 tuổi, ông Lương Cường 67 tuổi, và ông Trần Tuấn Anh 60 tuổi. Chỉ có ông Võ Văn Thưởng là người trẻ nhất, mới 54 tuổi.
Điều đó cho thấy, với giới hạn tuổi không được quá 65 theo đúng quy định, trừ trường hợp ngoại lệ, những người có thể còn ngồi lại Bộ Chính Trị nhiệm kỳ tới có lẽ chỉ có ba ông Võ Văn Thưởng, Trần Cẩm Tú, và Trần Thanh Mẫn 62 tuổi. Còn ông Trần Tuấn Anh đang chờ bị kỷ luật.
Một điểm quan trọng cần phải xét đến, đó là hầu hết các lãnh đạo cấp cao hiện nay là người miền Bắc và miền Trung có vấn đề về đạo đức, trong sạch hầu như đều dính đến tham nhũng. Theo nhà báo Nguyên Huy Vũ, đó là “vấn đề là phe ở phía Nam với các cựu lãnh đạo đảng như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, và Nguyễn Minh Triết vẫn còn đó và vẫn còn uy tín trong đảng. Phe miền Nam chắc chắn sẽ vận động và can thiệp để viết lại luật chơi trong đảng.”
Nghĩa là cơ cấu “tứ trụ” tới đây phải quay trở lại quy tắc truyền thống, phân chia theo vùng miền như trước đây. Với điều kiện như hiện nay, người ta có thể giữ lại một trường hợp ngoại lệ để làm tổng bí thư như các khóa gần đây, nhưng người đó sẽ là ai?
Theo giới phân tích, cuộc đua vào chiếc ghế tổng bí thư hiện nay là bộ “tam mã,” Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, và Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng. Nhưng cũng xin đừng quên một con ngựa ô bất kham là ông Tô Lâm.
Trong số ba người “tam trụ,” ông Thưởng được cho là có hội đủ nhiều yếu tố. Nhưng ông lại ít tuổi, kinh nghiệm cũng như uy tín chưa “chín.” Ông Chính hay ông Huệ, về năng lực, chuyên môn và khả năng có thể tạm chấp nhận, nhưng bị dư luận cho rằng uy tín chưa thực sự cao và có điểm yếu trầm trọng, đó là vấn đề đạo đức, thường có quan hệ tình ái “ngoài luồng.”
Theo giới phân tích có đánh giá chung cho rằng, ông Tô Lâm là nhân vật có tham vọng trở thành người đứng đầu đảng CSVN từ rất lâu. Đồng thời, ông Tô Lâm là nhân vật duy nhất có quyền uy tuyệt đối trong đảng, nếu so với các lãnh đạo chủ chốt của đảng hiện nay
Sau vụ bê bối “thịt bò dát vàng” Tháng Mười Một, 2022, đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng ông Tô Lâm đang âm thầm thực hiện một “cuộc đảo chính không tiếng súng,” với mục tiêu loại bỏ và tiến tới tước ngôi vị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng? Các đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu xuất hiện vào cuối năm 2022 là những minh chứng không thể chối bỏ.
Cũng như việc ông Trọng, khi còn là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, đặt bút ký tặng Huân Chương Lao Động Hạng III cho Việt Á là điều người đứng đầu đảng phải có trách nhiệm giải trình.
Được biết, đầu năm 2023, khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị buộc phải từ chức chủ tịch nước, do liên quan tới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi ông giữ chức thủ tướng, ông Tô Lâm từ chối đề nghị đứng đầu nhà nước, với lý do đó là chiếc ghế “có tiếng, nhưng không có quyền lực.”
Trên trang Fanpage của đảng Việt Tân, tác giả Hạnh Nhân cho biết, “…người đứng đầu đảng Cộng Sản cần một cái máy chém nên mới chấp nhận cho ông Tô Lâm nhiều quyền tới vậy, cho đến hiện tại người đốt lò cũng chỉ hy vọng tìm người kế tiếp cản lại được cơn bành trướng này.”
Theo giới thạo tin đưa ra các đánh giá rất đáng chú ý, trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Công An có những động thái hết sức bất thường trong việc bắt giữ liên tiếp và mở rộng điều tra đối với các quan chức cấp cao, hầu hết là những nhân vật thân cận của ông Trọng. Ngay cả việc không truy tố tội danh nhận hối lộ $200.000 của ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch Hà Nội, một nhân vật thân cận của ông Trọng, thực ra cũng là “đổ dầu vào lửa,” kích thích sự căm phẫn của công luận.
Được biết thời gian gần đây, theo giới thạo tin tiết lộ, trước sự lộng hành của ông Tô Lâm, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thổ lộ với những nhân vật thân cận, rất muốn đưa ông Phan Đình Trạc ngồi thay ghế ông Tô Lâm. Do đó, những vấn đề biến động nhân sự của Bộ Công An trong thời gian vừa qua là những động thái được cho là “lót ổ” chờ thời của ông Phan Đình Trạc và ban lãnh đạo phe Nghệ An.
Theo giới thạo tin, việc ông Trọng “bất ngờ” xuất hiện tại phiên họp Quốc Hội vừa qua là theo đề nghị của ông Vương Đình Huệ. Theo đó, ông Huệ muốn mời ông Trọng đến để “dằn mặt” ông Tô Lâm đừng đi quá trớn./.
Thanh Hà/Người Việt