Vụ án mà Việt Nam gọi là “khủng bố” ở Đắk Lắk khép lại với mức án cao nhất là tù chung thân cho các bị cáo, trong đó có một công dân Hoa Kỳ, mà không có án tử hình như Viện Kiểm sát đề nghị trước đó. Các chuyên gia pháp lý chia sẻ góc nhìn của họ về phiên tòa xét xử 100 bị can vừa tuyên án hôm 20/1.
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án “khủng bố”, xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đã tuyên án đối với 100 bị cáo về các tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Khủng bố”, “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và “Che giấu tội phạm”. Kết quả có 10 bị cáo bị tuyên tù chung thân, 5 bị cáo cùng nhận án 20 năm tù và 85 bị cáo còn lại bị phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù giam.
Bản án ‘tích cực’
“Tôi nghĩ đây là một bản án rất tích cực, theo xu hướng giảm bớt án tử hình ở Việt Nam”, luật sư Ngô Ngọc Trai nêu nhận định hôm 22/1 với VOA. “Từ lâu nay, tôi quan tâm tới vấn đề án tử hình và thúc đẩy cho việc tiết giảm và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Trước phán quyết của tòa án ở Đắk Lắk như thế tôi rất hoan nghênh, trân trọng quan điểm và việc làm của các cơ quan tố tụng trong vụ án này”.
Trang An ninh TV của Bộ Công an đưa ra đánh giá trong bài viết hôm 21/1: “Phiên tòa xét xử vụ khủng bố ở Đắk Lắk: Bản án nhân văn, đúng người, đúng tội”.
“Sau 5 ngày đưa vụ án ra xét xử công khai, chiều qua, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Theo dõi phiên tòa, dư luận nhân dân đồng tình với mức án của HĐXX tuyên phạt đối với từng bị cáo theo đúng quy định pháp luật”, trang này viết.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt tử hình đối với 2 bị cáo trong số 100 bị cáo này, nhưng đến khi tuyên án đã không còn án tử hình.
Ở một góc nhìn khác, luật sư Đặng Đình Mạnh ở Mỹ, người từng bào chữa trong các vụ án vi phạm an ninh quốc gia tại Việt Nam, nêu nhận định với VOA rằng đây là một phiên tòa với mức án “đã định sẵn”.
“Đối với vụ án xét xử đến 100 nghi can mà chỉ diễn ra trong phạm vi 5 ngày là hoàn toàn bất khả thi. Vì những thủ tục như xác định căn cước của họ, đọc cáo trạng, xét hỏi làm rõ tội trạng của từng người, luận tội, bào chữa, tranh luận, nói lời sau cùng, tuyên án… đều rất mất thời gian”, luật sư Đặng Đình Mạnh viết cho VOA hôm 22/1. “Thế nhưng, thực tế nó đã diễn ra chỉ với ngần ấy thời gian, thì tôi đoan chắc rằng không có việc xét xử gì cả. Mà phiên tòa chỉ là cách để chính quyền hợp thức hóa bản án đã được ấn định sẵn mà thôi”.
“Nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng của họ như bị cướp đất, bị phân biệt đối xử… đã bị lờ đi một cách có chủ ý”, luật sư Mạnh nhận xét.
Ngoài ra, luật sư Mạnh cũng lưu ý rằng việc xét xử lưu động đối với phiên tòa này dường như là một “dấu hiện của sự phân biệt đối xử sắc tộc”, khi mà hình thức xử lưu động đã bị ngành tòa án cho dừng từ năm 2018 vì không có cơ sở pháp lý, vi phạm tố tụng, vi phạm nhân quyền và nhiều mặt hạn chế khác…
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài, chia sẻ nhận định cá nhân của ông với VOA hôm 22/1:
“Cuối cùng thì họ không có tuyên người nào bị án tử hình cũng gây ngạc nhiên cho những người theo dõi về sự việc ở Tây Nguyên. Theo tôi, phía chính quyền cũng thừa nhận những sai lầm của họ, như một thứ trưởng Bộ Công an phát biểu trước Quốc hội rằng để xảy ra sự việc này cũng do một phần của chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc quản lý đất đai, tôn trọng những quyền của người dân….
“Chỉ khi nào người ta bị áp bức thì người ta mới đấu tranh thôi. Ngay trong nguyên lý của chế độ cộng sản cũng luôn truyên truyền câu nói của Karl Marx rằng ‘Ở đâu có áp bức thì ở đó đấu tranh’”.
Hồi tháng 9/2023, tại một tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp ở Quốc hội, ông Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng vụ việc khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk là một “việc đáng tiếc”. Ông Tỏ nói rằng nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk “vẫn là những vấn đề kinh tế-xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở”.
Vụ án “khủng bố” ở Đắk Lắk khiến 9 người chết, phần lớn là cán bộ và công an xã, làm bị thương 3 viên công an, gây thiệt hại hàng tỷ đồng về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và công dân, truyền thông Việt Nam cho biết.
Tuyên án vắng mặt
Một nhóm ủng hộ cho người Thượng Tây Nguyên ở Mỹ mà Viện Kiểm sát gọi là “khủng bố” bị cáo buộc “kích động” người dân ở Việt Nam thực hiện các hành động khủng bố nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi, các công tố viên cho biết tại phiên tòa lưu động.
VnExpress dẫn kết quả điều tra cho hay nhóm bị cáo đang bị truy nã hiện đang sống ở Mỹ là những người đã ‘dụ dỗ, kích động, lôi kéo, chỉ đạo’ những bị cáo trong nước thành lập nhóm vũ trang lấy tên là ‘Lính Đề Ga’ và thực hiện cuộc tấn công ngày 11/6 nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập ‘Nhà nước Đề Ga’.
Viện Kiểm sát tỉnh Đăk Lăk cáo buộc rằng ông Y Mut Mlo, lãnh đạo Nhóm Hỗ trợ Người Thượng (MSGI) có trụ sở tại Mỹ, đã thuyết phục bà H Wuen Eban tham gia các hoạt động vũ trang, giết người và phá hoại tài sản thông qua việc cử công dân Mỹ Y Sol Nie, 48 tuổi, về Việt Nam cùng chủ mưu vụ tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân tại hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu trên địa bàn huyện ngày 11/6.
Ông Y Sol Nie, bị cáo duy nhất là công dân Mỹ có mặt tại phiên tòa, bị tù chung thân; ông Y Mut Mlo, công dân Mỹ vắng mặt tại phiên tòa, bị tuyên án 11 năm tù.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận về việc công dân Mỹ bị tuyên án trong vụ án này.
Ngoài ra, còn một số bị cáo vắng mặt khác cũng bị tuyên án từ 7 năm đến 20 năm tù cũng với cáo buộc “khủng bố”, trong số này có nhà hoạt động Y Quynh Bdap, đồng sáng lập Nhóm Công lý cho Người Thượng, hiện đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan, bị tuyên 10 năm tù.
Luật sư Mạnh nhận định rằng việc xử những người này vắng mặt là cách xử “tùy tiện”, vì thông thường, chính quyền Việt Nam trong trường hợp không bắt giữ được nghi can để điều tra, thì cơ quan điều tra sẽ tạm đình chỉ điều tra đối với với nghi can vắng mặt, sau đó, tách hồ sơ cho đến khi bắt giữ được họ sẽ xét xử riêng.
“Cơ quan tố tụng đã tự tiện giải thích pháp luật tố tụng theo hướng có thể xét xử vắng mặt họ”, luật sư Mạnh nói. “Sau đó, bằng bản án đã kết tội họ, chính quyền tin rằng sẽ có cơ sở để yêu cầu các quốc gia mà nghi can cư trú cho dẫn độ nghi can về nước để thi hành án”.
Luật sư Mạnh lưu ý rằng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ. Tuy nhiên, trong thực tế hai bên có thỏa thuận sơ bộ về việc trao trả đối tượng truy nã giữa hai nước và đã thực hiện một số trường hợp./.